Logo
phone
Hotline: 02437327155
Việt Nam sẵn sàng hợp tác, đóng góp tích cực để gìn giữ môi trường ASEAN mãi xanh
  29/10/2015
icon-zalo

 


 

Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Bộ trưởng Môi trường các nước ASEAN lần thứ 13, diễn ra vào chiều ngày 28/10/2015 tại Hà Nội.

 

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, năm 2015 là mốc lịch sử quan trọng đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khi Cộng đồng ASEAN được thành lập và trở thành một thực thể gắn kết về chính trị - an ninh; liên kết về kinh tế; cùng hợp tác, chia sẻ trách nhiệm về văn hóa - xã hội; đóng vai trò trung tâm trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, phát triển ở khu vực. ASEAN cũng đã trở thành đối tác quan trọng của nhiều quốc gia, tổ chức khu vực và quốc tế, được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những tổ chức hợp tác khu vực thành công.


Năm 2015 cũng là năm Việt Nam kỷ niệm 20 năm gia nhập ASEAN. Thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025, Việt Nam cam kết tiếp tục nỗ lực đóng góp cho hợp tác khu vực với phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, góp phần xây dựng một ASEAN gắn kết, đoàn kết, thống nhất và có vai trò ngày càng quan trọng ở khu vực và quốc tế.


Cùng với toàn cầu, Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN luôn coi trọng công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Hợp tác về bảo vệ môi trường là một trong những lĩnh vực được đưa ra ngay từ những thập kỷ đầu tiên khi mới thành lập Hiệp hội ASEAN và luôn được các quốc gia thành viên quan tâm thúc đẩy.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đánh giá cao công tác hợp tác bảo vệ môi trường trong khu vực ASEAN với những kết quả tích cực như: tổng thể môi trường khu vực ASEAN được duy trì, đảm bảo cho sức khỏe và hệ sinh thái; một số nước ASEAN được xếp hạng cao về Chỉ số hiệu suất môi trường (EPI); ASEAN đã hoàn thành việc triển khai các hành động hợp tác về đảm bảo môi trường bền vững trong Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN giai đoạn 2009 - 2015.


Hợp tác về bảo vệ môi trường với các đối tác trong khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS) và Liên minh Châu Âu (EU) không ngừng được tăng cường. Nhóm đặc nhiệm đa quốc gia ASEAN đang phối hợp với các đối tác trong và ngoài khu vực tích cực dập tắt cháy rừng và ngăn ngừa lan truyền khói bụi từ Indonesia. ASEAN tích cực tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP-UNFCCC), đưa ra các Tuyên bố chung của Lãnh đạo cấp cao ASEAN về biến đổi khí hậu. Nhiều nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, mặc dù chưa phải là nguồn phát thải đáng kể khí gây hiệu ứng nhà kính nhưng lại phải chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị COP 21 - Paris tháng 12/2015, Việt Nam sẽ cùng cộng đồng quốc tế công bố mức Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) về giảm phát thải. 


Ngày nay, biến đối khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh lương thực và nguồn nước,… đã trở thành vấn đề lớn của khu vực và toàn cầu, không một quốc gia hay cường quốc nào đủ sức giải quyết mà cần phải có sự hợp tác của cả cộng đồng quốc tế. Nhiệm vụ khó khăn, nặng nề đối với mỗi quốc gia là phải tập trung phát triển kinh tế và bảo vệ tốt môi trường; coi bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là nội dung cơ bản của phát triển bền vững.


Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 tại Malaysia tháng 11/2015 sẽ thông qua Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, trong đó có nội dung tăng cường hợp tác về bảo vệ môi trường trên một số lĩnh vực ưu tiên như tiêu dùng và sản xuất bền vững; quản lý, xử lý an toàn chất thải và hóa chất; bảo tồn và quản lý bền vững đa dạng hệ sinh thái và nguồn tài nguyên thiên nhiên; tạo dựng các đô thị bền vững về môi trường; ứng phó với thảm họa,... 


Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù đã có nhiều nỗ lực và đạt được kết quả bước đầu về bảo vệ môi trường, nhưng Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn về tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường ở một số khu vực thành thị, nông thôn, khu công nghiệp và làng nghề; tài nguyên thiên nhiên vẫn còn bị khai thác quá mức, thiếu bền vững,… 
Theo cảnh báo của các chuyên gia môi trường quốc tế, trong 10 năm tới, GDP của Việt Nam có thể tăng gấp đôi, nhưng nếu không quan tâm đúng mức công tác bảo vệ môi trường, tính trung bình cứ tăng 1% GDP thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi khoảng 3% GDP.


“Đây là cảnh báo rất nghiêm khắc khi trên thực tế vẫn còn tình trạng coi trọng các lợi ích phát triển kinh tế trước mắt hơn nhiệm vụ bảo vệ môi trường bền vững lâu dài. Hơn nữa công tác bảo vệ và khắc phục hậu quả môi trường cần phải có nguồn lực không nhỏ trong khi nguồn vốn đầu tư cho phát triển còn hạn hẹp. Trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam coi bảo vệ môi trường là nội dung quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển xanh và hướng tới người dân - phát triển bền vững và bảo vệ sức khỏe, thể chất của nhân dân” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.


Thông qua Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13 và các sự kiện liên quan này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tin tưởng các nước ASEAN, các đối tác ASEAN+3, cộng đồng quốc tế sẽ có những định hướng, chương trình, kế hoạch hợp tác cụ thể, thiết thực nhằm đảm bảo bền vững môi trường, ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu cho toàn khu vực và thế giới trong tương lai.
Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn và mong muốn các quốc gia thành viên ASEAN, các đối tác của ASEAN, cộng đồng quốc tế tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam hiệu quả hơn nữa, đồng thời, Việt Nam sẵn sàng hợp tác, đóng góp tích cực để cùng ASEAN, các nước đối tác và cộng đồng quốc tế chung tay giữ gìn môi trường của khu vực và thế giới mãi xanh.


Ngoài ra, trước giờ chính thức khai mạc Hội nghị, các Bộ trưởng, Trưởng đoàn, quan chức về môi trường của các quốc gia thành viên ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã diện kiến và chào xã giao Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhân dịp Thủ tướng tham dự Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13 và các hội nghị liên quan.

Theo VEA

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt