Ngày 8.8.2013, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã giới thiệu 6 ngành công nghiệp vừa được chọn gồm: Điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông, thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ôtô và phụ tùng ôtô để ưu tiên phát triển thành các ngành công nghiệp chủ lực, có vai trò dẫn dắt thúc đẩy thu hút đầu tư, tạo ra sự lan tỏa về công nghệ và kỹ năng.
Theo quyết định của Thủ tướng, đến 2020, giá trị sản xuất của 6 ngành này đóng góp tối thiểu 35% vào tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp và phải đứng trong số 10 ngành có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất.
Thách thức lớn nhất hiện nay của Việt Nam là cho tới 2018 khi đã chính thức mở cửa, hàng hóa nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam. Liệu khi đó, hàng hóa của Việt Nam đã đủ sức cạnh tranh? Nhìn lại, đến nay chúng ta mới chỉ đang tập trung vào công nghiệp hạ nguồn dựa trên lợi thế lao động giá rẻ, gia công hoặc chủ yếu dựa vào tài nguyên.
Ông Trương Thanh Hoài - Phó Vụ trưởng, Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) ngay hồi tháng 3.2013 khi góp ý cho chiến lược đã chỉ ra thực tế là trước 2007 khi chưa gia nhập WTO, một số DN FDI có cam kết tỉ lệ nội địa hóa nhưng do sự giám sát của bộ, ngành chưa chặt chẽ nên các DN này chỉ khai thác thị trường để phát triển sản phẩm. Và hiện nay ưu đãi đầu tư là công cụ duy nhất để buộc DN phải nâng cao dần tỉ lệ nội địa hóa.
(Báo laodong.com)