Logo
phone
Hotline: 02437327155
Tiềm năng tạo việc làm xanh ở Việt Nam (tiếp theo)
  10/03/2016
icon-zalo

 

Việc làm xanh là những việc làm trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và quản lý đóng góp vào bảo vệ gìn giữ chất lượng môi trường,... đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững cho cả thế hệ hiện tại và tương lai, thực hiện công bằng và bình đẳng cho mọi người.


Với cách hiểu như vậy, phạm vi của việc làm xanh ở Việt Nam là rất rộng, bao gồm những việc làm góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tiêu hao năng lượng nguyên vật liệu, tối thiểu hóa rác thải, giảm ô nhiễm không khí đất và nguồn nước trong sản xuất và tiêu thu sản phẩm đến hệ sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

                           

Để chuyển nền kinh tế sang nền kinh tế xanh, chúng ta đều phải sắp xếp lại nền kinh tế. Quá trình này sẽ buộc phải giảm tốc độ tăng trưởng hoặc tự nó làm giảm tăng trưởng trong ngắn hạn và nó sẽ ảnh hưởng tới việc làm và thu nhập của người lao động.

 

Cùng với tiềm năng lớn trong việc thực hiện tăng trưởng xanh, khả năng tạo việc làm xanh của Việt Nam cũng là rất lớn tập trung ở những ngành, những đối tượng lao động sau:


Những ngành có nhiều tiềm năng:  cung cấp năng lượng (năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng thủy triều, năng lượng địa nhiệt, thủy điện nhỏ), vận tải, công nghiệp cơ bản (thép, xi măng, hóa chất, dệt nhuộm, giấy và bột giấy, khai thác khoáng sản...), xây dựng, nông nghiệp, lâm nghiệp, bán lẻ, du lịch...


Những người có thể có việc làm xanh ở Việt Nam: mọi người đều có thể có việc làm xanh, từ nhà quản lý, thiết kế, quy hoạch, nhà khoa học, giảng viên cho đến doanh nhân, lao động trực tiếp là công nhân lành nghề hay lao động phổ thông.


Ai được hưởng lợi từ việc làm xanh  ở Việt Nam:  các khu vực nông thôn, thành thị, các nước đã và đang phát triển, đặc biệt là lợi ích cho thanh niên, phụ nữ, nông dân, người nghèo, lao động trong khu vực không chính  thức (tiềm năng về việc làm xanh của lao động tự làm và lao động gia đình không hưởng lương rất lớn) dễ bị tổn thương, người sống trong các khu nhà ổ chuột dột nát...   


Trong những năm qua, cùng với việc nỗ lực thực hiện tăng trưởng xanh Việt Nam cũng đã tạo ra được nhiều việc làm xanh trong các lĩnh vực môi trường, năng lượng,… Tuy nhiên, số lượng việc làm xanh ở Việt Nam chưa nhiều.


Phát triển việc làm xanh ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức đang tồn tại hoặc mới phát sinh, cụ thể như: Tác  động của khủng hoảng tài chính, biến động giá lương thực và năng lượng; Biến đổi khí hậu; Tài nguyên (nước, sinh vật, đất và khoáng sản) ngày càng cạn kiệt; Ô nhiễm môi trường do hậu quả của chiến tranh (bom mìn, chất độc hóa học) và do phát triển kinh tế - xã hội thiếu bền vững trong quá trình công nghiệp hóa; Các mô hình sản xuất và tiêu dùng còn nhiều lãng phí và không hiệu quả.


Việc làm xanh đòi hỏi một nhận thức mới không chỉ với các nước đang phát triển mà cả với các nước phát triển. Hiện nay còn nhiều cách hiểu khác nhau và còn rất nhiều rào cản để đưa những ý tưởng tốt đẹp của việc làm xanh xanh vào thực tiễn cuộc sống. Với trình độ phát triển còn thấp như Việt Nam thì những rào cản lớn nhất có thể kể ra là:


- Hạn chế về nhận thức: đòi hỏi bắt đầu từ ý tưởng xanh của những người lãnh đạo, những người làm chính sách, nhà thiết kế - làm quy hoạch, kỹ sư, giảng viên, cán bộ R&D, doanh nhân...cho đến đội ngũ công nhân trực tiếp sản xuất và mọi người dân trong xã hội. Từ suy nghĩ đến hoạch định kế hoạch và triển khai hành động là cả một bước đường dài đòi hỏi sự quan tâm và thống nhất hành động của mọi đối tác xã hội.


- Yêu cầu gắn kết việc làm xanh với việc làm bền vững: giải quyết các vấn đề xã hội như thất nghiệp, đói nghèo, bất bình đẳng, lao động độc hại nặng nhọc nguy hiểm trong các làng nghề, lao động dễ bị tổn thương trong khu vực không chính thức, đối tượng yếu thế trên thị trường lao động (thanh niên, phụ nữ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số..), người chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu đã là những nhiệm vụ lâu dài rất khó khăn, nay phải lồng ghép với những vấn đề toàn cầu như bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu thì thách thức càng trở nên gay gắt gấp bội lần.


- Chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, khung khổ thể chế của Việt Nam còn là những điểm nghẽn trong quá trình phát triển: những điểm nghẽn này ảnh hưởng mạnh đến việc xây dựng chiến lược, kế hoạch và triển khai các chương trình hành động mới để lồng ghép thực hiện đồng thời được các nhiệm vụ kinh tế- xã hội – môi trường.


-  Chi phí xã hội và áp lực của doanh nghiệp trong quá trình cạnh tranh: cạnh tranh trong nước và quốc tế đã ngày càng khốc liệt, lại thêm những khó khăn do chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng nợ công của các nước châu Âu và biến động tăng giá nhiên liệu, giá lương thực trên quy mô toàn cầu sẽ làm nặng thêm gách nặng của doanh nghiệp trong quá trình tồn tại và phát triển. Những chi phí xã hội tăng thêm để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng xanh và thực hiện việc làm xanh trong doanh nghiệp sẽ là rào cản lớn hướng tới nền kinh tế xanh của tương lai.

 

(Còn nữa)

Mai Anh 

theo CIEM/moitruong

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt