Logo
phone
Hotline: 02437327155
Xác định được những nội dung quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường
  30/09/2015
icon-zalo

 

Sau 01 ngày làm việc tích cực và hiệu quả, chiều 29/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hội thảo Quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đã kết thúc tốt đẹp, xác định được những nội dung về công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường quan trọng để trình lên Phiên toàn thể của Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV.

 

 Để chuẩn bị cho Hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được 42 báo cáo của các tổ chức, cá nhân từ các lĩnh vực khác nhau trên qui mô toàn quốc và đã chọn 26 báo cáo để trình bày tại hai (02) phiên họp tại Hội thảo. 

 

 Tham dự Hội thảo có gần 400 đại biểu từ các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các Sở Tài nguyên và Môi trường, một số viện nghiên cứu, trường đại học, một số tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và chuyên gia. Trên những cương vị và điều kiện khác nhau, các đại biểu đã chia sẻ nhiều thông tin, kinh nghiệm, nhận xét, đóng góp về quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. 

 

Trong thời gian diễn ra Hội thảo, đã có 18 lượt đại biểu phát biểu ý kiến tại Hội trường. Do thời gian hạn chế, một số đại biểu không có điều kiện phát biểu tại Hội trường cũng đã trực tiếp gửi ý kiến tới Ban Tổ chức.

Từ các thông tin thu nhận từ các báo cáo, thảo luận, góp ý, Hội thảo thống nhất và sẽ báo cáo tại Phiên toàn thể Hội nghị Môi trường Toàn quốc lần thứ IV những nội dung như sau: đánh giá thành công trong thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường có bước phát triển vượt bậc, trong đó phải kể đến việc ban hành Hiến pháp 2012 với những quy định quan trọng về công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt với quy định về quyền con người, Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban chấp hành trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ môi trường 2014.

 

Nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường đã được quan tâm hơn như hệ thống tổ chức quản lý nhà nước môi trường tiếp tục được củng cố; năng lực của hệ thống quản lý nhà nước về môi trường tiếp tục được nâng cao, hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong toàn hệ thống mang tính hiệu quả cao hơn; việc phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về bảo vệ môi trường đã có những bước tiến bộ nhất định; các thành phần kinh tế khác đã bước đầu tham gia đầu tư cho bảo vệ môi trường.

 

Bổn phận bảo vệ môi trường đã thực sự lan tỏa tới các cấp, các ngành, tới từng tổ chức, cá nhân trong xã hội. Điều này đã tạo động lực to lớn cho nỗ lực bảo vệ môi trường, đồng thời cũng là sức ép mạnh mẽ để hạn chế các hành vi tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường trong toàn ngành cũng như tới từng tổ chức, cá nhân trong xã hội.

 

Về công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường (ĐMC, ĐTM), các quy trình, thủ tục thẩm định ĐMC, ĐTM được quy định ngày càng rõ ràng, minh bạch hơn theo hướng cải cách hành chính nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu về chất lượng của công tác thẩm định. Thông qua công tác ĐTM, nhiều vấn đề môi trường của các dự án được nhận diện, từ đó giúp cơ quan có thẩm quyền và các chủ đầu tư có những quyết định đúng đắn về việc tiếp tục thực hiện dự án hay không, hoặc nếu tiếp tục thì cần phải thay đổi những gì, các giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực môi trường nào cần được đề xuất thực hiện.

 

Công tác bảo tồn đa dạng sinh học đã huy động được nhiều nguồn lực về kỹ thuật và tài chính thông qua việc tăng cường chỉ đạo công tác hợp tác quốc tế, thúc đẩy thực hiện tốt vai trò đầu mối các điều ước quốc tế về Đa dạng sinh học; nhiều khu bảo tồn thiên nhiên đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động chủ trì lập hồ sơ trình các Tổ chức quốc tế công nhận danh hiệu là Khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, Khu di sản ASEAN.

 

Quản lý chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại cũng là công tác đã dần đi vào nề nếp, số lượng các vụ việc vi phạm giảm cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng; hầu hết các địa phương đều đã hoàn thành lập và phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn trong đó có nội dung quy hoạch quản lý chất thải rắn thông thường; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị tăng dần qua các năm ...

 

Các hồ, ao, khu vực bị ô nhiễm tồn lưu bước đầu đã được quản lý và phục hồi; đã xử lý được hơn 60 điểm tồn lưu do hóa chất BVTV tồn lưu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng ...

 

Với những thành công về thể chế và hoạt động nói trên, chúng ta đã từng bước kiểm soát và ngăn chặn được sự gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, làm giảm đà suy thoái, suy giảm của đa dạng sinh học, hạn chế tác động xấu của môi trường đối với con người, tạo nền tảng và tiền đề quan trọng cho sự phát triển tiếp theo.

 

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại Việt Nam vẫn còn một số khuyết điểm và tồn tại. Trước hết, về quan điểm và nhận thức, có lúc và có nơi chưa thực sự coi môi trường và bảo vệ môi trường phải  gắn kết hữu cơ, không thể tách rời với phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc coi nhẹ, thậm chí bỏ qua lợi ích môi trường trong các hoạt động kinh tế, mặc dù đã có tiến bộ hơn trước nhưng vẫn còn diễn ra, có trường hợp diễn ra ở mức độ phức tạp.

 

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mặc dù đã có những bước tiến lớn nhưng vẫn còn những chồng chéo, chưa rõ ràng trong phân công, nhất là trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, vẫn còn những quy định chưa thực sự phù hợp; nguồn lực, công nghệ, năng lực quản lý, xử lý chất thải, chất thải nguy hại còn hạn chế, việc tổ chức triển khai quy hoạch quản lý chất thải rắn đã phê duyệt tại các địa phương còn chậm.

 

Việt Nam còn có hạn chế liên quan đến công tác ĐMC, ĐTM: còn thiếu nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường, đặc biệt là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật không liên quan đến chất thải nên không có căn cứ để làm chuẩn mực khi xem xét các tác động không liên quan đến chất thải gây ra bởi dự án.

 

Nhằm khắc phục các tồn tại, đồng thời tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, trong thời gian tới, Hội thảo nhất trí đề xuất tại Phiên toàn thể Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV một số nội dung như phải có hệ thống các giải pháp đồng bộ, toàn diện và thực thi, từ các biện pháp nâng cao nhận thức, quan điểm, tầm nhìn đến việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; nhu cầu nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật cần lưu ý các quy định liên quan đến việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do để bảo đảm 2 mục tiêu: bảo vệ môi trường trong nước và hỗ trợ về yếu tố môi trường cho hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam thâm nhập tốt hơn vào thị trường quốc tế; thường xuyên coi trọng công tác thanh tra và kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng tổ chức và cán bộ thanh tra môi trường ở trung ương và địa phương; cần có cơ chế liên kết và phối hợp  tốt, trong đó có sự chia sẻ trách nhiệm và quyền hạn giữa các cơ quan trung ương với nhau, giữa các cơ quan trung ương và các địa phương và giữa các địa phương có liên quan, đặc biệt những khu vực đặc thù như Tây Nguyên, các lưu vực sông chính.

 

Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiếp tục tạo hành lang pháp lý và các điều kiện cần thiết để đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, trong đó đẩy mạnh hình thức hợp tác công tư cho lĩnh vực xử lý chất thải; cần có các biện pháp gắn kết giữa quản lý nhà nước với công tác nghiên cứu và đào tạo để phát triển tốt nguồn nhân lực trong lĩnh vực môi trường và bảo vệ môi trường; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống thông tin môi trường, hệ thống báo cáo thông tin môi trường, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia và triển khai có hiệu quả chương trình cải cách hành chính, gắn kết chặt chẽ với việc cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân và doanh nghiệp phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước về môi trường ở Trung ương và địa phương; thực hiện đề án tăng cường năng lực về công tác ĐMC, ĐTM theo tinh thần Luật BVMT 2014, trong đó phải chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm định báo cáo ĐTM để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường của các dự án đầu tư; Tiếp tục xây dựng các ấn phẩm và phổ biến các hướng dẫn kỹ thuật chuyên ngành về ĐMC, ĐTM, kế hoạch bảo vệ môi trường; hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

 

Theo VEA

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt