Logo
phone
Hotline: 02437327155
Thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh: Loay hoay nguồn tài chính
  15/12/2017
icon-zalo

 

Tại Hội nghị “Đánh giá giữa kỳ thực hiện Tăng trưởng xanh Việt Nam” khu vực miền Bắc do Bộ KH&ĐT phối hợp với Chương trình Cải cách Kinh tế Vĩ mô/Tăng trưởng xanh của Hợp tác Phát triển Việt - Đức và Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng, việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn khi đòi hỏi nguồn tài chính lớn.

 

Ngày 25/9/2012, Việt Nam đã xây dựng “Chiến lược Tăng trưởng xanh”. Sau 5 năm thực hiện Chiến lược, đã có 32 tỉnh, 8 Bộ đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, cũng hình thành được hệ thống luật pháp, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đầu tư vào tăng trưởng xanh. Tuy vậy, theo các chuyên gia, khu vực phía Bắc là khu vực có tỷ lệ ban hành Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh thấp nhất; hầu hết những kế hoạch hành động đã tự thực hiện, không có kiểm kê khí nhà kính nên không chỉ ra được tiềm năng Tăng trưởng xanh, hành động ưu tiên và chi phí thực hiện.

 

Tại Hội nghị “Đánh giá giữa kỳ thực hiện Tăng trưởng xanh Việt Nam” tại khu vực miền Bắc, nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương đang đối mặt với không ít những thách thức khi đầu tư cho Tăng trưởng xanh đòi hỏi nguồn tài chính lớn khoảng 30 tỷ USD, trong khi đó, đầu tư công đang hạn hẹp.

 

TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ KH&ĐT cho biết, việc xác định nhu cầu và cơ chế huy động nguồn lực tài chính để triển khai thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 đang là một thách thức cơ bản. Có nhiều cách tiếp cận để xác định nhu cầu về nguồn lực tài chính như thông qua các kế hoạch hành động của các ngành, địa phương, các Kế hoạch hành động của từng lĩnh vực. Tuy vậy, chưa có một cách tiếp cận mang tính tổng thể, phản ánh đầy đủ nhu cầu triển khai thực hiện Kế hoạch hành động.

 

Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, đầu tư vào tăng trưởng xanh. Ảnh: MH

 

Bên cạnh đó, còn thiếu các chính sách thu hút đầu tư đủ hấp dẫn để huy động các nguồn lực tài chính, cụ thể như các quỹ khí hậu quốc tế; cản trở do các chính sách thường đơn lẻ, thiếu đồng bộ, nên các ngành còn lúng túng hướng dẫn triển khai; năng lực, kinh nghiệm còn hạn chế…

 

Điều đáng nói là mặc dù, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh (tháng 3/2014). Tại đây khu vực tư nhân được xác định là rất quan trọng, nhân tố quyết định trong thực hiện Tăng trưởng xanh. Bởi chính doanh nghiệp và người lao động sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy vậy, đến nay, các doanh nghiệp vẫn khá thận trọng khi đầu tư vào các lĩnh vực Tăng trưởng xanh do nhiều chính sách chưa đủ sức thúc đẩy doanh nghiệp.

 

Để nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh ở các địa phương, các chuyên gia cho rằng, cần khuyến khích các doanh nghiệp bằng các chính sách linh hoạt, áp dụng cho sản xuất năng lượng sạch. Theo ông Bùi Trung Nguyên, Phó Giám đốc Ban Kế hoạch Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, cần xây dựng bộ tiêu chuẩn về môi trường cụ thể cho các ngành, nghề, lĩnh vực để hệ thống ngân hàng có đủ căn cứ trong thẩm định, đánh giá tác động về môi trường, xã hội. Ngoài ra, cần có các công cụ khuyến khích các ngân hàng thương mại cùng tham gia hỗ trợ phát triển tín dụng xanh

 

Đối với các địa phương cần có các chỉ đạo mang tính pháp lý về chỉ tiêu phát thải khí nhà kính đối với các địa phương. Hỗ trợ cho địa phương về mặt kỹ thuật, phương pháp để xây dựng, thu thập số liệu đầu vào đối với các chỉ tiêu về Tăng trưởng xanh cho giai đoạn 2017 - 2020 như: tỷ lệ đạt quy chuẩn môi trường của chất lượng không khí; tỷ lệ thực hiện nông nghiệp xanh; tỷ lệ giá trị sản phẩm ngành công nghệ cao, công nghệ xanh trong GDP.

 

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện khung pháp lý về lồng ghép các tiêu chí Tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm…

 

Mai Chi

 

Theo baotainguyenmoitruong

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt