Ô nhiễm môi trường ở trong nhà thường cao gấp 5 lần so với ngoài trời. Vì vậy trồng những loại cây trong nhà sẽ loại bỏ khí độc, thanh lọc không khí, trả lại sự trong sạch cho không gian ngôi nhà của bạn.
Các chất gây ô nhiễm không khí ở nồng độ cao hoặc thường xuyên hít phải có thể gây ra các chứng bệnh nhức đầu, kích ứng ở da và mắt, mũi, họng, gây khó chịu và cảm giác mệt mỏi. Để tránh tác hại do không khí trong nhà bị ô nhiễm thì nhà ở phải được thoáng khí, thông gió… Tuyệt đối không được hút thuốc lá trong phòng kín. Hạn chế giặt khô, thay bằng giặt nước. Nếu là sàn gỗ nên dùng gỗ tự nhiên thay cho gỗ dán và gỗ ép. Hạn chế dùng các thuốc tẩy rửa, kể cả mỹ phẩm và nước hoa. Khi đốt hương, đốt nến nên mở cửa.
Cây cọ đặt trong phòng
Các nguồn ô nhiễm trong nhà
Nhiễm khí radon: Radon là loại khí không màu, không vị, sinh ra từ phân rã hạt nhân urani trong tự nhiên. Đây là loại khí nặng nhất trong số các nguyên tố ở thể khí nên radon, nó thường tích đọng ở lớp không khí sát mặt đất. Trong tự nhiên, radon có trong đất đá, xỉ than, bãi thải vật liệu xây dựng kể cả bùn. Radon theo các khe nứt ở nền nhà, vách tường, cống rãnh để tập trung trong phòng kín, nhất là những phòng điều hòa nhiệt độ không được lưu thông không khí tốt.
Đồ dùng trong nhà: Các đồ dùng trong nhà và các sinh hoạt hàng ngày của chúng ta chính là nguồn chứa các chất ô nhiễm tiềm ẩn. Một số chất gây ô nhiễm có thể tìm thấy như: Formaldehyde (phooc-môn) có trong: khói động cơ, thuốc lá, gas đun bếp, sơn và đầu bóng, gỗ ép, vải, thuốc tẩy uế, chất chống cháy, các chất bảo quản và các chất cách ly trong thực phẩm. Tricholorothylene có trong sơn và dung môi. Benzen có trong sơn, mực, nhựa dẻo hoặc chất tẩy rửa. Xylence dùng làm dung môi, chất pha loãng cho sơn, men, vecni, mực in, keo dán. Aceton có trong các sản phẩm như sơn, mực in, chất làm keo, nhựa, sáp, dầu mỡ bôi trơn, thuốc nhuộm, hóa chất chùi rửa, thuốc rửa móng tay.
Các loại hóa chất tẩy rửa: Bột giặt, nước lau sàn, sơn tường và cả thuốc trừ sâu cũng khiến môi trường trong nhà ô nhiễm. Những hóa chất này thải vào không khí và nguồn nước một lượng lớn chất gây ô nhiễm.
Các sản phẩm có hương thơm nhân tạo: Danh sách những hương thơm nhân tạo gồm có: nước hoa, mỹ phẩm, nước xả vải tạo mùi thơm cho quần áo, nước xịt phòng, nước lau nhà có mùi thơm, tinh dầu thơm để tắm, massage, xông phòng, các loại nến thơm, nhang thơm, các loại sáp treo khử mùi, và gần gũi hơn nữa là hương thơm trong các sản phẩm vệ sinh cá nhân như dầu gội đầu, sữa tắm, bột giặt…
Những vòng benzen tạo ra mùi thơm nhân tạo nhưng cũng có nguy cơ gây khó thở, viêm đường hô hấp, kích thích cơn hen, thậm chí có thể gây rối loạn hóc-môn, đột biến ở tế bào. Không chỉ gây hại cho “thân chủ” (tức người trực tiếp sử dụng những hương thơm nhân tạo này), mà những hóa chất tạo hương thơm nhân tạo thường có khả năng khuếch tán mạnh, lan tỏa vào một vùng không gian rộng, gây ô nhiễm không khí
Thảm trải sàn, mành, ga, gối, đệm: Đây là môi trường phát sinh nấm mốc, bụi bám, nhất là các thứ làm từ lông thú. Bọ bụi là loại ký sinh trùng thích hợp với các đồ gia dụng. Hít phải nấm mốc và bụi, con người sẽ bị hen, bụi phổi. Bọ bụi gây viêm da dị ứng, ho hen. Đặc biệt chúng bám rất chắc vào thảm, mành, máy hút bụi khó tiêu diệt chúng.
Cây xanh giảm tác hại của những chất gây ô nhiễm không khí
Cây tóc thần vệ nữ: Đây là một loại cây với những tán lá nhỏ màu xanh rất đẹp mắt. Những chậu cây này rất thích hợp để trang trí ở trong nhà. Theo các chuyên gia, cây tóc thần vệ nữ có khả năng hấp thụ được 20mg formaldehyde mỗi giờ. Bên cạnh đó, nó còn có thể hấp thụ xylene và toluene. Bạn nên đặt một chậu nhỏ tóc thần vệ nữ ở khu vực đặt máy tính và máy in, sẽ giúp hấp thụ bức xạ rất hiệu quả.
Cây húng quế: Đây là loại cây rất quen thuộc, được sử dụng nhiều trong cuộc sống hàng ngày như một loại rau gia vị ăn kèm. Trong dân gian, húng quế còn được dùng làm một loại thảo dược rất tốt trong việc điều trị một số bệnh. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng cho thấy, loại cây này có thể giúp cơ thể chống lại các bức xạ phát ra từ thiết bị điện tử ở trong nhà. Vì thế, bạn nên trồng một chậu húng quê ở trong nhà, vừa để trang trí vừa giúp bảo vệ sức khỏe gia đình.
Cây đa búp đỏ: Loại cây này cũng được nhiều người yêu thích chọn làm cây cảnh trang trí trong nhà. Không chỉ đẹp mắt, cây đa búp đỏ còn có khả năng hấp thụ tốt CO và CO2 cùng nhiều chất độc khác giúp cho ngôi nhà của bạn luôn trong lành và sạch sẽ.
Cây lô hội: Không chỉ có tác dụng làm đẹp vô cùng hiệu quả đối với chị em phụ nữ, cây lô hội còn là loại thực phẩm bổ dưỡng và có khả năng hấp thụ formaldehyde, carbon dioxide và carbon mono oxit hiệu quả. Một điều đặc biệt là nếu sống trong môi trường có nhiều chất độc trong không khí, lá lô hội sẽ ngả màu vàng. Đây được coi là một dấu hiệu cảnh báo cho bạn.
Cây xương rồng: Xương rồng là loại cây có sức sống bền bỉ và khả năng chịu hạn rất tốt. Vì thế nó được nhiều người yêu thích và trồng làm cây cảnh. Xương rồng cũng có nhiều loại khác nhau, với màu sắc và hình dáng phong phú. Loại cây này là sự lựa chọn tuyệt vời giúp bạn giảm lượng bức xạ, ngăn ngừa vi khuẩn vừa cung cấp thêm oxi cho căn phòng.
Cây cỏ lan chi: Cỏ lan chi có sức sống mạnh mẽ, khả năng quang hợp ngay cả dưới ánh sáng yếu, đồng thời hấp thụ hiệu quả cacbon oxit. Đây cũng là loại cây tuyệt vời giúp làm giảm nồng độ các chất gây ung thư như formaldehyde, styrene. Ngoài ra cỏ lan chi cũng có thể giúp phân hủy benzen và nicotine trong thuốc lá.
Cây thường xuân: Cây thường xuân rất quen thuộc trong khu sân vườn của nhiều gia đình. Loại cây này thuộc họ dây leo, thường được trồng quanh tường rào hoặc cổng nhà. Ngoài chức năng trang trí, nó còn có thể hấp thụ bức xạ rất hiệu quả. Đặc biệt, thường xuân có khả năng hút tới 90% benzene trong phòng chỉ trong vòng 24h.
Cây lan quân tử: Loại hoa lan này thuộc họ Amaryllidaceae nở hoa rất đẹp với màu cam bắt mắt. Nó có khả năng hấp thụ 1 lít không khí và giải phóng tới 800ml oxy qua đêm. Loại cây này cũng có thể quang hợp dưới ánh sáng rất yếu và hấp thụ một phần khói bụi hay chất gây ô nhiễm khác trong nhà.
Theo MTX