Đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam sẽ thực hiện giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được hỗ trợ quốc tế.
Việt Nam cũng sẽ triển khai các hoạt động thích ứng ưu tiên giúp tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, tạo điều kiện để có thể đóng góp nhiều hơn cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Đây là đóng góp của Việt Nam nêu trong Báo cáo Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) được Việt Nam gửi cho Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) vào ngày 30/9 vừa qua. Việt Nam là Bên thứ 74 trên thế giới đã gửi INDC cho Ban thư ký Công ước.
Để giới thiệu rộng rãi nội dung của Báo cáo này tới các sở ban ngành địa phương, ngày 23/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, Xây dựng và An toàn hạt nhân Cộng hòa liên bang Đức (BMUB) ủy quyền Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo đóng góp của Việt Nam cho thỏa thuận toàn cầu mới về khí hậu.
Trước đó, Lễ công bố Báo cáo INDC đã được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 12/10/2015, để ghi nhận nỗ lực của các bên liên quan trong thời gian qua và chuẩn bị thực hiện INDC trong thời gian tới.
Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu Nguyễn Khắc Hiếu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Cộng đồng quốc tế đã và đang khẩn trương tiến hành các hoạt động đàm phán về biến đổi khí hậu nhằm xây dựng Thỏa thuận toàn cầu mới về khí hậu dự định sẽ được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 các Bên tham gia Công ước khí hậu (COP21) tại Paris, Pháp vào cuối năm nay.
Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang triển khai thực hiện nhiều chính sách, chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu ở trong nước, đồng thời chủ động tham gia xây dựng Thỏa thuận Khí hậu toàn cầu mới nhằm giữ cho nhiệt độ trái đất tăng dưới 2oC vào cuối thế kỷ 21 so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Để đạt được mục tiêu này, Hội nghị các Bên tham gia UNFCCC lần thứ 19 (COP19) tại Ba Lan năm 2013 đã kêu gọi tất cả các bên xây dựng INDC. Việc xây dựng và đệ trình INDC là trách nhiệm và nghĩa vụ của tất cả các bên tham gia UNFCCC.
Chính phủ Việt Nam giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Báo cáo INDC của Việt Nam. Các bộ, tổ chức phi chính phủ, các cơ quan nghiên cứu, đại diện các doanh nghiệp cũng như các đối tác phát triển quốc tế đã tham gia và có những đóng góp cụ thể trong quá trình xây dựng và hoàn thiện INDC.
Trong điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của một nước đang phát triển, chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, INDC của Việt Nam đã thể hiện nỗ lực cao nhất của quốc gia trong góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu nhằm thực hiện mục tiêu của Công ước khí hậu.
Nỗ lực của quốc gia còn được thể hiện qua việc Chính phủ coi ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn, là trách nhiệm của cả nước trong tiến hành đồng thời các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Các đóng góp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tập trung vào các lĩnh vực năng lượng (gồm cả giao thông), nông nghiệp (gồm cả sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp) và chất thải. Các đóng góp về thích ứng tập trung vào nông nghiệp, tài nguyên nước, lâm nghiệp ở vùng đồng bằng, ven biển, vùng núi và đô thị.
Là quốc gia đang phát triển không gây ra biến đổi khí hậu nhưng lại chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, trên cơ sở điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay và dự báo đến 2030, Việt Nam tin rằng đóng góp của Việt Nam là công bằng, thể hiện nỗ lực cao nhất của quốc gia cùng cộng đồng quốc tế chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu./.
Theo Vietnam+