Logo
phone
Hotline: 02437327155
TP. Hồ Chí Minh: Đảm bảo thu gom, xử lý an toàn chất thải rắn sinh hoạt
  22/06/2015
icon-zalo

 

Hiện nay, mỗi ngày TP.HCM  thu gom và xử lý an toàn khoảng 7.000 – 7.200 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Thành phố cũng đang hoàn thành và triển khai cơ bản quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

 

Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực nội thành của TP.HCM đạt tỷ lệ 100% ( trong đó tỷ lệ trực tiếp từ các hộ dân trong nội thành khoảng 95%, khoảng 5% còn lại các hộ dân không chuyển giao trực tiếp mà để rác dọc theo tuyến đường, các thùng rác công cộng, vớt rác trên kênh). Còn tại khu vực ngoại thành, tỷ lệ thu gom trực tiếp từ các hộ dân khoảng 70 – 80%, do khu vực ngoại thành còn nhiều khu đất trống như ao, vườn nên một bộ phận không nhỏ người dân khu vực ngoại thành tự xử lý tỷ lệ rác còn lại trong khu đất của mình, hoặc vứt ra ngoài các khu đất trống, ít nhiều gây ra tình trạng ô nhiễm cục bộ.

 

Toàn bộ khối lượng chất thải rắn sinh hoạt của TP.HCM được xử lý tại 2 khu liên hợp xử lý chất thải rắn của thành phố: Khu liên  hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc Củ Chi (huyện Củ Chi) và Khu liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước (huyện Bình Chánh) với các công trình, nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Trong đó, khu xử lý Đa Phước do Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam ( VWS) làm chủ đầu tư có diện tích 128 ha đang tiếp nhận và xử lý 5.000 tấn/ngày;  Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ tái chế nhựa và làm compost (Khu Tây Bắc Củ Chi) do Công ty  Vietstar – Lemna của Hoa Kỳ làm chủ đầu tư xử lý 1.200 tấn/ngày; Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt  công nghệ tái chế nhựa, làm phân compost và đốt chất thải còn lại do Công ty cổ phần Tâm Sinh Nghĩa làm chủ đầu tư xử lý 1.000 tấn/ngày.

 

Một góc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước

 

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Từ khi Sở TN&MT đi vào hoạt động, đến nay đã xây dựng, định hình và vận hành một hệ thống kỹ thuật quản lý chất thải rắn sinh hoạt cơ bản và tương đối ổn định. Trong đó, việc quy hoạch, hình thành và quản lý vận hành 2 khu liên hợp xử lý chất thải của thành phố ở  hướng Tây Bắc và Đông Nam. Thông qua những chủ trương, chính sách và chiến lược phát triển của thành phố, từ cuối năm 2007 đến nay, thành phố đã đảm bảo tiếp nhận và xử lý ổn định, an toàn khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh. Với hình thức xã hội hóa, Nhà nước và tư nhân cùng tham gia, đã tạo điều kiện cho thành phố  tìm kiếm và áp dụng  các công nghệ mới ( sản xuất phân compost hiếu khí – kị khí và sản suất phân hữu cơ, tái chế nhựa từ rác thải…) theo hướng tái chế, tái sử dụng  và giảm khối lượng chất thải ra bãi chôn lấp nhằm sử dụng đất một cách có hiệu quả.

 

Công tác thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn thành phố đang từng bước đi vào nền nếp và được tổ chức có hệ thống từ cấp thành phố cho đến quận huyện. Hệ thống thu gom vận chuyển rác do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố và 22 công ty dịch vu công ích, Hợp tác xã công nông  đảm nhận thu gom vận chuyển  từ  300 điểm  hẹn và 16 trạm trung chuyển hợp vệ sinh, trong đó có 03 trạm trung chuyển có quy mô lớn và khá hiện đại ( Trạm trung chuyển  Quang Trung,  Tống Văn Trân, Phạm Văn Bạch).

 

Số lượng xe thu gom vận chuyển rác được đầu tư đồng bộ, hiện đại phù hợp với giao thông của thành phố. Việc vận chuyển được thực hiện theo tuyến, lộ trình nhằm đảm bảo cự ly, đảm bảo giao thông, không để ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.  Công tác thu gom rác tại hộ gia đình được đưa đến điểm hẹn, bộ phận trung chuyển có tham gia của lực lượng rác dân lập và hợp tác xã thu gom rác, hiện nay thành phố đang có đề án đổi mới từng bước đưa lực lượng này vào một tổ chức để hoạt động có hiệu quả hơn.

 

Chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn đang được Thành phố thực hiện hiệu quả tại hệ thống siêu thị, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, khu công nghiệp; triển khai thí điểm tại các quận 1, 3, 5, 6, Bình Thạnh đã góp phần làm thay đổi thói quen sinh hoạt của người dân, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, góp phần thúc đẩy ngành  tái chế rác thải phát triển.

 

Ông Nguyễn Văn Phước cho biết: Trong giai đoạn từ 2015 – 2020, TP.HCM sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền giữ gìn vệ sinh đô thị trên các phương tiện thông tin đại chúng; đẩy mạnh  công tác phổ biến  pháp luật về bảo vệ môi trường phù hợp với từng đối tượng; tập huấn, tuyên truyền về thu phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn thông thường trên địa bàn thành phố.

 

Đồng thời, thành phố sẽ hoàn thành và triển khai cơ bản quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng tại các Khu liên hợp xử lý chất thải của thành phố. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các công trường, nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại 2 khu liên hợp xử lý chất thải nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng ô nhiễm mùi tại các bãi chôn lấp. Tham mưu, đề xuất UBND Thành phố xem xét cấp kinh phí lắp đặt hệ thống quan trắc tự động đối với các trạm xử lý nước thải  trong các khu liên hợp xử lý chất thải nhằm đánh giá mức độ ô nhiễm, phát hiện, ngăn chặn các hiện tượng ô nhiễm xảy ra và đưa ra hướng giải quyết, khắc phục kịp thời.

 

TP.HCM cũng sẽ từng bước áp dụng và đảy mạnh công nghệ thông tin vào giám sát quản lý hoạt động cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn  trên địa bàn thành phố. Xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý chất thải rắn, xây dựng mạng lưới và tra suất dữ liệu, xác định  tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố.

 

Nguồn báo TN&MT

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt