Logo
phone
Hotline: 02437327155
Thực trạng phát triển và hoạt động của doanh nghiệp công nghiệp môi trường Việt Nam giai đoạn 2010-2015 (PI)
  14/09/2016
icon-zalo

 

1.1 Thực trạng phát triển của các doanh nghiệp công nghiệp môi trường Việt Nam. Theo kết quả điều tra khảo sát của Tổng cục Môi trường, đến thời điểm cuối năm 2012, tại 53 tỉnh/thành phố trên cả nước, có 3.982 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp môi trường. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới giai đoạn 2006 - 2012 là 3.581 doanh nghiệp, trong đó giai đoạn năm 2006 đến 2009 là giai đoạn phát triển mạnh nhất về số lượng các doanh nghiệp dịch vụ môi trường (DVMT) lên tới 2.321 doanh nghiệp.

 

Hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp môi trường bao gồm các hoạt động dịch vụ, tư vấn, chế tạo và cung cấp thiết bị môi trường  đã có mặt trên hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên, sự phân bố của các doanh nghiệp không đều, phần lớn các doanh nghiệp tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn, khu vực đồng bằng, nơi có hoạt động công nghiệp phát triển mạnh, phát sinh nhiều chất thải và nhận thức của cơ sở sản xuất về bảo vệ môi trường cao, chỉ tính riêng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã có tới 2.308 doanh nghiệp thực hiện các hoạt động dịch vụ môi trường. Địa bàn hoạt động của doanh nghiệp dịch vụ môi trường ở các tỉnh, thành phố này cũng rất rộng, vượt ra khỏi phạm vi của một tỉnh, thành phố.

 

Bên cạnh một số lĩnh vực dịch vụ môi trường đã hoạt động từ lâu đời như dịch vụ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, dịch vụ quan trắc và phân tích môi trường thì đa số các lĩnh vực dịch vụ còn lại ở Việt Nam còn tương đối mới mẻ. Trong các doanh nghiệp DVMT được điều tra cho thấy  hầu hết các doanh nghiệp đều đăng ký hoạt động từ 2 loại hình dịch vụ môi trường trở lên, chưa có doanh nghiệp nào có khả năng cung cấp tất cả 09 loại hình dịch vụ, các doanh nghiệp có khả năng cung cấp từ 5 dịch vụ trở lên chiếm tỉ lệ nhỏ, tập trung tại các thành phố như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng…

 

Trong số 493 doanh nghiệp được điều tra cho thấy, các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong dịch vụ tư vấn, đào tạo, cung cấp thông tin về môi trường (chiếm 50%); lĩnh vực dịch vụ thiết kế, chế tạo, xây dựng hệ thống xử lý chất thải (chiếm 43%); dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải (chiếm 45%); tiếp theo là dịch vụ quan trắc, phân tích môi trường (chiếm 20%); dịch vụ khắc phục và cải tạo môi trường (chiếm 9%); dịch vụ phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, công nghệ môi trường (chiếm 6%). Các doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực khác còn khá khiêm tốn như doanh nghiệp DVMT đối với máy móc, thiết bị, công nghệ, giám định thiệt hại về môi trường (chiếm 3%); dịch vụ kiểm toán môi trường hầu như chưa có (chỉ chiếm 1%); không có doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (chiếm 0%).

 

Các doanh nghiệp môi trường nói chung và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ môi trường nói riêng phần lớn được xếp vào doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, ít doanh nghiệp lớn. Theo số liệu điều tra, khảo sát tại 493 doanh nghiệp cho thấy, vốn đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp trung bình là 35.856.404.908/1 đơn vị.

 

Trong lĩnh vực xử lý nước thải công nghiệp, một số công ty có quy mô khá lớn như SEEN, Công ty Môi trường Á Đông, Công ty môi trường ECO; một số công ty nước ngoài chuyên thực hiện các dự án ODA chính phủ trong lĩnh vực này như EBARA (Nhật Bản), xử lý các loại nước thải công nghiệp như Glơwtech (Singapore), xử lý và chế biến rác CSW (Hoa Kỳ).

 

Kết quả điều tra, khảo sát của Hiệp hội CNMT trong năm 2015 cũng cho thấy: Nhóm  doanh  nghiệm quy mô vốn từ 1 – 5 tỷ đồng là phổ biến nhất (315 DN, chiếm 28% tổng số DN); nếu tính cả các doanh nghiệp nhỏ hơn, có tới 592 doanh nghiệp, chiếm tới 52,6% tổng số DN. Số doanh nghiệp lớn có số vốn trên 500 tỷ VNĐ chỉ là 32, chiếm 2,84% tổng số doanh nghiệp môi trường.

 

Theo niên giám thống kê năm 2014, Tổng sản phẩm theo giá hiện hành của doanh nghiệp môi trường năm 2013 là 17.883 tỷ (0,499% GDP), năm 2014 là 19.526 tỷ (0,496% GDP); tăng trưởng 9,19%/năm, gần gấp đôi so với tăng trưởng GDP (5,98%), chiếm gần 0,5%  tổng sản phẩm trong nước, cao hơn nhiều so với tăng trưởng công nghiệp cùng kỳ (7,15%).

 

Như vậy, có thể nói, CNMT Việt Nam mới ở giai đoạn đầu của sự phát triển, đóng góp trong tổng sản lượng công nghiệp cũng như GDP còn rất khiêm tốn, kể cả so với mức trung bình của thế giới lẫn so với chính các ngành công nghiệp Việt Nam. Điều này dẫn tới hai kết luận: (1) ngành CNMT của VN còn quá nhỏ, đồng nghĩa với công tác bảo vệ môi trường được đáp ứng ở mức rất thấp so với nhu cầu; (2) nhu cầu phát triển CNMT là rất lớn, dư địa để phát triển còn nhiều.

 

 1.2 Hoạt động của các doanh nghiệp CNMT trong lĩnh vực dịch vụ môi trường (DVMT). Quy định tại Điều 116 của Luật Bảo vệ môi trường và Quyết định số 1030/QĐ-TTg ngày 20/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025, dịch vụ môi trường có thể hiểu một cách chung nhất là hoạt động cung cấp các dịch vụ về bảo vệ môi trường như: (1) dịch vụ tư vấn, đào tạo, cung cấp thông tin về môi trường; (2) dịch vụ quan trắc, phân tích môi trường; (3) dịch vụ giám định về môi trường đối với máy móc, thiết bị, công nghệ, giám định thiệt hại về môi trường; (4) dịch vụ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, cam kết bảo vệ môi trường; (5) dịch vụ thiết kế, chế tạo, xây dựng hệ thống xử lý chất thải; (6) dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải; (7) dịch vụ khắc phục và cải tạo môi trường; (8) dịch vụ phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, công nghệ môi trường; (9) dịch vụ kiểm toán môi trường. Sau đây là kết quả khảo sát và đánh giá năng lực của các doanh nghiệp dịch vụ môi trường của theo 09 loại hình dịch vụ trên.

 

1.2.1. Dịch vụ tư vấn, đào tạo, cung cấp thông tin về môi trường

 

Theo số liệu điều tra, khảo sát tại 493 doanh nghiệp của Tổng cục môi trường (2012), tỷ lệ các doanh nghiệp thực hiện cung cấp dịch vụ tư vấn, đào tạo, cung cấp thông tin về môi trường chiếm 50%; trong đó doanh nghiệp nhà nước (các Công ty Cổ phần, Công ty TNHH mà Nhà nước chiếm vốn điều lệ chủ yếu) và các Trung tâm, Trường, Viện, đơn vị sự nghiệp chiếm 5,5%, doanh nghiệp cổ phần và tư nhân chiếm 94,2%, còn lại 0,3% là các doanh nghiệp khác, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Quy mô của các doanh nghiệp này chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ với từ 10 đến 50 lao động và tổng vốn đăng ký kinh doanh từ 10-15 tỷ đồng (chiếm 58,5%), doanh nghiệp siêu nhỏ với dưới 10 lao động (chiếm 27,4%), doanh nghiệp quy mô vừa chỉ chiếm 14,1%.

 

Trong vòng 5 năm trở lại đây, do yêu cầu đầu vào đơn giản, chủ yếu là nguồn nhân lực có chuyên môn, mô hình gọn nhẹ, với số lượng nhân viên dưới 30 cùng với việc chưa có quy định cho việc cấp phép hoạt động của các công ty tư vấn dịch vụ môi trường nên số lượng các doanh nghiệp tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ môi trường này ngày càng nhiều. Có thể nói, các doanh nghiệp về tư vấn, đào tạo, cung cấp thông tin môi trường cơ bản đáp ứng được yêu cầu trên thực tế về mặt số lượng. Tuy nhiên, nhược điểm của các doanh nhiệp dịch vụ môi trường này là chất lượng dịch vụ cung cấp của nhiều đơn vị không cao, hệ thống thẩm định, kiểm tra của nhà nước  còn mỏng, không rà soát được chất lượng sản phẩm; chưa có chế tài xử phạt đối với các trường hợp cung cấp dịch vụ kém chất lượng.

 

 1.2.2. Dịch vụ quan trắc, phân tích môi trường

 

Đây là một thị trường có tính chất lâu đời gắn liền với lịch sử hình thành khoa học môi trường ở Việt Nam. Theo số liệu điều tra, khảo sát, tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện cung cấp dịch vụ quan trắc và phân tích môi trường chiếm khoảng 20%, hầu hết các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đều thuộc các nhóm đối tượng như: Trung tâm thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (chiếm đa số), Trung tâm quan trắc thuộc viện chuyên ngành, Trung tâm nghiên cứu thuộc các trường đại học/viện nghiên cứu, một số Trung tâm quan trắc thuộc các dự án dài hạn (thường có yếu tố tài trợ nước ngoài). Do các quy định bắt buộc giám sát môi trường định kỳ đối với các cơ sở hoạt động nên nhu cầu của thị trường đối với dịch vụ quan trắc và phân tích môi trường tương đối lớn. Tuy nhiên, trong thực thế, chưa có chính sách của Nhà nước về việc hỗ trợ kinh phí cho việc thành lập các đơn vị quan trắc tại các khối doanh nghiệp tư nhân trong khi số vốn bỏ ra cho việc mua thiết bị phân tích là khá đắt. Vì vậy, số lượng các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào việc cung cấp các dịch vụ quan trắc và phân tích môi trường còn rất hạn chế, hầu như vắng mặt trong khối cung cấp dịch vụ này.

 

 Hiện nay, với sự tham gia tương đối đông đảo của các Trung tâm quan trắc, các Trường Đại học, các Viện Khoa học đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của thị trường đối với loại hình dịch vụ này. Tuy nhiên, đối với các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa và một số địa phương còn gặp khó khăn trong cân đối kinh phí ngân sách thì việc đáp ứng các nhu cầu về quan trắc và phân tích môi trường vẫn gặp nhiều khó khăn một phần do Trung tâm quan trắc chưa đủ năng lực, trang thiết bị, trong khi các doanh nghiệp tư nhân, các đơn vị cung cấp dịch vụ này từ các thành phố lớn không mặn mà cung cấp dịch vụ hoặc nếu có thì chi phí tương đối cao.

 

1.2.3. Dịch vụ giám định về môi trường đối với máy móc, thiết bị, công nghệ, giám định thiệt hại về môi trường

 

Theo số liệu điều tra khảo sát tại 493 doanh nghiệp dịch vụ môi trường cho thấy các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ giám định về môi trường đối với máy móc, thiết bị, công nghệ, giám định về môi trường chỉ chiếm 3%, trong đó chủ yếu các Viện, Trung tâm, đơn vị của Nhà nước. Tuy nhiên, các đơn vị này cũng mới chỉ cung cấp dịch vụ giám định thiệt hại về môi trường theo đơn đặt hàng  khi có xảy ra tranh chấp về môi trường trên cơ sở sử dụng đội ngũ chuyên gia trình độ cao, kinh nghiệm lâu năm hiện có. Hầu như chưa có đơn vị tư nhân nào tham gia cung cấp dịch vụ giám định về môi trường đối với máy móc, thiết bị, công nghệ do hiện nay chưa có hành lang pháp lý nào cho dịch vụ này. 

 

1.2.4. Dịch vụ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường

 

Khác với dịch vụ giám định về môi trường đối với máy móc, thiết bị, công nghệ không có doanh nghiệp đăng ký tham gia cung cấp dịch vụ vì chưa có hành lang pháp lý, lĩnh vực thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đã có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ thông qua quy định tại Quyết định số 19/2007/QĐ-BTNMT ngày 26 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định về điều kiện và hoạt động dịch vụ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, hiện nay không có các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh loại hình dịch vụ thẩm định báo cáo đánh tác động môi trường do nhu cầu thị trường về dịch vụ này không phát triển. Các đối tượng khách hàng thường lựa chọn cơ quan nhà nước để gửi hồ sơ đề nghị thẩm định do tư tưởng sẽ gặp nhiều thuận lợi khi cơ quan thẩm định và cơ quan phê duyệt là một.

 

Do đó, trong thời gian tới, để giảm bớt sự quá tải cho các cơ quan nhà nước trong quá trình thẩm định, đồng thời huy động được sự tham gia của các tổ chức tư nhân có đội ngũ chuyên gia giỏi vào hoạt động thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cần có các quy định, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa để khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong quá trình tham gia cung cấp dịch vụ.

 

1.2.5. Dịch vụ thiết kế, chế tạo, xây dựng hệ thống xử lý chất thải

 

Theo số liệu điều tra, khảo sát tại 493 doanh nghiệp, tỷ lệ các doanh nghiệp thực hiện cung cấp dịch vụ thiết kế, chế tạo, xây dựng hệ thống xử lý chất thải chiếm 43%; trong đó doanh nghiệp nhà nước chiếm 7%, doanh nghiệp cổ phần chiếm 24%, doanh nghiệp tư nhân chiếm 67%, còn lại 2% là các doanh nghiệp khác, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ lớn đến 98%, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này chỉ chiếm khoảng 2%. Đặc thù của doanh nghiệp là cung cấp sản phẩm tư vấn và công nghệ do đó nhân sự của các doanh nghiệp này có trình độ chung khá cao (đại học và trên đại học). Đối với một số công ty có cung cấp dịch vụ thi công thì sẽ có một đội ngũ công nhân với trình độ học vấn tối thiểu là tốt nghiệp phổ thông trung học nhưng đội ngũ quản lý thì đều có bằng kỹ sư hoặc cao hơn. Hiện nay tất cả các dịch vụ thi công xử lý chất thải các doanh nghiệp Việt Nam đều có thể đáp ứng được từ con người đến máy móc thi công, tuy nhiên đối với dịch vụ thiết kế, chế tạo hệ thống xử lý của nhiều dự án lớn thường lựa chọn các doanh nghiệp có vốn nước ngoài.  

 

Nhìn chung, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ này gặp nhiều thuận lợi như nhu cầu thị trường cao; số lượng và chất lượng nguồn nhân lực dồi dào từ những giáo sư kinh nghiệm lâu năm đến đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản trong và ngoài nước; nhờ sự phát triển của internet và mạng lưới hợp tác quốc tế nên việc cập nhật công nghệ mới, biện pháp thi công hiện đại đều trở nên dễ dàng hơn rất nhiều; cùng với quá trình mở cửa của nền kinh tế, các doanh nghiệp có vốn nước ngoài đã và đang cung cấp dịch vụ này sẽ mang đến cho các doanh nghiệp Việt Nam nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, chất lượng của dịch vụ mà các doanh nghiệp mang lại nhiều khi chưa cao, nhiều công trình sau khi thi công xong thì không thể vận hành hoặc vận hành không đạt hiệu quả như mong muốn, một số công trình thiết kế chưa phù hợp. 

 

(còn tiếp)

                                                Nguyễn Đình Hiệp- Hiệp hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam

 Nguồn MOIT

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt