Sáng 23/6, tại Nghệ An, Tổng cục Môi trường phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo “Xây dựng Kế hoạch quản lý môi trường bền vững cho các khu vực ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) tồn lưu trên địa bàn tỉnh Nghệ An”.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Mai Thanh Dung và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Đinh Viết Hồng chủ trì hội thảo.
Tham dự Hội thảo còn có đại diện Cục Bảo vệ môi trường vùng Rijmond (Hà Lan), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài Chính, Nông nghiệp, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An và các cơ quan có liên quan.
Phát biểu khai mạc, Phó Tổng cục trưởng Mai Thanh Dung cho biết tình hình ô nhiễm hoá chất BVTV tại Việt Nam tương đối phức tạp, với số lượng điểm ô nhiễm là hơn 1.153 khu vực (theo số liệu điều tra năm 2009) và mới bổ sung thêm hơn 400 khu vực mới (theo số liệu điều tra gần đây).
Các điểm ô nhiễm nằm rải rác tại các tỉnh phía Bắc và tập trung chủ yếu tại khu vực Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị), trong đó, qua xác định sơ bộ, riêng tại Nghệ An có 913 khu vực. Nhiều khu vực ô nhiễm hóa chất BVTV nằm rải rác và xen kẽ trong khu dân cư, các công trình công cộng, gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1946/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, xử lý ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước.
Từ khi Kế hoạch được ban hành, cả nước đã ưu tiên triển khai 49 dự án xử lý ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu với tổng kinh phí khoảng 220 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, việc triển khai Kế hoạch còn có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, điển hình như Dự án “Xây dựng năng lực nhằm loại bỏ hoá chất BVTV POP tồn lưu tại Việt Nam” do Quỹ Môi trường Toàn cầu/ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tài trợ. Dự án đã hỗ trợ tăng cường năng lực và triển khai các biện pháp xử lý, giảm thiểu rủi ro tại 09 khu vực ô nhiễm hoá chất BVTV khác.
Như vậy, với sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong thời gian vừa qua, cả nước mới chỉ xử lý được 58 khu vực ô nhiễm, tuy nhiên, nếu tính trên tổng số là hàng ngàn điểm thì con số này còn hết sức hạn chế.
Trước tình hình chi tiêu công của Việt Nam đang thắt chặt trong giai đoạn hiện nay, số lượng điểm ô nhiễm tồn lưu còn nhiều cộng với việc các điểm ô nhiễm mới được phát hiện thêm hàng năm tại các địa phương - thực trạng này đòi hỏi chúng ta cần có một cách tiếp cận mới trong quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu.
Theo các chuyên gia quốc tế, cần tiếp cận dựa vào rủi ro nhằm quản lý bền vững và dần dần cải thiện, phục hồi môi trường tại các khu vực này; đối với những địa phương có số lượng các điểm ô nhiễm môi trường lớn như Nghệ An, Hà Tĩnh,… thì việc xử lý theo cách thức truyền thống, đó là xử lý “từng điểm một” là chưa phù hợp với thực tiễn. Do đó, cần có một “chiến lược” hoặc một “kế hoạch” tổng thể trên phạm vi toàn tỉnh, và kế hoạch này cần nằm trong mối liên hệ với quy hoạch quản lý sử dụng đất và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội khác.
Trên cơ sở đó, được sự hỗ trợ của UNDP, Tổng cục Môi trường sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An để triển khai dự án nhằm xây dựng Kế hoạch này trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ thực hiện dự án, hội thảo “Xây dựng Kế hoạch quản lý môi trường bền vững các khu vực ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu” được tổ chức nhằm tham vấn các chuyên gia trong nước và quốc tế để có thể định hướng triển khai xây dựng được một Kế hoạch quản lý môi trường bền vững các khu vực ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu một cách thực tiễn, khả thi cho tỉnh Nghệ An và góp phần triển khai thành công Quyết định 1946/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Việc xây dựng thành công Kế hoạch Quản lý Môi trường bền vững cho tỉnh Nghệ An sẽ là một bài học hữu ích, thực tiễn để nhân rộng ra các địa phương khác./.
Nguồn VEA