Quản lý, loại trừ HFC tại Việt Nam từ năm 2024
Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ về giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, từ năm 2024, Việt Nam bắt đầu quản lý, loại trừ các chất HFC (môi chất lạnh có tiềm năng gây nóng lên toàn cầu cao). Bộ TN&MT sẽ thông báo mức tiêu thụ và sản xuất cơ sở HFC trước ngày 31/12 năm nay.
Giữ mức tiêu thụ trong giai đoạn 2024 - 2028
Ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết, hiện nay, Bộ TN&MT đang xây dựng Kế hoạch quốc gia quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal của Việt Nam để trình Thủ tướng trong tháng 9/2023. Cục Biến đổi khí hậu đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc khảo sát số liệu về mức tiêu thụ các chất được kiểm soát tại Việt Nam. Với sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, cơ quan quản lý chuyên ngành và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này, đến nay đã cơ bản có đủ số liệu tiêu thụ, dự báo xu hướng tăng trưởng về nhu cầu sử dụng. Từ đó có thể đề xuất một số biện pháp cơ chế, chính sách, đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật để đạt được mức giảm tiêu thụ các chất theo cam kết quốc tế.
HFC được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực làm lạnh
“Một trong những nguyên tắc quan trọng của việc xây dựng Kế hoạch cho giai đoạn từ năm 2024 - 2045 là đảm bảo việc thực hiện cam kết quốc tế, đóng góp vào mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính, song vẫn bảo đảm phát triển kinh tế và đề ra các biện pháp tháo gỡ những khó khăn, rào cản để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội” - ông Cường nhấn mạnh.
Kết quả khảo sát cho thấy, trong 5 năm trở lại đây, tổng lượng tiêu thụ các chất HFC đã tăng dần qua từng năm và đạt hơn 5.600 tấn vào năm 2022. Nguyên nhân do việc ứng dụng HFC ngày càng trở nên phổ biến, tập trung vào 10 lĩnh vực: Lạnh dân dụng, lạnh thương mại, lạnh công nghiệp, điều hòa không khí và bơm nhiệt, chiller và điều hòa không khí trung tâm, điều hòa không khí trong vận tải, lạnh vận tải, Sol khí - dung môi, sản xuất xốp và dập cháy.
Theo lộ trình đáp ứng theo cam kết quốc tế, Việt Nam sẽ quản lý, loại trừ HFC từ năm 2024 và không gia tăng lượng tiêu thụ trong giai đoạn 2024 - 2028. Mức tiêu thụ cơ sở là trung bình lượng tiêu thụ của 3 năm 2020, 2021 và 2022, theo tính toán là 5.478,75 tấn. Các năm sau đó, lượng tiêu thụ sẽ tiếp tục giảm 10% trong giai đoạn 2029 - 2034; giảm 30% trong giai đoạn 2035 - 2039; giảm 50% trong giai đoạn 2040 - 2044 và giảm 80% từ năm 2045.
Bà Nguyễn Đặng Thu Cúc - Phó Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải và Bảo vệ tầng ô-dôn chia sẻ: "Do HFC có nhiều ứng dụng nên để quản lý, loại trừ một cách đồng bộ, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật, tăng cường trình độ của kỹ thuật viên đòi hỏi nhiều thời gian. Chúng tôi đang làm việc với nhiều cơ quan quản lý nhà nước như Cục Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công An), Cục Đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) về những vấn đề này, đồng thời, tích cực đưa ra các môi chất thay thế có phát thải khí nhà kính thấp".
Triển khai các giải pháp can thiệp
Ông Ashraf El-Arini - đại diện Ngân hàng Thế giới nhận định, lộ trình hướng tới tuân thủ các mục tiêu loại trừ HFC giai đoạn 2024 - 2045 sẽ giúp Việt Nam tránh phát thải tương đương 10.974 triệu tấn CO2/năm vào năm 2045 và đóng góp vào các mục tiêu khí hậu quốc gia. Nỗ lực quản lý mức tiêu thụ HFC cũng đồng thời thúc đẩy các hành động phát triển các-bon thấp, đảm bảo giảm dần theo từng giai đoạn để các hoạt động kinh tế có thể thích ứng và chuyển đổi sang sử dụng các môi chất phát thải khí nhà kính thấp hơn.
Theo Dự thảo kế hoạch hành động loại trừ HFC giai đoạn 1, cùng với tăng cường nhận thức cộng đồng về vấn đề này, Ngân hàng Thế giới đề xuất Việt Nam cần có các giải pháp can thiệp vào các lĩnh vực tiêu thụ nhiều HFC, bao gồm: Tăng hiệu suất năng lượng cho nhà sản xuất điều hòa không khí tại Việt Nam, bao gồm đào tạo về lắp đặt/bảo trì điều hòa không khí biến tần; đào tạo về các giải pháp thay thế HFC trong sử dụng thiết bị làm lạnh và điều hòa không khí dân dụng cỡ nhỏ tại các tòa nhà; khuyến khích các nhà sản xuất thiết bị làm lạnh và người dùng cuối của họ, cũng như các nhà thầu lắp đặt để chuyển đổi sang phương án sử dụng môi chất lạnh phát thải thấp; nghiên cứu và tăng cường hiểu biết về các yêu cầu loại bỏ HFC trong giao thông công cộng, tính khả thi của các giải pháp thay thế HFC trong các phương thức vận tải khác nhau; tăng cường năng lực cho các cơ quan cứu hỏa về phương án dập cháy không sử dụng HFC...
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để xây dựng hệ thống quản lý vòng đời môi chất lạnh nhằm giám sát sử dụng, thu hồi, tái chế và tiêu hủy môi chất; hỗ trợ các quy trình/hướng dẫn vận hành tiêu chuẩn và hệ thống và giao diện online trong quản lý và phân bổ hạn ngạch nhập khẩu HFC và hỗn hợp HFC hàng năm. Các cơ quan hải quan cũng cần được tập huấn về giám sát và thực thi các quy định liên quan trong giai đoạn 2024 - 2029.
Theo Tiến sĩ Viraj Vithoontien - chuyên gia về Nghị định thư Montreal, việc phân bổ hạn ngạch nhập khẩu HFC cần được tính toán kỹ lưỡng nhằm giảm thiểu sự gián đoạn sản xuất đối với doanh nghiệp, tránh trở thành rào cản cho sự phát triển các ngành công nghiệp liên quan. Bên cạnh đó, tránh hoặc giảm thiểu sự biến dạng và thao túng thị trường có thể phát sinh từ việc hạn chế cung cấp HFC. Muốn như vậy, cơ quan quản lý cần có cơ chế, chính sách đảm bảo tính minh bạch của các bên liên quan về hệ thống phân bổ hạn ngạch nhập khẩu HFC.
Nguồn: baotainguyenmoitruong