Logo
phone
Hotline: 02437327155
Tiềm năng tạo việc làm xanh ở Việt Nam (tiếp theo)
  10/03/2016
icon-zalo

 

Trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chính phủ, các cấp, các ngành cần đặc biệt lưu ý đến việc phát triển các ngành kinh tế trọng điểm xanh để tạo thêm việc làm, nâng thu nhập; Chú trọng xây dựng và ban hành tiêu chuẩn về ngành kinh tế, các sản phẩm dán nhãn xanh/sinh thái; Có chính sách ưu đãi đối với nghiên cứu khoa học  – công nghệ và phát triển, sản xuất và khuyến khích tiêu dùng các sản phẩm xanh;

 

Phát triển các ngành công nghiệp xanh


Trong bối cảnh công nghiệp hóa chưa cao, Việt Nam có nhiều điều kiện tốt để có thể trở thành một nền công nghiệp xanh. Nhưng để xây dựng ngành công nghiệp xanh và tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần đặt ra các mục tiêu cụ thể và sớm đi vào thực hiện như nhiều nước đã từng làm (Đan Mạch, Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ,,..), theo hướng thực thi sản xuất “sạch”, sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm thiểu và quản lý chất thải một cách bền vững.

 

 

Kinh tế xanh phải là nền kinh tế lấy con người làm trung tâm, trong đó chínhsách tạo ra các nguồn lực mới về tăng trưởng kinh tế bền vững và bình  đẳng.

 

Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nhằm khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường, ngoài ra cũng cần có những chính sách cụ thể, vừa có “thưởng” vừa có “phạt” đối với các doanh nghiệp trong việc vừa phát triển kinh tế, thu lợi nhuận vừa ưu tiên bảo vệ môi trường.  


Chiến lược phát triển ngành công nghiệp xanh sẽ giúp định hướng phát triển những ngành công nghiệp theo hướng tạo ra giá trị cao, công nghệ cao, công nghiệp tri thức và công nghiệp thẩm mỹ với các chuỗi giá trị mềm… Việc làm “xanh” hóa công nghiệp không chỉ là các vấn đề môi trường, an toàn sản xuất, an toàn sản phẩm mà còn đòi hỏi năng lực sáng tạo để có thể phát triển những ngành công nghiệp mới mang lại giá trị xanh nhiều hơn.


Năm 1999, Việt Nam đã ký Tuyên ngôn về sản xuất sạch hơn, đến nay hàng trăm cơ sở sản xuất ở nhiều ngành và nhiều địa phương của Việt Nam đang thực hiện sản xuát sạch hơn. Nhưng gần đây ở nước ta bỗng dưng xuất hiện một số dự án về sắt thép và khai khoáng mà không có sự kiểm soát về môi trường.


Các dự án như vậy không những là mối nguy, thậm chí là hiểm họa sinh thái, mà còn làm cạn kiệt nguồn tài nguyên dự trữ cho tương lai. Việc cấp phép khai thác tùy tiện đang tạo ra lổ hổng cho các nước khác đẩy công nghiệp “giá trị thấp” và “ô nhiễm” sang nước ta. Đây là vấn đề đáng báo động trong quá trình cạnh tranh thu hút FDI.


Trong tình thế của một đất nước đang phát triển, việc du nhập và phát triển công nghiệp luôn là điều cần thiết, tuy nhiên chúng ta không du nhập hay mời gọi đầu tư một cách thiếu suy xét, vì không loại trừ khả năng nhà đầu tư mang vào những công nghệ, thiết bị lạc hậu hay những công đoạn sản xuất có giá trị thấp và mức ô nhiễm cao. Chính vì vậy những người có trách nhiệm cần phải luôn tỉnh táo và suy xét vấn đề đầu tư FDI một cách sáng suốt.


Phát triển các ngành năng lượng xanh


Rất nhiều vấn đề về môi trường mà chúng ta đang phải đối mặt ngày hôm nay phát sinh từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch: hiện tượng nóng lên toàn cầu, sự xuống cấp của chất lượng không khí, mưa axit và tràn dầu. Có thể nói việc làm chủ nguồn năng lượng và nhiên liệu là chính sách hàng đầu của tất cả các quốc gia ngày nay, kể cả năng lượng và nhiên liệu xanh. Bên cạnh đầu tư nghiên cứu năng lượng và nhiên liệu xanh, cũng rất cần các nỗ lực để quảng bá ý thức tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nhiên liệu, xanh hóa các sản phẩm và nguồn cung năng lượng.


Năng lượng Mặt Trời, pin nhiên liệu, nhiên liệu hydro, khí thiên nhiên hóa lỏng và nhiên liệu sinh học đang là những hướng ứng dụng năng lượng xanh trong tương lai. Việt Nam có nhiều lợi thế về mặt phát triển năng lượng xanh để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.


Chúng ta có thể hy vọng rằng trong một tương lai không xa, toàn bộ các hệ thống xe buýt nội thành tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội sẽ sử dụng 100% khí thiên nhiên, chủ yếu được sản xuất từ nguồn khí đốt của các mỏ dầu khí trong nước. Mặt khác, xăng sinh học trên nền tảng bổ sung ethanol là giải pháp quan trọng nhằm giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và giảm
lượng khí thải cho các loại động cơ. Với ưu thế của Việt Nam là một nước có khí hậu nhiệt đới thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, việc gia tăng năng suất cây trồng dựa trên sự phát triển của công nghệ sinh học có thể là tiền đề để nâng cao sản lượng etanol và xăng sinh học, giúp cân bằng với nhiên liệu hóa thạch. Chúng ta cũng có thể tận dụng nhiều phế phẩm trong nông lâm nghiệp và hải sản để chuyển hóa thành năng lượngkhông gây ô nhiễm.


Ví dụ, một trong những nhiên liệu xanh mà chúng ta có thể phát triển là chế biến chát thải mỡ cá basa thành điêzen sinh học, với tiềm năng tạo ra hàng trăm nghìn tấn nhiên liệu, đồng thời góp phần giải quyết đầu ra, nâng cao giá trị cho chất thải mỡ cá với khối lượng lên đến hàng triệu tấn mỗi năm.


Phát triển ngành nông nghiệp xanh


Cuộc cách mạng xanh vào thập niên 1960 đã chuyển đổi toàn bộ ngành nông nghiệp, giúp sản lượng nông nghiệp trên  thế giới theo kịp đà tăng dân số. Ngày nay, nông nghiệp xanh không chỉ tạo ra những sản phẩm sạch và tốt mà còn là yếu tố quan trọng cho sự ổn định kinh tế xã hội.


Mục tiêu của nông nghiệp xanh là gia tăng năng suất cây trồng/vật nuôi, đồng thời bảo đảm các giá trị “Xanh” đối với môi trường và “An toàn” đối với con người. Với công nghệ sinh học, phân bón sinh học, hoạt chất sinh học quản lý sâu bệnh, áp dụng những tiến bộ trong canh tác và nghiên cứu về giống, kỹ năng thâm canh mới, xử lý và chế biến sinh khối,
… nông nghiệp xanh đang là xu hướng tất yếu ngày nay.


Việt Nam vốn có một nền nông nghiệp lâu đời và cũng đang dần dần có nhiều mặt hàng nông sản đứng vào danh mục xuất khẩu hàng tỷ USD mỗi năm. Trong tình hình sản xuất lương thực trên thế giới ngày càng bất ổn, nông nghiệp xanh sẽ là hướng đi bền vững và ưu việt nhất để ngành nông nghiệp nước ta vừa đảm bảoc an ninh lương thực vừa tăng cường xuất khẩu nông sản ra thế giới, góp phần mang lại những nguồn ngoại tệ quan trọng cho đất nước.


Phát triển ngành dược phẩm xanh  


Thảo dược thiên nhiên hiện đang không ngừng được nghiên cứu cải tiến nhờ công nghệ chế biến dược phẩm hiện đại, làm gia tăng hiệu quả chữa bệnh và tăng cường sức khỏe cho con người. Hàng loạt những chiết xuất từ thảo dược đang làm thay đổi tư duy và bộ mặt của ngành dược học và chăm sóc sức khỏe.


Khuynh hướng phát triển sản phẩm dược hiện nay là sự giao thoa hai chiều giữa khoa học kỹ thuật phương Tây với kinh nghiệm và những nguyên lý kinh dịch phương Đông trong dược học và kiến thức về sức khỏe. Các sản phẩm Đông dược tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam đang ngày càng chiếm tỷ trọng cân bằng hoặc cao hơn so với dược phẩm xuất xứ từ các nước phương Tây.


Một trong những mũi nhọn nghiên cứu trong ngành dược hiện nay là theo hướng mô phỏng các dược chất thiên nhiên, ví dụ như mật gấu, nhâm sâm, đông trùng hạ thảo… các loại cao từ thực vật hay động vật không quý hiếm… bước đầu tạo ra những dược chất thay thế làm giảm thiểu sự khai thác cạn kiệt các nguồn nguyên dược liệu quý trong thiên nhiên.


Bên cạnh đó là hàng loạt các loại thuốc mới chữa các bệnh nan y mãn tính được chế biến từ các loại thảo dược có thể nuôi trồng, đó là hà thủ ô, kim tiền thảo, nấm linh chi, giảo cổ lam, tam thất, dầu gấc, diệp hạ châu… có thể góp phần hình thành cả một nền nông nghiệp & công nghiệp dược thảo tiên tiến. Ngành Dược thảo Việt Nam là ngành hội đủ các yếu tố mạnh như: khoa học và công nghiệp chế biến, y học Đông Tây, nông nghiệp thâm canh giá trị cao.


Xây dựng các doanh nghiệp xanh


Trong thế kỷ này, ngành công nghiệp xanh đã, đang và sẽ phát triển một cách nhanh chóng. Sự bùng nổ các sản phẩm hữu cơ, thân thiện môi trường trên thị trường hiện nay không còn là một cơn sốt mà hứa hẹn sẽ là ngành kinh doanh đầy tiềm năng.
Điều đó mở ra rất nhiều cơ hội lớn cho những doanh nhân quan tâm tới môi trường và kinh doanh bền vững, xây dựng những “doanh nghiệp xanh” với sản phẩm và phương thức sản xuất thân môi trường và giảm thiểu ô nhiễm. Các doanh nghiệp “xanh” không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà cùng với đó còn góp phần quảng bá cho thương hiệu của mình.


Phát triển một doanh nghiệp thân thiện với môi trường mang lại những lợi ích to lớn cho các chủ doanh nghiệp, những người đang mong muốn kiểm soát chi phí, thu hút khách hàng và kinh doanh có trách nhiệm hơn với xã hội.


Khi nhận thức của xã hội ngày càng được nâng cao thì trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp ngày càng trở nên quan trọng. Một doanh nghiệp không chú ý nâng cao giá trị, uy tín của mình thông qua tiếp thị vì xã hội hoặc tuân thủ nghiêm túc việc thực thi trách nhiệm xã hội ngày nay thì hoàn toàn có thể tự đưa mình đến tình huống đối mặt với sự thách thức uy tín hay thậm chí là sự tẩy chay của cộng đồng đối với sản phẩm, dẫn đến nguy cơ phá sản doanh nghiệp mà Vedan ở Việt Nam và BP ở Mỹ là những trường hợp điển hình.


Ngoài việc phát triển mạnh các ngành sản xuất, kinh doanh xanh, Chính phủ, các ngành, các cấp cần thực hiện tốt những việc như sau:


Một là, phát triển hệ thống giáo dục – đào tạo  lao động theo định hướng việc làm xanh. Tổ chức đào tạo và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản trị, điều hành trong nền kinh tế xanh, ngành sản xuất xanh cho đội ngũ cán bộ quản trị công và doanh nghiệp. Trước mắt là đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, hoạch định chính sách, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển nguồn nhân lực cho tăng trưởng xanh trên cơ sở nghiên cứu, lựa chọn đưa các nội dung về tăng trưởng xanh, công nghệ xanh, khai thác tài nguyên bền vững và các cấp học và bậc học.


Xây dựng hướng dẫn doanh nghiệp về cách thức tiếp cận các lựa chọn tài chính, công nghệ để thực hiện xanh hóa công nghiệp, nông nghiệp. Hai là, huy động nguồn lực thực hiện việc tạo việc làm xanh. Chính phủ ưu tiên dành kinh phí thỏa đáng từ ngân sách Nhà nước và ngân sách địa phương để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và tạo việc làm xanh.


Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh theo tiêu chí tăng trưởng xanh. Sử dụng hệ thống các công cụ tài chính, tín dụng, thị trường để khuyến khích và hỗ trợ phát triển kinh tế xanh, sản phẩm xanh.  Khuyến khích và chú trọng thu hút các nguồn vốn vay, ODA, hỗ trợ kỹ thuật của các nước, các tổ chức quốc tế và đội ngũ tri thức Việt Nam sinh sống ở nước ngoài tham gia vào việc thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và tạo việc làm xanh ở Việt Nam.
Ba là, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, cồng đồng về vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh  để qua đó người dân có những hành động thiết thực đóng góp vào việc thực hiện tăng trướng xanh.


Bốn là, chú trọng việc thực hiện an sinh xã hội trong quá trình chuyển hóa từ nền kinh tế"nâu" sang nền kinh tế " xanh": cần chú ý đặc biệt tới những nhóm dễ bị tổn thương trong quá trình "xanh hóa" như người làm việc trong khu vực không chính thức, lao động làng nghề độc hại nặng nhọc nguy hiểm, nông dân, lao động di cư, người tàn tật, người dân tộc thiểu số, thanh niên, phụ nữ, nông dân.


Năm là, hoàn thiện thể chế, nhất quán chính sách phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả quản trị thị trường lao động và sử dụng các công cụ kinh tế thích hợp: tăng cường năng lực quản lý nhà nước (năng lực bộ máy, tổ chức, công tác thanh tra, kiểm tra, xây dựng cơ sở dữ liệu và bộ chỉ tiêu giám sát đánh giá về việc  làm xanh); sử dụng các thiết chế mền linh hoạt trong quản trị; ban hành và thực thi các chế tài đủ mạnh với các công cụ kích thích kinh tế hợp lý như tính đầy đủ chi phí xã hội và môi trường vào giá thánh sản phẩm, đánh thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ nhiều năng lượng và phát sinh nhiều rác thải...

 

(còn nữa)

Mai Anh 

 

theo CIEM/moitruong

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt