Logo
phone
Hotline: 02437327155
Thực trạng phát triển và hoạt động của doanh nghiệp công nghiệp môi trường Việt Nam giai đoạn 2010-2015 PII
  15/09/2016
icon-zalo

 

Hiện nay, theo số liệu điều tra, khảo sát các doanh nghiệp tham gia vào loại hình dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải chiếm tỷ lệ tương đối lớn, chiếm 45% tổng số doanh nghiệp dịch vụ môi trường được khảo sát.

 

1.2.6. Dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải

 

Hiện nay, theo số liệu điều tra, khảo sát các doanh nghiệp tham gia vào loại hình dịch vụ này chiếm tỷ lệ tương đối lớn, chiếm 45% tổng số doanh nghiệp dịch vụ môi trường được khảo sát.

 

Đối với dịch vụ thu gom, xử lý rác thải thông thường, loại hình doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hiện nay chủ yếu là các công ty TNHH nhà nước một thành viên, doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, các Công ty tư nhân tham gia còn ít vào mảng dịch vụ này. Ở Việt Nam, mỗi tỉnh, thành phố đều có một công ty chuyên trách cung cấp loại dịch vụ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Các doanh nghiệp này có số lượng nhân viên đông đảo từ 200 (đối với các tỉnh, thành miền núi, Tây Nguyên) đến 1000 nhân viên (tập trung tại các thành phố loại 1, tỉnh lớn phát triển về kinh tế xã hội), phần lớn (80% là lao động thủ công). Gần đây đã bắt đầu xuất hiện các doanh nghiệp tư nhân đầu tư cung cấp dịch vụ tại các khu vực quận, huyện không thuộc vùng bao phủ dịch vụ của doanh nghiệp thuộc Nhà nước. Các doanh nghiệp tư nhân này có quy mô nhỏ hơn hẳn, số lượng nhân viên chỉ từ 20-30 người, trong đó số lao động thủ công cũng vào khoảng 85%. 

 

Đối với dịch vụ thu gom, xử lý chất thải nguy hại, có thể nói đây là lĩnh vực dịch vụ phát triển rất nhanh trong những năm gần đây. Tính đến tháng 5/2012, bên cạnh số lượng doanh nghiệp được địa phương cấp phép, số lượng doanh nghiệp được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép hành nghề xử lý chất thải nguy hại giảm từ 96 xuống còn 86 doanh nghiệp. Tuy nhiên, rất nhiều đơn vị trong số này đã xin mở cấp phép lại giấy phép hành nghề để mở rộng quy mô sản xuất. Trong số 96 doanh nghiệp được cấp phép đến cuối năm 2011, có đến 49/96 doanh nghiệp chuyên làm vận chuyển.

 

Đối với dịch vụ tái chế chất thải, các doanh nghiệp tư nhân thường tập trung vào loại dịch vụ tái chế rác thải (tái chế nhựa thải, tái chế rác thải hữu cơ), mô hình doanh nghiệp tái chế rác thải thường là mô hình doanh nghiệp loại nhỏ với số lượng nhân viên từ 15-20 người chủ yếu là lao động thủ công. Hiện nay, các doanh nghiệp tái chế nhựa thải hoạt động khá thành công và có sự phát triển. Theo Hiệp hội Nhựa (VPA), cả nước hiện có hơn 2.000 doanh nghiệp nhựa với công suất khoảng 3,8 triệu tấn sản phẩm nhựa/năm. Các doanh nghiệp tái chế rác thải hữu cơ thì đang gặp nhiều khó khăn vì thói quen phân loại rác của người dân chưa có và sản phẩm tạo ra chưa đến được tay người tiêu dùng.

 

1.2.7. Dịch vụ khắc phục và cải tạo môi trường

 

 Dịch vụ khắc phục và cải tạo ô nhiễm đất: hiện nay dịch vụ này chủ yếu do các đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước, tổ chức được tài trợ từ nguồn vốn quốc tế thực hiện.

 

  Dịch vụ khắc phục và cải tạo ô nhiễm nước: các doanh nghiệp DVMT đa số mới chỉ cung cấp dịch vụ xử lý nước thải trước khi đổ ra nguồn tiếp nhận, còn đối với các nguồn nước đã bị ô nhiễm thì rất ít doanh nghiệp DVMT có thể cung cấp dịch, phần lớn là do công ty môi trường đô thị các tỉnh, thành phố tiến hành nạo vét, cải tạo.

 

Dịch vụ khắc phục và cải tạo ô nhiễm không khí: Hiện tại ở Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào cung cấp dịch vụ khắc phục và cải tạo ô nhiễm không khí. Loại hình này chỉ đang dừng lại ở các đề án nghiên cứu đánh giá ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn và đề xuất giải pháp. Trong trường hợp các đề án này đưa được ra các giải pháp và thử nghiệm thành công thì sẽ mở ra một hướng phát triển cho mảng dịch vụ này ở Việt Nam.

 

Dịch vụ khắc phục sự cố tràn dầu: Hiện nay ở Việt Nam chưa có doanh nghiệp chuyên cung cấp loại hình dịch vụ này vì chi phí đầu tư rất lớn nhưng nhu cầu thì rất ít mà thường là một vài doanh nghiệp khai thác, chế biến dầu khí được huy động tham gia khi có sự cố.

 

Dịch vụ cải tạo môi trường của mỏ khai thác tài nguyên sau khi dừng hoạt động: Loại hình dịch vụ này thường được các công ty khai thác mỏ tự thực hiện. Luật của Việt Nam quy định chưa khắt khe, chi tiết về tiêu chuẩn môi trường của mỏ sau khi dừng hoạt động. Vì thế các hoạt động cải tạo môi trường thường được thực hiện một cách đối phó, tiết kiệm chi phí.

 

Nhìn chung, so với các nhóm doanh nghiệp dịch vụ môi trường khác, số lượng doanh nghiệp cung cấp loại dịch vụ khắc phục và cải tạo môi trường ít hơn nhiều (chỉ chiếm khoảng 9%), vướng mắc chủ yếu ở đây là vẫn chưa có quy định thống nhất, hoàn chỉnh về tài chính dành riêng cho công tác này, các quy định pháp luật chưa đủ mạnh để phát triển nhu cầu của thị trường.

 

1.2.8. Dịch vụ phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, công nghệ môi trường

 

Theo số liệu điều tra, khảo sát, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ này chiếm khoảng 6%, từ các công ty thương mại chuyên nhập khẩu thiết bị, dây chuyền công nghệ nước ngoài đến các Viện nghiên cứu, các đơn vị sự nghiệp của các Trường đại học, của Bộ Khoa học và Công nghệ v.v…Đây là loại hình dịch vụ mà nhân lực thực hiện đòi hỏi trình độ học vấn cao (đối với các nhân sự phụ trách kỹ thuật), ngoại ngữ giỏi và am hiểu thương mại quốc tế (đối với nhân sự phụ trách thương mại). Hiện nay, các doanh nghiệp tư nhân trong nước đang làm rất tốt việc liên kết với các công ty nước ngoài để cung cấp và chuyển giao công nghệ môi trường, hầu như chưa có doanh nghiệp vừa tự đầu tư nghiên cứu rồi chuyển giao công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường. Theo đánh giá chung, phần lớn các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tính chuyên nghiệp hóa chưa cao, mới chỉ tập trung vào việc bán hàng chưa tập trung vào các sản phẩm dịch vụ sau bán hàng nên trong nhiều trường hợp làm mất lòng tin từ người sử dụng.

 

1.2.9. Dịch vụ kiểm toán môi trường

 

Theo số liệu tổng hợp kết quả điều tra, khảo sát, hiện nay các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ kiểm toán môi trường chỉ chiếm gần 1% trong tổng số các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ môi trường. Nguyên nhân các doanh nghiệp chưa đầu tư kinh doanh dịch vụ này, vì hiện nay tại Việt Nam chưa có yêu cầu bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực hiện kiểm toán môi trường. Kiểm toán môi trường thường xuất phát từ yêu cầu của các khách hàng thuộc khối EU, Bắc Mỹ, Nhật Bản. Ví dụ để xuất khẩu vào EU, thì khách hàng (Công ty NK của EU) yêu cầu phải có kiểm toán môi trường (bên cạnh các chứng chỉ ISO 14001, SA8000…); để xuất khẩu vào hệ thống siêu thị Wal-Mart trên thế giới, doanh nghiệp Việt Nam phải làm KTMT theo Wal-Mart Standards. Chính những yêu cầu này là nền tảng hình thành thị trường dịch vụ này. 

 

1.3. Năng lực chế tạo thiết bị, cung cấp sản phẩm môi trường của các doanh nghiệp CNMT trong giai đoạn 2010 – 2015

 

1.3.1. Thiết bị xử ký khí thải

 

Việt Nam có một số công ty, tổ chức cung cấp thiết bị xử lý bụi, khí thải cho nhiều ngành công nghiệp. Tuy nhiên, mới chỉ thực hiện khâu lắp ráp.

 

Các doanh nghiệp tiêu biểu tham gia hoạt động này bao gồm: Tổng công ty Lắp máy Việt Nam; Viện Nghiên cứu cơ khí; Viện Nghiên cứu KHKT bảo hộ lao động; Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam; Tổng công ty Cơ khí xây dựng; Viện Luyện kim màu; Viện Máy và dụng cụ công nghiệp.

 

1.3.2. Thiết bị công nghệ xử lý chất thải, nước, nước thải

 

a) Nhóm thiết bị đốt: Có hai nhóm sản phẩm: lò đốt rác nguy hại và lò đốt rác thông thường.

 

- Lò đốt rác thải nguy hại: Là lò đốt đa cấp, hệ thống lò phản xạ đa vùng và lò đốt hai cấp với gam công suất tới 20T/ngày.

Các doanh nghiệp tham gia sản xuất: Công ty KHCN và BVMT (STEDRO); Công ty TNHH Tám Thuận Phong; Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga; Công ty Bách khoa Hồ Chí Minh, Hà Nội…   

       

- Lò đốt chất thải rác thông thường: Dựa trên nền tảng công nghệ nước ngoài như Nhật Bản, lò đốt rác thông thường không sử dụng nhiên liệu đốt, gam công suất tới 300T/ngày.

 

Tuy nhiên, sản xuất chế tạo trong nhiều năm vẫn còn nhỏ lẻ, đơn chiếc và tự phát.

 

b) Các thiết bị xử lý nước, nước thải: Các công ty của Việt Nam, nhất là những công ty lớn (SEEN, ASIATECH...) có thể sản xuất được những thiết bị tiền xử lý, xử lý hóa lý (sàng rác, thiết bị tuyển nổi, lắng, lọc thông thường, các thiết bị tự động hóa...). Khó khăn là thiết kế các công nghệ đặc thù, các thiết bị cơ điện (bơm các loại, máy nén khí, các cơ cấu phân tán khí...), linh kiện điện tử, màng lọc... phần lớn phải nhập ngoại.

 

Tuy nhiên, sản xuất ở quy mô công nghiệp gặp khó khăn, do thị trường chưa được tiêu chuẩn hóa.

 

1.3.3. Thiết bị công nghệ phân loại và tái chế rác thải

 

Việt Nam đã sản xuất được các thiết bị, công nghệ phân loại rác trước xử lý (tỷ lệ nội địa hóa đã đạt 65 - 70%) và một số thiết bị xử lý rác thải đặc thù.

 

Lĩnh vực tái chế rác thải Việt Nam đã có thiết bị công nghệ phân loại, ủ phân hiếu khí sản xuất phân vi sinh từ rác hữu cơ (đã phân loại), sản xuất viên năng lượng, tái chế nhựa dẻo, phế thải cao su thành dầu RO. Hiện đã có khoảng 30 nhà máy xử lý rác sinh hoạt sử dụng công nghệ trong nước và các công nghệ nước ngoài (Tây Ban Nha, Đan Mạch, Bỉ, Pháp, Hàn Quốc) đang hoạt động tại các địa phương.

 

Các nhà máy thường áp dụng công nghệ phân loại – chế tạo phân compost đối với phân đoạn hữu cơ – thu hồi/tái chế đối với kim loại, nhựa – đốt đối với phần hữu cơ trơ – sản xuất vật liệu xây dựng từ tro lò đốt và phần vô cơ. Tuy nhiên, mức độ thành công phụ thuộc vào thị trường, độ tin cậy của thiết bị cần được đánh giá thêm. 

 

Các doanh nghiệp tham gia sản xuất: Công ty Seraphin; Công ty Tâm Sinh Nghĩa (công nghệ An Sinh); Công ty TNHH Thuỷ lực (công nghệ MBT-CD.08); Công ty môi trường xanh; Công ty đầu tư và phát triển Bình Phước; Công ty Dân Xuân; Công ty cổ phần môi trường Đà Nẵng.

 

1.3.4. Sản xuất sản phẩm môi trường

 

Việt Nam đã làm chủ được công nghệ một số chủng vi khuẩn, một số hóa chất, vật liệu xử lý nước, nước thải (clo sát trùng, phèn, PAC, than hoạt tính, cát lọc, vật liệu mang vi sinh...).

 

1.3.5. Sản xuất các thiết bị đo lường và “sản phẩm xanh

 

- Đã sản xuất một số thiết bị đo, quan trắc qua tự động thông số môi trường. Tuy nhiên, độ ổn định còn kém, thực chất là thiết bị điện tử, còn đầu đo chính (sensor) phải nhập ngoại.

 

- Hiện đã có một số dòng sản phẩm được gắn nhãn xanh Việt Nam, như: Bóng đèn compact (8 loại), bóng đèn hình quang ống thẳng (18); Sơn phủ dùng trong xây dựng (Majectic, Pcart, Silk, Jptashield); Máy in  (Fuji Xerox Docuprint p355d, fuji veox docuprint p355db); một số thiết bị gia dụng dán Nhãn năng lượng như Tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ, quạt điện, nồi cơm điện…

 

1.3.6  Sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường

 

Về cơ bản, Việt Nam đã tận dụng được các phế thải công nghiệp và sinh hoạt để sản xuất ra các loại nguyên liệu phục vụ sản xuất và tiêu dung theo hướng sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường. Tuy nhiên, kết quả thu đượ cở từng lĩnh vực là khác nhau:

 

a) Công nghiệp tái chế giấy: Công nghiệp sản xuất giấy bao bì và giấy in báo là công nghiệp tái chế sử dụng 100% nguyên liệu giấy tái chế (giấy bao bì)

 

b) Công nghiệp tái chế nhựa: Nguyên liệu nhựa thải có chất lượng nhưng chưa được tận dụng có hiệu quả. Việt Nam chưa có công nghiệp tái chế nhựa.

 

c) Công nghiệp tái chế kim loại: Tái chế kim loại quy mô lớn, chủ yếu là các nhà máy luyện thép sử dụng thép phế nhập khẩu (hợp thép phế trong nước đáp ứng 30%).

 

d) Công nghiệp tái chế chất thải điện tử: Việt Nam chưa có công nghiệp tái chế chất thải điện tử đúng nghĩa, chỉ có các cơ sở tái chế nhỏ và làng nghề.

 

e) Công nghiệp tái chế gắn với nguồn CTR đô thị:

 

- Công nghiệp tái chế chất thải hữu cơ làm phân vi sinh được thực hiện ở 22 trong số các nhà máy xử lý rác sinh hoạt đã nêu ở trên. Quy mô trung bình là 200T/ngày. Nhìn chung, nhiều DN hoạt động gặp khó khăn.

 

- Công nghiệp đốt rác phát điện mới thể hiện ở các dự án chưa thực hiện.

 

- Các nhà máy làm viên đốt, vật liệu xây dựng hầu như không có đầu ra, hoạt động cầm chừng hoặc dừng.

 

g) Công nghiệp tái chế gắn với xử lý chế biến CTNH:

 

- Có khoảng 13 cơ sở tái chế dầu thải, một số cơ sở tái chế acquy dưới danh nghĩa là các công ty xử lý chế biến chất thải nguy hại.

 

- Đốt chất thải nguy hại thu hồi nhiệt, phát điện: Thành phố Hà Nội đang triển khai dự án đốt chất thải công nghiệp phát điện công suất 70 tấn/ngày; Thành phố Hồ Chí Minh có 1 nhà máy đốt chất thải công nghiệp nguy hại, kết hợp thu hồi nhiệt.

 

h) Công nghiệp tái chế chất thải rắn CN: CTR ngành điện: xử lý tro xỉ; CTR ngành thép: Xả lò cao, lô điện và bụi thải; CTR ngành đóng tàu; CTR trong khai thác khoáng sản.

 

i) Làng nghề tái chế:

 

Việt Nam có khoảng 100 làng nghề tái chế, tập trung vào một số nguyên liệu chính phổ biến, như kim loại, giấy, nhựa các loại. Các làng nghề có đóng góp nhất định về khía cạnh thu hồi tài nguyên, tạo thu nhập. Song, hiện trạng môi trường gần như không được kiểm soát.

 

(Còn tiếp)

 

Nguyễn Đình Hiệp- Hiệp hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam

 

Nguồn MOIT

 

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt