.Đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào dự án xử lý chất thải nguy hại (CTNH) nhưng hiện cả 4 đơn vị trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu với tổng công suất 172 tấn/ngày thường xuyên rơi vào cảnh thiều nguyên liệu. Trong khi đó, CTNH trên địa bàn tỉnh lại được vận chuyển đi tỉnh khác để xử lý.
Công suất hiện tại của các nhà máy xử lý CTNH trên địa bàn tỉnh BRVT đã dư so với nhu cầu thực tế. Hiện cả 4 nhà nhà máy xử lý CTNH nằm ở khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, huyện Tân Thành, gồm Sông Xanh, Sao Việt, Hà Lộc và Hùng Mạnh Dũng đều thiếu nguyên liệu đầu vào để xử lý.
Xử lý chất thải nguy hại tại Cty Sao Việt |
Theo đại diện Nhà máy xử lý CTNH Hà Lộc (do Cty TNHH Hà Lộc làm chủ đầu tư): Dù có cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, phương tiện và trang thiết bị chuyên dụng trong hoạt động thu gom, xử lý và tái chế CTNH khép kín, trong đó có lò đốt FSI-500 công suất 500kg/giờ với công nghệ đốt hiện đại nhất nhưng hiện nhà máy xử lý CTNH Hà Lộc mới chỉ đạt 31,6% công suất thiết kế.
Cũng như Hà Lộc, nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, dầu khí và CTNH Hùng Mạnh Dũng (chủ đầu tư là Cty TNHH Xử lý môi trường sạch Việt Nam) được xây dựng trên diện tích 1,5 ha cũng đang thiếu nguyên liệu đầu vào. Ông Nguyễn Hữu Danh, Giám đốc Cty TNHH Xử lý môi trường sạch Việt Nam cho biết, với tổng kinh phí đầu tư ban đầu hơn 50 tỷ đồng, nhà máy xử lý CTNH của Cty có công suất xử lý 23.000 tấn/năm đi vào hoạt động từ đầu năm 2015. Nhưng từ đó đến nay nhà máy mới hoạt động đạt khoảng 60% công suất thiết kế.
Được biết, hai nhà máy còn lại là Sông Xanh (của Cty TNHH Sông Xanh) chỉ đạt 27% công suất thiết kế, Sao Việt (Cty CP Sao Việt) chỉ đạt 55,8% công suất thiết kế.
Chia sẻ về nguyên nhân gây nên tình trạng trên, các nhà máy xử lý CTNH tại BRVT cho biết: dù trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nhà máy xử lý CTNH nhưng các chủ nguồn thải lại không tận dụng lợi thế xử lý tại chỗ của các nhà máy ở địa phương để giảm chi phí vận chuyển mà phần lớn đều đưa CTNH ra ngoại tỉnh để giao cho các đơn vị khác xử lý. Trong đó, nhiều đơn vị xử lý ngoại tỉnh lại đóng tại các vị trí khá xa như: Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM và thậm chí là cả Tiền Giang.
Theo thống kê của Sở TN-MT, lượng CTNH phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 170 tấn/ngày (chưa bao gồm bụi lò và xỉ thép). Mỗi năm có khoảng từ 5.000 – 6.000 tấn chất thải dầu thô từ việc làm sạch tàu chở dầu; có từ 3.000 – 4.000 tấn chất thải có lẫn dầu từ hoạt động dầu khí; khoảng 2.000 tấn chất thải có lẫn dầu từ hoạt động cảng biển và vận tải đường thủy; hơn 1.000 tấn chất thải độc hại từ các nhà máy và xí nghiệp trong các KCN… |
Thực tế này do các hợp đồng xử lý CTNH đã được các chủ nguồn thải ký kết từ lâu, trước khi các nhà máy xử lý CTNH trong tỉnh hoạt động. Trong khi đó, các nhà máy xử lý CTNH này cũng chưa “năng động” trong việc đưa ra các cơ chế hấp dẫn, thu hút các chủ nguồn thải tại địa phương.
Trong khi các nhà máy hiện hữu đã dư thừa công suất và chưa có hướng giải quyết để hoạt động hiệu quả hơn thì trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá nhiều dự án xử lý CTNH đang chờ được cấp phép. Như tại khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên hiện có tổng cộng 11 dự án xử lý chất thải đã được cấp phép, trong đó còn 1 dự án xử lý CTNH đang chờ giấy phép. Thời gian tới, nếu dự án này cũng như các dự án được cấp mới khác đi vào hoạt động, thì tình trạng “đói nguyên liệu” của các nhà máy xử lý CTNH sẽ tiếp tục lộ rõ.
Trước những bất cập nêu trên, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh BRVT cho biết: Hiện Sở đang tiến hành kiểm tra quy hoạch khu xử lý chất thải tập trung 100 ha, nếu dự án xử lý chất thải trong đó có xử lý CTNH dư thừa công suất mà chưa triển khai xây dựng thì Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi, tránh tình trạng mất cân đối giữa các loại hình xử lý chất thải.
Theo enternews.vn