Logo
phone
Hotline: 02437327155
Xử lý ô nhiễm môi trường từ bãi thải than sau mưa, lũ
  18/08/2015
icon-zalo

 

Khắc phục sự cố vỡ đập 790 bãi thải Đông Cao Sơn. 

Trận mưa lũ lịch sử kéo dài từ ngày 25-7 đến ngày 4-8 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã làm chết nhiều người và thiệt hại về tài sản là hơn 2.700 tỷ đồng, trong đó ngành than thiệt hại 1.200 tỷ đồng. Hiện tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, nhất là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ các bãi thải của các đơn vị sản xuất than trên địa bàn.

Do chịu ảnh hưởng của trận mưa lũ kéo dài nhiều ngày nên bãi thải Đông Cao Sơn (phường Mông Dương) bị tràn bùn thải xuống khu dân cư phía dưới, đe dọa an toàn tính mạng, tài sản của hàng trăm hộ dân ở phường Mông Dương đang sống trong khu vực dưới chân bãi thải. TP Cẩm Phả phải thực hiện di dời người dân, trong đó có 94 hộ dân ở khu 4, phường Mông Dương buộc phải di dời vĩnh viễn do nằm trong khu vực quá nguy hiểm. Hiện thành phố Cẩm Phả đã cải tạo, sửa chữa một khu tập thể trên địa bàn để cho 94 hộ dân tạm cư và triển khai xây dựng khu tái định cư mới cho các hộ dân này, phấn đấu đến cuối năm 2015 sẽ hoàn thành. Mỏ Mông Dương bị thiệt hại nặng nề, trôi lấp cửa lò +50 K8 CT, gây ngập từ 2,3 đến 1,5 m khu vực mặt bằng công nghiệp của đơn vị…

Thực tế cho thấy, hầu hết các mỏ than lộ thiên của TKV sử dụng hệ thống bãi thải ngoài với công nghệ đổ thải cao. Khối lượng thải lớn nhất tập trung tại vùng Cẩm Phả, khoảng 60 đến 70 triệu m3/năm. Các bãi thải của các mỏ than khai thác lộ thiên thường có chiều cao khoảng từ 60 đến 150 m, có nơi lên tới 250 m. Bên cạnh đó, nhiều bãi thải như Nam Đèo Nai, Nam Lộ Phong hiện đang nằm trong khu đô thị hoặc bị các khu dân cư hình thành sau bao bọc chung quanh hoặc nằm sát ngay chân bãi thải. Các bãi thải như Cao Sơn, Khe Rè lại có xu hướng mở rộng, tiến dần về khu dân cư, cũng như các bãi thải mới hình thành tại Mạo Khê, Đông Triều...

Theo cách tính của ngành than, trong quá trình sản xuất, mỗi năm các cơ sở sản xuất thải ra môi trường hàng chục triệu m3 nước không qua xử lý, hàng triệu m3 đất đá kéo theo hàng trăm ha thảm thực vật bị phá hủy. Để sản xuất một tấn than cần bóc tách từ 8 đến 10 m3 đất, thải ra từ một đến ba m3 nước thải mỏ. Nếu theo cách tính này, TKV đã để lại vô số ngọn núi chất thải rắn, các bể chứa chất thải lỏng sau khai thác than. Đây được coi là mối nguy hiểm về ô nhiễm môi trường, nguy cơ sạt lở đất, đá xuống các khu dân cư sống chung quanh khu vực chân các bãi thải, nhất là sau đợt mưa lũ vừa qua. Vì vậy, việc xử lý ô nhiễm môi trường từ các bãi thải than cần có những giải pháp đồng bộ.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long, qua đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, UBND tỉnh sẽ trình Chính phủ cho phép tỉnh Quảng Ninh và TKV xây dựng đề án di dân ở dưới các bãi thải than bảo đảm an toàn; cũng như Chính phủ cần có cơ chế đặc biệt để ngành than trích lại một phần lợi nhuận đầu tư cho sự phát triển của tỉnh và bảo đảm môi trường sống cho người dân. Để làm được điều này, tỉnh Quảng Ninh mong muốn Nhà nước sẽ sớm đồng ý cho tỉnh xây dựng quy hoạch di dân nhằm bảo đảm vừa ổn định sản xuất than, hạn chế những thiệt hại cho người dân đang sống dưới chân các bãi thải của ngành than. Trước mắt khi chưa có được đề án di dân ra khỏi khu vực chân các bãi thải thì TKV cần có các giải pháp nhanh chóng gia cố bằng cách xây kè tại chân các bãi thải, đồng thời trồng cây xanh tại các bãi thải đã kết thúc nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do sạt lở đất đá từ các bãi thải xuống khu dân cư.

Phó Tổng cục trưởng Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Mai Thanh Dung cho biết: Một trong những hậu quả nghiêm trọng do mưa lũ gây ra mà Quảng Ninh đang phải đối mặt đó là nguy cơ ô nhiễm môi trường, do một lượng lớn than bùn tràn ra ngoài từ những mỏ than bị sạt lở. Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) đã thành lập đoàn công tác đến Quảng Ninh thị sát tại một số khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng do mưa lũ gây ra. Theo báo cáo của TKV, có khoảng 10 nghìn tấn than mới khai thác đang tập kết ở các kho tạm ngoài trời đã bị cuốn theo dòng nước mưa, làm bồi lấp nhiều hồ lắng, sông, suối, kênh thoát nước và khu vực dân cư… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tại khu vực này.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, Bộ TN và MT đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh, TKV chỉ đạo các cơ quan chức năng, các đơn vị thành viên tiến hành ngay việc nạo vét các hồ đã bị lấp, khơi thông hệ thống cống, kênh mương, sông suối kể cả ở khu vực của sông thoát ra để đáp ứng yêu cầu tiêu thoát nước cho khu vực; kết hợp tận thu than bùn trong quá trình nạo vét nếu có lợi về mặt hiệu quả kinh tế; bùn đất nạo vét phải được tập kết ở địa điểm phù hợp, bảo đảm an toàn cho môi trường; gia cố các đập, tường chắn, bờ kè bãi thải bị sạt lở… Về lâu dài, cần tiến hành đánh giá để có quy hoạch bố trí dân cư phù hợp, quy hoạch hệ thống bãi thải trên địa bàn để bảo đảm an toàn cho cộng đồng và môi trường. Đồng thời, Bộ TN và MT sẽ có những hỗ trợ cần thiết cho tỉnh Quảng Ninh, TKV nhằm sớm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, do đợt mưa lũ vừa qua gây ra…

Nguồn Báo Nhân dân

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt