Việc ứng dụng công nghệ xây dựng, sản xuất vật liệu xây không nung (VLXKN) góp phần vào việc tiết kiệm năng lượng cho các công trình xanh, đồng thời tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tro xỉ, góp phần bảo vệ môi trường – các chuyên gia đưa ra tại hội thảo “Vật liệu xây không nung: Vật liệu xanh cho công trình xanh” ngày 25/03 ở Hà Nội.
Lợi ích của VLXKN
So sánh hiệu quả kinh tế kỹ thuật sản xuất và sử dụng, sản phẩm vật liệu xây dựng không nung (VLXKN) có nhiều tính chất vượt trội hơn vật liệu nung như không dùng nguyên liệu đất sét để sản xuất. Đất sét chủ yếu khai thác từ đất nông nghiệp, làm giảm diện tích sản xuất cây lương thực, đang là mối đe dọa mang tính toàn cầu hiện nay; Không dùng nhiên liệu như than, củi.. để đốt. Tiết kiệm nhiên liệu năng lượng, và không thải khói bụi gây ô nhiễm môi trường; Sản phẩm có tính chịu lực cao, cách âm, cách nhiệt phòng hoả, chống thấm, chống nước, kích thước chuẩn xác, quy cách hoàn hảo hơn vật liệu nung. Giảm thiểu được kết cấu cốt thép, rút ngắn thời gian thi công, tích kiệm vữa xây, giá thành hạ; Có thể tạo đa dạng loại hình sản phẩm, nhiều màu sắc khác nhau, kích thước khác nhau, thích ứng tính đa dạng trong xây dựng, nâng cao hiệu quả kiến trúc, v.v…
Toàn cảnh hội thảo
Ước năm 2015, cả nước sử dụng tổng cộng khoảng 22,85 tỷ viên QTC, trong đó 17,5 tỷ viên QTC là gạch đất sét nung (bằng 97% so với năm 2014) và 5,33 tỷ viên QTC là VLXKN (bằng 113% so với năm 2014).
Chia sẻ tại hội thảo, ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng), cho biết hiện nay VLXKN chiếm 23% trong tổng số vật liệu xây nói chung. Như vậy, mục tiêu của Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020 đã đạt về tỷ lệ chung ( 20 – 25% vào năm 2015, 35 – 40% vào năm 2020).
Ông Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ & Môi trường – Bộ Xây dựng, đánh giá việc ứng dụng công nghệ vào việc xây dựng, sản xuất VLXKN góp phần vào việc tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng, đồng thời tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất sét.
“Qua tiếp xúc với các chủ đầu tư, tôi nhận thấy các công trình áp dụng cá giải pháp xanh, sử dụng VLXKN có xu hướng bán chạy hơn các công trình xây dựng bằng vật liệu thường”, ông Thành khẳng định.
Xu thế phát triển vật liệu xây không nung
Hiện nay, theo Chương trình phát triển VLXKN, có 3 chủng loại VLXKN được phát triển sản xuất và sử dụng là gạch xi-măng - cốt liệu, gạch nhẹ, và các loại gạch khác.
Cụ thể, gạch xi-măng - cốt liệu được ưu tiên phát triển và sử dụng, với tỷ lệ khoảng 74% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020 trên tổng số VLXKN; gạch nhẹ (gồm 2 loại gạch từ bê-tông khí chưng áp và gạch từ bê-tông bọt) chiếm tỷ lệ khoảng 21% vào năm 2015 và 25% vào năm 2020. Còn các loại gạch khác, bao gồm gạch đá chẻ, gạch đá ong, VLXKN từ đất đồi và phế thải xây dựng, gạch silicát… đạt tỷ lệ khoảng 5% vào năm 2015.
Ông Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ & Môi trường – Bộ Xây dựng: Việc áp dụng VLXKN vào các công trình xây dựng đã góp phần vào việc tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên.
Theo dự báo nhu cầu sử dụng vật liệu xây ở nước ta vào các năm 2015, 2020 tương ứng là 24 và 33 tỷ viên quy tiêu chuẩn (QTC). Để sản xuất ra 1 tỷ viên gạch đất sét nung chúng ta phải tiêu tốn 1,5 triệu m3 đất sét (tương đương 75 ha đất khai thác ở độ sâu 2m), 150 ngàn tấn than và thải ra môi trường 0,57 triệu tấn CO2.
Như vậy, đến năm 2020, mỗi năm chúng ta phải tiêu tốn 50 triệu m3 đất sét (tương đương 2.500 ha đất khai thác ở độ sâu 2m), 5 triệu tấn than và thải ra môi trường 19 triệu tấn CO2 gây ô nhiễm môi trường và hiệu ứng nhà kính, ảnh hưởng đến diện tích đất canh tác.
Cũng theo quy hoạch ngành điện và luyện kim, việc phát triển các nhà máy nhiệt điện đến năm 2020, mỗi năm sẽ thải ra khoảng 30-40 triệu tấn tro xỉ gây ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu về vấn đề vật liệu xây ở Việt Nam cho đến nay phần lớn vẫn là gạch đất sét nung không những tốn đất, các loại nhiên liệu chất đốt mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sức khỏe và làm giảm năng suất cây trồng, vật nuôi.
Chính vì vậy việc phát triển sản xuất VLXKN từng bước sử dụng các nguồn phế thải này làm nguyên liệu sẽ làm giảm ô nhiễn môi trường, tạo ra các sản phẩm xanh, xây dựng lên những công trình xanh. Sử dụng VLXKN loại nhẹ còn giảm tải trọng công trình xây dựng, do đó tiết kiệm vật liệu móng và khung chịu lực, đẩy nhanh tiến độ thi công. Mặt khác, gạch nhẹ với tính cách nhiệt cao còn góp phần tích cực vào Chương trình tiết kiệm năng lượng.
Với nhiều điểm mạnh hơn so với vật liệu truyền thống như bảo vệ môi trường, cách âm, cách nhiệt, thi công nhanh, chống cháy… việc sản xuất và sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung truyền thống sẽ là xu hướng tất yếu, tuy nhiên, để đưa loại vật liệu này trở nên phổ biến thì còn rất nhiều trở ngại, chậm phát triển.
Theo VLXD.org