Bộ công cụ được công bố hôm 30/3. Ảnh: Đại sứ quán Anh
Với tên gọi Vietnam 2050 Calculator Pathways, bộ công cụ này cho phép người sử dụng hiểu về các kịch bản lựa chọn năng lượng, mối tương quan giữa các kịch bản này với định hướng lựa chọn mức phát thải khí nhà kính của Việt Nam, thông cáo Đại sứ quán Anh cho biết.
Đây là một mô hình tính toán chạy trên nền web mô tả bức tranh cung - cầu năng lượng của Việt Nam, với các tổ hợp kịch bản phát triển năng lượng và tính toán mức giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam tương ứng từ nay đến năm 2050. Đây là một công cụ thân thiện với người sử dụng, bất kỳ ai cũng có thể truy cập và khám phá các kịch bản năng lượng từ nay đến năm 2050 chỉ cần có kết nối Internet.
Cách đây một năm, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Bộ Năng lượng và Biến đổi khí hậu Anh (DECC), cùng hỗ trợ tài chính thông qua Quỹ Biến đổi khí hậu Quôc tế (ICF) của nước này, các nhà làm chính sách tại các bộ ngành liên quan của Viêt Nam đã tiếp nhận phiên bản Calculator 2050, được xây dựng dựa trên phiên bản gốc của DECC. Tuy nhiên do hạn chế về thời gian, phiên bản Vietnam 2050 Calculator chưa được hoàn thiện về ngôn ngữ đan xen cả tiếng Anh và Việt, cũng như chưa có một số kịch bản chi tiết cho các phân ngành kinh tế.
Trong khi đó, Việt Nam có mối quan tâm lớn đến mô hình 2050 Calculator về tính khoa học và minh bạch, cũng như tính hữu dụng trong việc tham khảo trong quá trình xây dựng các chính sách liên quan tới năng lượng và phát thải khí nhà kính. Vì vậy Quỹ Thịnh vượng thuộc Bộ Ngoại giao Anh đã hỗ trợ tài chính cho Bộ Công Thương Việt Nam tiếp tục nâng cấp công cụ này.
Hiện công cụ đã được cập nhật và phản ánh các chính sách mới được ban hành của Việt Nam về năng lượng, bổ sung và chi tiết hóa các dữ liệu về tiêu thụ năng lượng các ngành công nghiệp, hộ gia đình và thương mại. Các ước tính chi phí cho các kịch bản và giải pháp giảm phát thải khí nhà kính cũng được thể hiện trong mô hình.
Ông Vũ Đình Duy, Phó cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương, đánh giá mô hình 2050 Calculator của Việt Nam không chỉ dùng cho các nhà hoạch định chính sách mà công chúng, giới học thuật, mà các nhà hoạt động xã hội cũng có thể dùng được. Hiện dự án đang hỗ trợ để xây dựng phiên bản Calculator 2050 cho cấp tỉnh, lựa chọn Đà Nẵng là thành phố được thí điểm xây dựng mô hình này. Dự kiến đến tháng 3 năm sau, phiên bản Calculator 2050 của Đà Nẵng sẽ được hoàn tất. Công cụ này sẽ hỗ trợ Đà Nẵng thiết lập các kế hoạch hành động và mục tiêu liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính và tăng trưởng xanh, từ đó kết nối với các chính sách và mục tiêu của quốc gia.
Đại diện các bộ ngành tham dự lễ ra mắt hôm 30/3 bày tỏ mong muốn mô hình được tiếp cận và sử dụng lâu dài trong quá trình tham khảo xây dựng chính sách về năng lượng của Việt Nam. Công cụ này cũng được trông đợi sẽ hỗ trợ việc Việt Nam tham vấn và chia sẻ với các bên liên quan trong quá trình đề xuất các giải pháp, các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính hướng tới các mục tiêu đề ra trong Báo cáo đóng góp dự kiến cho quốc gia tự quyết định (INDC), thực hiện Thỏa thuận Paris và được tham khảo trong quá trình chuẩn bị Thông báo quốc gia lần thứ 3.
Anh là quốc gia đầu tiên thông qua Luật Biến đổi khí hậu vào năm 2008, đưa ra nhiều mục tiêu đầy tham vọng như đạt mức giảm phát thải là 36% vào năm 2020 và giảm 80% vào năm 2050 so với mức phát thải của năm 1990. Anh cũng đồng thời đưa ra kế hoạch để đạt được các mục tiêu đó. Bộ Năng lượng và biến đổi khí hậu Anh đã công bố "2050 Calculator" hồi 2010 để mời gọi tranh biện cách thức đạt được các mục tiêu đề ra.
Theo VnExpress