Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu TP.HCM vừa tổ chức Hội thảo “Phát thải khí nhà kính trên địa bàn thành phố: hiện trạng quản lý nhà nước và giải pháp”. Hội thảo có sự tham gia của đại diện Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), các sở ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp có phát thải khí nhà kính (KNK) lớn…
Ông Nguyễn Nam Hưng, đại diện Cục Biến đổi khí hậu cho biết: Đến nay, Việt Nam đã có sự thống nhất về quan điểm từ cấp cao nhất về giảm nhẹ phát thải KNK. Theo mục tiêu, bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm 8% tổng lượng phát thải KNK, trong đó, giảm 20% cường độ phát thải trên một đơn vị GDP so với năm 2010; tăng độ che phủ rừng thành 45%. Còn nếu nhận được hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và thực hiện cơ chế trong Thỏa thuận khí hậu toàn cầu mới, Việt Nam có thể giảm 25% tổng lượng phát thải KNK, trong đó giảm 30% cường độ phát thải trên một đơn vị GDP so với năm 2010.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Nam Hưng cũng cho rằng: Hiện nay, Việt Nam chưa có sự đồng thuận cao từ tất cả các bên về giảm mục tiêu phát thải KNK; còn thiếu các hướng dẫn mang tính kỹ thuật ở tất cả các cấp; chưa có công cụ đánh giá tác động và tính hiệu quả của chính sách; hành động của các địa phương và các doanh nghiệp tư nhân chưa tương ứng với vai trò và tiềm năng…
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Là địa phương có quy mô kinh tế và dân số lớn nhất cả nước, TP.HCM có phát thải KNK lớn, đồng thời cũng là địa phương có khả năng đóng góp quan trọng vào mục tiêu giảm phát thải KNK của quốc gia. Nhưng, đến nay công tác quản lý phát thải KNK tại thành phố vẫn là nhiệm vụ mới, ở giai đoạn đầu tiếp cận; hiểu biết của cán bộ công chức về KNK còn hạn chế, vừa làm vừa học tập, vừa rút kinh nghiệm...
Toàn cảnh Hội thảo
Tuy nhiên, trong thời gian qua, TP.HCM đã từng bước triển khai nhiều nhiệm vụ, kế hoạch để thực hiện công tác quản lý về phát thải KNK, tạo tiền đề để TP.HCM triển khai các kế hoạch cụ thể về giảm thiểu phát thải KNK. Theo đó, Thành phố đã triển khai nội dung tuyên truyền về giảm nhẹ phát thải KNK tại 11 khu công nghiệp trên địa bàn; triển khai công tác tập huấn theo Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; bước đầu quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các – bon ra thị trường thế giới…
Trong đó, trong giai đoạn 2014 - 2015, TP.HCM đã lần đầu tiên tổ chức kiểm kê KNK cho năm 2013. Mặc dù, số liệu chưa đầy đủ, chưa tính đến những tác động của ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thay đổi sử dụng đất, nhưng bước đầu đã đem lại những kết quả quan trọng, nhất là kinh nghiệm trong phương pháp thu thập dữ liệu.
Giai đoạn 2015 - 2017, TP.HCM đã tích cực tham gia Dự án Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (Dự án SPI-NAMA) do Bộ TN&MT và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp thực hiện. Dự án đã đạt được nhiều kết quả bước đầu như: hướng dẫn về kiểm kê phát thải khí nhà kính và hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm tra (MRV) mức giảm nhẹ phát thải KNK; Sở TN&MT TP.HCM đã chủ động xây dựng và thực hiện một số dự án thí điểm về giảm nhẹ phát thải KNK trong phạm vi thành phố. Đặc biệt, Dự án đã thực hiện kiểm kê KNK của TP.HCM năm 2013 trên 05 lĩnh vực: năng lượng cố định, giao thông, chất thải, quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm, nông nghiệp, rừng và sử dụng đất.
Hiện tại, TP.HCM tiếp tục tham gia dự án SPI-NAMA giai đoạn 2018 - 2019, với mục tiêu: phân tích và đề xuất các chính sách nhằm thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động về BĐKH của thành phố với trọng tâm các cơ sở có mức phát thải lớn và thí điểm dự án tăng cường hiệu quả năng lượng cho tòa nhà cao tầng. Đồng thời, dự án sẽ tiếp tục thực hiện hoạt động kiểm kê KNK cấp thành phố và tiếp tục xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm tra mức giảm nhẹ phát thải KNK cho ngành giao thông.
Hoạt động giao thông là một trong những nguyên nhân gây phát thải KNK lớn tại TP.HCM
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, TP.HCM đã chủ động tham gia hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý phát thải KNK. Tháng 6/2017, TP HCM đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác với Tổ chức C40 (Nhóm các thành phố dẫn đầu về ứng phó với BĐKH) trong việc tham gia Dự án công khai thông tin về phát thải các-bon (CDP); đăng ký tham gia Chương trình hỗ trợ kỹ thuật xây dựng kế hoạch hành động giảm phát thải KNK và thích nghi với BĐKH cho các thành phố thuộc Tổ chức C40. Trước đó, từ năm 2013, TP.HCM đã phối hợp với TP.Osaka (Nhật Bản) thực hiện Chương tình phát triển thành phố các-bon thấp: hỗ trợ kỹ thuật xây dựng mô hình dự báo phát thải KNK với sự hợp tác của nhóm Mô hình tích hợp Châu Á Thái Bình Dương (gọi tắt là nhóm AIM); tiến hành nghiên cứu khả thi và triển khai thí điểm một số dự án giảm nhẹ phát thải KNK trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ cũng cho biết: Trong giai đoạn 2018 - 2020, TP.HCM sẽ tiến hành kiểm kê KNK của năm 2016 và 2018; xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ công chức, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân về phát thải KNK. Giai đoạn sau 2020, TP.HCM sẽ tiếp tục kiểm kê KNK 02 năm 01 lần vào các năm chẵn; triển khai các nội dung của Kế hoạch Thỏa thuận Paris về BĐKH; xây dựng quy trình cung cấp dữ liệu định kỳ từ các nguồn phát thải KNK lớn và từ các đơn vị triển khai các hành động giảm nhẹ KNK…
Theo đánh giá của các đại biểu tham dự Hội thảo, kết quả kiểm kê KNK có ý nghĩa rất quan trọng trong giảm nhẹ phát thải KNK tại TP.HCM. Trên cơ sở kết quả kiểm kê phát thải KNK, lãnh đạo thành phố sẽ hoạch định những chính sách phát triển kinh tế phù hợp, nhằm giảm những lĩnh vực có nguy cơ gây phát thải KNK cao.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, để kết quả kiểm kê KNK phát huy tác dụng, TP.HCM cần lồng ghép các kế hoạch liên quan đến phát triển bền vững như: Kế hoạch thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh trên địa bàn thành phố đến năm 2020, Kế hoạch ứng phó với BĐKH trên địa bàn thành phố các giai đoạn… Ngoài ra, Chính phủ cần có một chỉ đạo chung đối với các địa phương trong việc triển khai kiểm kê KNK nhằm đồng bộ về số liệu trên cả nước ngay từ đầu.
Nguồn monre