Logo
phone
Hotline: 02437327155
Phát biểu của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhân dịp thành lập Hiệp hội
  27/02/2014
icon-zalo
Đại hội thành lập Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội ngày 23 tháng 4 năm 2011. Đại hội vinh dự được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đến dự và phát biểu chỉ đạo và Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải gửi thư chúc mừng.


Phát biểu của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.
 
Kính thưa các quý vị đại biểu, các vị khách quý;
Thưa toàn thể các đồng chí!

Trước tiên tôi xin gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới Đại hội Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam lần thứ nhất. Chúc Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam luôn thành công trên bước đường phát triển. Chúc các vị đại biểu, khách quý và toàn thể các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Thưa các đồng chí!
Ô nhiễm, suy thoái môi trường là một trong những thách thức mà loài người đang phải đối mặt, cùng với đói nghèo, đại dịch AIDS… những vấn đề này đang đe dọa sự tồn tại và phát triển của trái đất, vì vậy bảo vệ môi trường cũng đồng nghĩa với bảo vệ môi trường sống, bảo đảm mọi người dân được sống trong môi trường trong lành, xanh, sạch đẹp, góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Việt Nam đang phát triển nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta vẫn phải thừa nhận một thực tế là cùng với tăng trưởng kinh tế, chất lượng môi trường ngày càng kém hơn; ô nhiễm lan rộng, mức độ trầm trọng hơn; hầu hết các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa có hoặc chưa bảo đảm hệ thống xử lý chất thải tập trung, còn nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường chưa được xử lý triệt để; đa dạng sinh học suy giảm, gây mất cân bằng sinh thái ở nhiều nơi; biến đổi khí hậu kéo theo lũ lụt, triều cường dẫn đến thảm họa, diễn biến phức tạp khó lường, làm cho đời sống của nhân dân ta ở nhiều vùng còn nhiều khó khăn, thậm chí tính mạng bị đe dọa. Thực tế này đang gây cản trở to lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đe dọa nghiêm trọng sự phát triển bền vững của đất nước…

Những thách thức đó đòi hỏi chúng ta phải thật sự nhận thức và hành động, phải xem bảo vệ môi trường là một nội dung quan trọng, không thể tách rời trong quá trình phát triển bền vững và cũng không thể phát triển kinh tế bằng mọi giá mà xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường theo kiểu sản xuất trước làm sạch sau. Vấn đề bảo vệ môi trường và xử lý vấn đề môi trường đang hết sức cấp bách không chỉ đối với Việt Nam mà đối với tất cả các nước trên thế giới đòi hỏi phải có sự đầu tư nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước, phải áp dụng các công nghệ xử lý chất thải theo quy trình nghiêm ngặt, đơn giản, dễ sử dụng, kể cả việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến để xử lý vấn đề môi trường; vận động xã hội hóa để xử lý môi trường, nâng cao nhận thức của người dân đối với vấn đề đơn giản nhất là rác thải, ô nhiễm và bảo vệ môi trường, phát triển các dịch vụ môi trường thật tốt với mạng lưới sâu rộng, đến với mọi nhà…, đặc biệt là vấn đề sử dụng bền vững tài nguyên của đất nước, bảo vệ rừng… đều là những vấn đề đang đặt ra đối với tất cả chúng ta.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29/11/2005 đã rất chú trọng việc phát triển ngành công nghiệp môi trường (Điều 121); Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng cũng nhấn mạnh: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn bộ xã hội. Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa việc thực hiện tiến bộ và công bằng một xã hội, với bảo vệ và cải thiện môi trường ”.

Tôi rất vui mừng được biết ngành Công nghiệp môi trường Việt Nam đang từng bước định hình và phát triển, đóng góp quan trọng vào mục tiêu chung đó, khẳng định vai trò quan trọng của mình trong sự phát triển kinh tế đất nước theo hướng bền vững. Đó là:
- Nhiều dịch vụ vệ sinh công nghiệp mang tính chuyên nghiệp tại các công sở, bệnh viện, nhà máy đang thay thế dịch vụ do các đơn vị tự làm trước kia. Việt Nam đã có thể đảm nhận phần lớn các dịch vụ xử lý nước thải (công nghiệp, đô thị, dân cư…) điều mà trước đây chỉ do các doanh nghiệp nước ngoài làm.
- Nhiều máy móc thiết bị phục vụ cho hoạt động môi trường đã sản xuất được trong nước như các lò đốt rác, các phương tiện cơ giới thu gom rác (xe hút bụi, xe ép rác), xử lý tái chế rác thải. Đã xuất hiện hàng ngàn doanh nghiệp môi trường chuyên thu gom tái chế chất thải như giấy nhựa, chất thải điện tử, kim loại như đánh giá của Ngân hàng thế giới, đã góp phần giải quyết tới 80% lượng chất thải ra mỗi ngày.
- Năng lực dịch vụ và sản phẩm của công nghiệp môi trường ngày càng trở nên cạnh tranh. Nhiều thương hiệu lớn đã xuất hiện có thể sánh với các doanh nghiệp nước ngoài như SEEN, ECO, EBARA Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa Hồ Chí Minh, Aseatech… Doanh thu của các doanh nghiệp này từ vài chục tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Đây là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập và trước nhu cầu đang gia tăng ngay trong nước.
Điều quan trọng hơn tôi muốn nhấn mạnh tại Đại hội này là, sự ra đời của Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam mà sau hôm nay sẽ chính thức hoạt động là hết sức đúng đắn và cần thiết trong bối cảnh vấn đề môi trường đang hết sức trở nên cấp bách và đã vượt khả năng giải quyết của một quốc gia. Đây sẽ là nơi quy tụ các nhà khoa học, các doanh nghiệp làm nghề. Có thể nói, sự ra đời của Hiệp hội đánh dấu một bước phát triển quan trọng của ngành công nghiệp môi trường Việt Nam, thể hiện sự phát triển ngày càng chuyên nghiệp trong lĩnh vực này và phù hợp với xu thế hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới. Nếu như dự thảo Điều lệ của Hiệp hội được thông qua thì cần quyết tâm thực hiện. Do đó, tại Đại hội này, tôi mong muốn và tin tưởng:
1. Đại hội sẽ bầu ra bộ máy hoạt động, thông qua Điều lệ, Chương trình hoạt động của Hiệp hội… Sau Đại hội, Hiệp hội có kế hoạch, phương hướng và chương trình hành động cụ thể, tạo điều kiện để các hội viên trao đổi thông tin, tìm cơ hội hợp tác, cùng nhau phát triển;
2. Hiệp hội với tôn chỉ mục đích hoạt động của mình sẽ kết nối và tập hợp được các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu công nghệ, các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế để thúc đẩy các hoạt động môi trường và phát triển bền vững. Có như vậy Hiệp hội mới chắc chắn là tổ chức quan trọng, góp phần thực hiện chủ trương phát triển nhanh và bền vững của đất nước;
3. Các tổ chức, cá nhân, cộng đồng xã hội sẽ tiếp tục đồng lòng, chung tay, góp sức, hành động để bảo vệ môi trường, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, pháp luật, nâng cao hiểu biết, xây dựng các chuẩn mực, hình thành ý thức, lối nghĩ, cách làm, hành vi ứng xử thân thiện với thiên nhiên, môi trường; thực hiện thật tốt Luật bảo vệ môi trường;
4. Đề nghị Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, Ban, Ngành, địa phương cùng các tổ chức quốc tế hãy giúp đỡ, tạo điều kiện cho Hiệp hội hoạt động và phát triển để Hiệp hội có nhiều đóng góp thiết thực trong giải quyết các vấn đề môi trường hiện nay.
Cuối cùng, tôi chúc Đại hội lần thứ nhất Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam thành công tốt đẹp, bầu ra được Ban chấp hành và các chức danh lãnh đạo gồm gồm các đồng chí có đức, có tài, tâm huyết với sự nghiệp bảo vệ môi trường của đất nước.
Chúc tất cả các đồng chí sức khỏe dồi dào, thành công trong công việc và hạnh phúc trong cuộc sống.
Xin trân trọng cảm ơn!
       
Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt