Thúc đẩy hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon
Ngày 11/1, tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nhóm Công tác chung Việt Nam – Nhật Bản đã tổ chức cuộc họp lần thứ 3 về thực hiện Kế hoạch hợp tác chung về biến đổi khí hậu hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050 (JCP). Năm 2024, hai bên sẽ triển khai các lĩnh vực hợp tác mới về thực thi Điều 6 của Thỏa thuận Paris, phát triển hệ thống cảnh báo sớm và giảm phát thải khí Mê-tan.
Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và bà Ogawa Masako, Phó Cục trưởng Cục Môi trường toàn cầu (Bộ Môi trường Nhật Bản) đã chủ trì cuộc họp. Tham dự có đại diện các đơn vị trực thuộc 2 Bộ, đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Các đại biểu Việt Nam và Nhật Bản tham gia cuộc họp
Kế hoạch Hợp tác chung về Biến đổi khí hậu hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050 do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cùng Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản ký kết triển khai vào tháng 11/2021, nhằm đạt được mục tiêu trung hòa các-bon năm 2050 của Việt Nam. Trên cơ sở hỗ trợ Việt Nam phát triển Chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu cấp quốc gia và cấp địa phương, hai bên sẽ tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư của khu vực tư nhân thông qua chuyển đổi công nghệ mới, hỗ trợ tài chính cho quá trình chuyển đổi và định giá các-bon.
Theo ông Tăng Thế Cường, trong Chiến lược quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu, phía Nhật Bản đã hỗ trợ xác định kịch bản giảm phát thải theo Mô hình tổng hợp Châu Á – Thái Bình Dương (AIM). Thời gian qua, các chuyên gia Nhật Bản đã triển khai đào tạo cho cán bộ Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu phát triển năng lực nghiên cứu của Việt Nam trong tương lai. Thời gian tới, phía Việt Nam mong muốn có thể mở rộng đối tượng để các cơ quan liên quan khác cũng có thể tiếp cận mô hình này.
Về Sáng kiến quốc tế “Đối tác triển khai Điều 6 Thỏa thuận Paris” Nhật Bản khởi xướng, Bộ TN&MT đã lấy ý kiến các cơ quan liên quan và Chính phủ đã chấp thuận tham gia sáng kiến này. Thời gian tới, hai bên sẽ phối hợp xây dựng triển khai kế hoạch cụ thể, không chỉ giữa Việt Nam với Nhật Bản mà còn với các đối tác khác trong mạng lưới tham gia sáng kiến.
Chia sẻ nội dung về Quan hệ đối tác để tăng cường tính minh bạch cho hoạt động đồng đổi mới (PaSTI), đại diện Bộ Môi trường Nhật Bản cho biết, về tăng cường tính minh bạch trong giảm phát thải khí nhà kính, Nhật Bản đang hỗ trợ các Bộ: Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường xây dựng một số hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở. Dự kiến tháng 3/2024 sẽ tổ chức hội thảo về tài chính xanh nhằm tạo điều kiện cho khu vực tư nhân trong các nỗ lực giảm phát thải.
Về Chương trình Hợp giữa các thành phố của Nhật Bản và Việt Nam về khử các-bon, có 7 dự án đang triển khai và đều cho kết quả tích cực trong các hoạt động chia sẻ kiến thức, ứng dụng công nghệ tiên tiến góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Phía Nhật Bản muốn nâng cao kiến thức về biến đổi khí hậu ở các Sở, ban, ngành với sự hỗ trợ của cơ quan địa phương và Trung ương. Cục trưởng Tăng Thế Cường đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa các thành phố của hai nước, đồng thời đề nghị phía Nhật Bản hướng dẫn các địa phương gửi thông tin về Bộ TN&MT để đánh giá nỗ lực hợp tác gữa hai nước.
Thông qua quan hệ đối tác công tư của Nhật Bản, hai bên đặt mục tiêu xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm, cung cấp các dịch vụ thông tin khí hậu cho khu vực tư nhân và nhóm dễ bị tổn thương ở Việt Nam. Thời gian qua, trên cơ sở khảo sát về cơ hội, rào cản và nhu cầu thúc đẩy hệ thống cảnh báo sớm, phía Nhật Bảm đã nắm được Việt Nam có nhu cầu cao về áp dụng hệ thống này và sẽ tổ chức các hội thảo kết nối các đơn vị giàu kinh nghiệm của Nhật Bản với các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam; thúc đẩy phát triển các mô hình kinh doanh cung cấp dịch vụ cảnh báo dựa trên hệ thống cảnh báo sớm. Về vấn đề này, đại diện Tổng cục Khí tượng thủy văn đề xuất tiếp tục hợp phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để hướng tới tự động hóa các bản tin dự báo, cảnh báo sớm; hợp tác công tư nâng cấp mạng lưới quan trắc môi trường, khí tượng thủy văn.
Về quản lý các chất Fluorocarbon (các chất HFC), các cơ quan của hai nước đã hợp tác xây dựng chính sách/công cụ theo dõi HFC tại Việt Nam. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng vừa ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thu gom, vận chuyển, lưu giữ, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát HFC. Trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển chính sách/công cụ theo dõi HFC tại Việt Nam (dự kiến ra mắt vào tháng 2/2024); khởi động dự án theo Cơ chế tín chỉ chung JCM trong lĩnh vực này tại Huế và Hà Nội... Ông Tăng Thế Cường đề nghị phía Nhật Bản đẩy nhanh đưa ra quy tắc hướng dẫn thực hiện các dự án JCM để có căn cứ tiếp tục triển khai trong thời gian tới.
Về giảm phát thải khí Mê-tan, đại diện Nhật Bản chia sẻ công nghệ mới dành cho bãi chôn lấp rác thải (phương pháp Fukuoka), cùng với dự án mới cung cấp hỗ trợ tài chính mới cho các dự án giảm phát thải khí mêtan trị giá 3 triệu USD và mua lại tín chỉ các-bon JCM.
Quang cảnh cuộc họp
Tại cuộc họp, các đại biểu đã cùng thảo luận, góp ý đề xuất các nội dung triển khai kế hoạch hợp tác chung trong năm 2024. Trước đề xuất của các đại biểu phía Việt Nam về triển khai các hoạt động liên quan tới xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu, kiểm kê khí nhà kính, triển khai dự án áp dụng công nghệ mới giảm phát thải khí Mê-tan, bà Ogawa Masako, Phó Cục trưởng Cục Môi trường toàn cầu, Bộ Môi trường Nhật Bản cho biết sẽ gửi các đề xuất tới đơn vị phụ trách phía Nhật Bản đề có câu trả lời, đặc biệt là các việc dự báo rủi ro từ biến đổi khí hậu trong trung hạn và dài hạn để đưa ào kịch bản.
Cùng với tiếp nối các hoạt động năm 2023, năm 2024 có 3 trọng tâm: thực thi Điều 6 của Thỏa thuận Paris, phát triển hệ thống cảnh báo sớm và giảm phát thải khí Mê-tan. Hai bên sẽ cùng hợp tác để quyết định cụ thể các vấn đề liên quan trong thời gian tới, góp phần tăng cường mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Cục trưởng Tăng Thế Cường đánh giá cao sự hỗ trợ của Bộ Môi trường Nhật Bản đã đóng góp tích cực cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Các công nghệ, mô hình của nhật bản về dự báo sớm, giảm phát thải đều thuộc hàng tiên tiến trên thế giới; đồng thời, kinh nghiệm đi trước trong xây dựng và triển khai các quy định pháp luật rất cần thiết đối với Việt Nam trong bối cảnh triển khai thực hiện mục tiêu trung hòa các-bon. Ông Cường kỳ vọng các kết quả hợp tác sẽ tạo chuyển biến rõ nét cho hoạt động giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam trong thời gian tới.
Nguồn .monre.gov.vn/