Ngày 28/3, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam phối hợp với Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) tổ chức hội thảo “An toàn lao động và Bảo vệ môi trường ngành Công Thương năm 2023”.
Quang cảnh tại Hội thảo An toàn lao động và Bảo vệ môi trường ngành Công Thương 2023.
Tham Dự và chủ trì Hội thảo có: 1) Ông Tô Xuân Bảo - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường Công nghiệp; 2) Ông Trần Văn Lượng - Chủ tịch Hiệp hội CNMT Việt Nam.
Đại biểu tham dự Hội thảo có: 1) Ông Bùi Đức Nhưỡng - Phó Cục trưởng, Cục Aan toàn lao động (Bộ LĐTBvà XH); 2) Ông Hoàng Văn Vy - nguyên Phó Cục trưởng Cục BVMT miền bắc, Bộ TN&MT; 3) PGS. TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên đoàn Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam, PCT Hội Kinh tế môi trường Việt Nam…và đại diện các: 1) Cục; Vụ; Viện; Trường Đại học; Tập đoàn, tổng công ty, công ty….thuộc ngành Công Thương; 2) Sở Công Thương các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Hải Dương, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội.; 3) Hội, Hiệp thuộc khối khoa học Kinh tế môi trường và biến đổi khí hậu; 4) Doanh nghiệp trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ xử lý chất thải; 5) Đài truyền hình; Cơ quan báo; Tạp chí.
Ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp phát biểu khai mạc Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho biết: Để triển khai các quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn Luật, với quan điểm phát triển kinh tế phái gắn với BVMT và phát triển bền vững, Bộ Công Thương đã chủ động xây dựng và ban hành nhiều chính sách nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như tăng cường hiệu quả thực thi các nhiệm vụ quản lý nhà nước về BVMT trong lĩnh vực Công Thương như: Hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường ngành Công Thương, quản lý hồ chứa quặng đuôi, phát triển ngành Công nghiệp môi trường, quản lý tro xỉ nhiệt điện, các chính sách về sản xuất và tiêu dùng bền vững, chuyển đổi năng lượng sạch…
Việc tổ chức Hội thảo “An toàn lao động và bảo vệ môi trường ngành Công Thương năm 2023”nhằm mục đích nâng cao nhận thức và trách nhiệm của doanh nghiệp, người lao động, các nhà quản lý trong công tác đảm bảo ATLĐ và BVMT, nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống và môi trường làm việc; thúc đẩy việc sử dụng bền vững, hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, cải thiện và phục hồi môi trường.
“Nội dung hội thảo sẽ tập trung phân tích những cơ hội, thách thức của doanh nghiệp trong công tác đảm bảo ATLĐ và BVMT, đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về ATLĐ, BVMT. Ngoài ra, Hội thảo cũng sẽ thảo luận một số giải pháp trong việc giảm thiểu, loại bỏ nhựa sử dụng 1 lần; thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, quản lý và tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng và áp dụng các chính sách kinh tế môi trường - đây là những vấn đề “nóng” trong công tác BVMT cần được giải quyết nhằm đáp ứng yêu cầu BVMT ở Việt Nam trong thời gian tới” - Cục trưởng Tô Xuân Bảo nhấn mạnh.
Ông Bùi Đức Nhưỡng, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) trình bày Tham luận về “Giải pháp đảm bảo an toàn lao động trong bối cảnh mới”.
Trình bài Tham luận về “Giải pháp đảm bảo an toàn lao động trong bối cảnh mới”, ông Bùi Đức Nhưỡng, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã thông tin cơ bản về lĩnh vực ATLĐ ở nước ta hiện nay.
Ông Nhưỡng chỉ ra thực trạng hiện nay là việc kiểm soát ATLĐ, qua việc xây dựng hệ thống kiểm soát ATLĐ, tần suất giảm, số vụ lao động vẫn tăng nên mục tiêu chúng ta đặt ra phải giảm tần suất tai nạn lao động...
Nêu ra một số giải pháp, Phó Cục trưởng Bùi Đức Nhưỡng nhấn mạnh rằng, cần phải tăng số người được huấn luyện trong lĩnh vực công và sản xuất kinh doanh về công tác ATLĐ; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về ATLĐ, sửa đổi bổ sung Luật An toàn - Vệ sinh lao động cho phù hợp với tình hình thực tiễn; Phát huy hiệu quả quỹ phòng ngừa tai nạn lao động, đẩy mạnh xây dựng hoạt động phòng thử nghiệm, tăng cường trang bị cá nhân về vệ sinh ATLĐ, tuyên truyền về việc tham gia bảo hiểm xã hội để giảm thiểu các rủi ro cho người lao động...
Bên cạnh đó, ông Nhưỡng cũng nêu ra một số vấn đề, trong đó có việc xác định ngành nghề nặng nhọc, độc hại để có hướng cải thiện môi trường ATLĐ và có chế độ bồi dưỡng cho người lao động trong môi trường lao động độc hại (hiện nay chúng ta áp dụng chế độ nghỉ hưu sớm - trước tuổi). Đồng thời đề xuất việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, đưa ra các chính sách hỗ trợ ATLĐ cho người lao động tuân thủ theo theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tham luận tại Hội thảo về “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả BVMT ngành Công Thương”, ông Đinh Văn Tôn (Phòng Bảo vệ môi trường Công Thương - Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp) đã trình bày về thực trạng công tác BVMT trong ngành Công Thương.
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả BVMT ngành Công Thương được ông Tôn đưa ra như: Tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được quy định cụ thể trong Luật BVMT 2020, bao gồm các nội dung về phát triển ngành Công nghiệp môi trường; Ứng phó với biến đổi khí hậu trong ngành Công Thương; Phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, quản lý các chất ô nhiễm khó phân hủy; Phát triển kinh tế tuần hoàn và các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về hoạt động BVMT khác; Tái sử dụng, tái chế chất thải trong một số ngành công nghiệp; Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về BVMT thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương như quản lý, tiêu thụ tro xỉ, thạch cao; Quản lý vận hành các hồ chứa quặng đuôi trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản; Điều tra, đánh giá, phân loại các nguồn thải trong một số ngành công nghiệp trọng điểm...
Ông Hoàng Văn Vy - nguyên Phó Cục trưởng Cục BVMT miền bắc (Bộ TN&MT) trình bày tham luận: BVMT và góc nhìn từ công tác an toàn lao động.
Một số vấn đề trong Tham luận “Bảo vệ môi trường và góc nhìn từ công tác an toàn lao động” do chuyên gia Hoàng Văn Vy, nguyên Phó Cục trưởng, Cục BVMT miền Bắc - Bộ TN&MT đã nhấn mạnh về việc nâng cao năng lực phòng ngừa sự cố môi trường, tình trạng mất ATLĐ trong doanh nghiệp với những tác động trực tiếp, gián tiếp từ các yếu tố vật lý, ô nhiễm khói bụi, không khí, phóng xạ, hóa học...
Ông Vy viện dẫn thông tin: Theo thống kê của ngành Y tế, năm 2015 trong các bệnh nghề nghiệp, bệnh bụi phổi Việt Nam chiếm 74%; trong đó nguyên nhân do chất amiang, bụi bông tác động đường hô hấp 32%; bệnh nghề nghiệp liên quan tiếng ồn 17%...tất cả đã có tác động xấu đến sức khỏe người lao động.
Chuyên gia Hoàng Văn Vy cũng cho biết, nguyên nhân gây mất vệ sinh ATLĐ còn thông qua chuỗi thức ăn, thực phẩm trong các nhà máy, xí nghiệp, một số sự vụ xảy ra thời gian qua đã minh chứng rõ cho điều này.
Bà Dương Thị Phương Anh, Viện chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường trình bày tham luận: “Giải pháp giảm thiểu, loại bỏ sử dụng túi nylon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại”
Tham luận “Giải pháp giảm thiểu, loại bỏ sử dụng túi nylon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại” do bà Dương Thị Phương Anh, Viện chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra nhiều giải pháp căn cơ, giải quyết cho việc giảm thiểu lượng rác thải nylon, sản phẩm nhựa.
“Với bình quân trong 25 triệu tấn rác thải rắn sinh hoạt thì có từ 2 -2,5 triệu tấn rác thải nylon, rác thải nhựa. Trong đó chỉ có 17% lượng trên được tái sử dụng, sau đó lại tiếp tục quay vòng thải ra môi trường, trong khi hoạt động tái chế rác thải nhựa, túi nylon dùng một lần của chúng ta hiện nay chưa được như mong muốn” – Bà Dương Thị Phương Anh chia sẻ .
“Để giảm thiểu và hạn chế rác thải nhựa, túi nylon dùng một lần tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền về các mô hình phân loại rác thải tại nguồn; điều chỉnh mức thuế, áp phí cao, hạn chế nhập khẩu đối với mặt hàng túi nylon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần; đẩy nhanh lộ trình ban hành tiêu chí về nhãn sinh thái Việt Nam; đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo cộng đồng hạn chế sử dụng túi nylon, sản phẩm nhựa dùng một lần chuyển sang các loại túi đựng có chất liệu thân thiện môi trường, túi tự hủy sinh học; có chiến lược tái chế rác thải nhựa, túi nylon, và phát triển mạnh các sản phẩm thay thế túi nylon với giá cả cạnh tranh, góp phần giải thiểu rác thải nhựa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường...” - bà Dương Thị Phương Anh nêu hướng giải pháp.
Ông Ngô Đức Thanh - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương trình bày tham luận: “Giải pháp quản lý và tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường ở Việt Nam”
Tham luận “Giải pháp quản lý và tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường ở Việt Nam” của đại diện Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách Công Thương đã thông tin tổng quát về công tác xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, thực hiện hiệu quả các quy định, các chính sách liên quan công tác quản lý và tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường ở Việt Nam.
Trong phần thảo luận, các đại biểu đã tập trung vào một số vấn đề chính đang được xã hội quan tâm như: Một số vướng mắc tại các doanh nghiệp trong việc đầu tư, hoàn thiện các hạng mục BVMT; Đề xuất một số giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm giải quyết những bất cập trong công tác BVMT...
Ông Trần Văn Lượng - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam phát biểu kết luận và bế mạc Hội thảo
Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Trần Văn Lượng - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam kết luận: ATLĐ và BVMT là 2 nội dung có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển bền vững kinh tế, xã hội của đất nước. Mỗi đơn vị, mỗi lĩnh vực hay mỗi ngành kinh tế muốn phát triển bền vững đều phải chú trọng vấn đề ATLĐ và BVMT.
“Qua chuỗi thời gian làm việc khẩn trương, liên tục, tích cực, Hội thảo hôm nay đã thành công tốt đẹp, là cơ hội quan trọng để các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, doanh nhân nêu ý kiến góp ý, xây dựng và chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về ATLĐ trong sản xuất và BVMT. Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu, đơn vị, doanh nghiệp, đã được đối thoại trực tiếp với các cơ quan quản lý Nhà nước để cùng đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác vệ sinh ATLĐ, BVMT...Cạnh đó, Hội thảo đã góp phần tạo chuyển biến tích cực, thay đổi nhận thức của cộng đồng về vệ sinh ATLĐ và BVMT trong ngành Công Thương, để cùng nhau hướng tới một nền kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững” - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam nhấn mạnh.
Kết thúc trong buổi sáng cùng ngày, Hội thảo “An toàn lao động và Bảo vệ môi trường ngành Công Thương năm 2023” được giới chuyên môn, các nhà nghiên cứu đánh giá cao về hình thức, nội dung, kịp thời, tính cần thiết và sát với các vấn đề lớn thực tiễn đang đặt ra, nhất là trong lĩnh vực ATLĐ và BVMT.
Nguồn TCCNMT