Để đạt mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, TPHCM phải giảm tỷ lệ chôn lấp rác xuống còn 40%. Muốn làm được như vậy, phải tăng khối lượng rác được xử lý bằng công nghệ hiện đại hơn như tái chế thành phân compost, đốt rác phát điện. Tuy nhiên, nghịch lý là rác thải chôn lấp thì có nhưng lượng rác thải dành cho các công nghệ xử lý tiên tiến hơn thì lại rất hạn chế.
80% tổng lượng rác thải xử lý bằng chôn lấp
Ông Nguyễn Huy Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, cho biết, TPHCM là địa phương có khối lượng rác thải đô thị phát sinh lớn nhất, khoảng gần 8.000 tấn/ngày nhưng có đến 80% trên tổng lượng rác phát sinh được xử lý bằng hình thức chôn lấp. Điều này rất lãng phí vì rác ở nhiều nước trên thế giới được xem làm nguồn tài nguyên tái chế. Tại nhiều nước trên thế giới như Singapore, Thụy Sĩ, Đức, Trung Quốc…, rác thải được tận dụng làm nguyên liệu đốt phát điện.
Đặc biệt là tại Trung Quốc, cách đây 3 năm họ chỉ mới tận dụng khoảng 121.000 tấn rác/ngày làm nguyên liệu đốt phát điện nhưng cho đến nay, số lượng rác được tận dụng đốt phát điện đã lên đến 300.000 tấn/ngày. Giải pháp đốt rác phát điện không đơn thuần có thể tạo ra nguồn điện sạch mà quan trọng hơn giúp giải quyết triệt để bài toán giảm thiểu ô nhiễm môi trường phát sinh từ hoạt động thải bỏ rác.
Mặt khác, tính ưu việt của giải pháp xử lý rác bằng phương pháp đốt phát điện giúp giảm diện tích rất lớn cần cho chôn lấp, hạn chế nguy cơ rò rỉ nước rỉ rác gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, giảm chi phí đầu tư vận hành hệ thống xử lý nước rỉ rác…
Một góc bãi chôn lắp rác Khu xử lý rác Đa Phước, TPHCM. Ảnh: Cao Thăng
Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị khẳng định, nếu thành phố có chủ trương cho phép công ty đầu tư nhà máy xử lý rác bằng phương pháp đốt phát điện, công ty hoàn toàn có thể thực hiện ngay. Vấn đề là tỷ suất đầu tư cho một nhà máy có công suất khoảng 1.000 tấn rác/ngày là rất cao, khoảng 150 - 180 triệu USD. Công ty cũng có thể đầu tư hoàn toàn bằng nguồn vốn tự có. Vấn đề là thành phố phải làm thế nào để phân bổ lượng rác ổn định cho nhà máy ít nhất trong thời gian khoảng 20 năm. Và đây cũng là tâm tư của rất nhà đầu tư khác cũng đang mong muốn tham gia vào lĩnh vực này.
Cần cấm xử lý rác bằng biện pháp chôn lấp
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Trung Thực, đại diện Tổng cục Năng lượng Bộ Công thương, nhấn mạnh hiện nay có đến 80% các nước trên thế giới đã và đang sử dụng công nghệ này cho hoạt động xử lý rác thải. Riêng tại Việt Nam, việc áp dụng phương pháp này còn rất hạn chế. Cho đến nay, chỉ một số ít tỉnh như Hải Phòng, Hà Nội và TPHCM đang sử dụng công nghệ này nhưng quy mô nhà máy còn rất nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng nguồn rác đô thị phát sinh.
Lý giải thực tế này, ông Phạm Trung Trực cho rằng, nguyên nhân chính là vướng mắc trong việc phân bổ lượng rác cho nhà đầu tư. Theo tính toán của Tổng cục Năng lượng, hiện Hà Nội, TPHCM là hai tỉnh, thành có khả năng đầu tư phương pháp xử lý rác thải thành điện sạch. Lượng rác của hai thành phố này trung bình từ 5.000 tấn/ngày đến 8.000 tấn/ngày. Diện tích đất tại các thành phố rất đắt đỏ nên nếu trong thời gian tới vẫn duy trì hoạt động xử lý rác bằng biện pháp chôn lấp sẽ không còn đất đủ để chôn rác. Thế nhưng, khi các nhà đầu tư làm việc với từng địa phương về việc cam kết phân bổ lượng rác ổn định trong 20 năm thì không hiểu sao các địa phương đều rất chần chừ.
Cũng phải nói thêm rằng, hiện chủ trương Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất điện sạch đã rất rõ. Cụ thể, doanh nghiệp sản xuất điện từ rác thải, ngoài việc được địa phương chi trả chi phí xử lý rác còn được ưu tiên thu mua điện sạch với giá thành khoảng 10.05cent/kWh. Không chỉ vậy, nhà đầu tư cũng được ưu tiên miễn thuế, đất, lãi suất vốn vay… Đặc biệt, dự án của nhà đầu tư còn được phía Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ 50% chi phí thiết bị không hoàn lại nếu thuộc danh mục dự án thân thiện với môi trường, giảm thiểu phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính…
PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Viện phó Viện Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ Môi trường cho biết thêm, thành phố đã từng có đầu tư dự án sản xuất điện từ rác. Tuy nhiên, dự án này đã bị dừng lại nhưng không phải do công nghệ không thực hiện được mà vào thời điểm dự án hình thành, giá thu mua điện sạch chỉ mới 4cent/kWh, chi phí xử lý rác thải chỉ mới 5USD/tấn nên không bù được chi phí sản xuất. Tuy nhiên, nếu xét hiện tại, giá xử lý rác thải bằng biện pháp chôn lấp của thành phố khoảng trên dưới từ 17 - 21USD, giá thu mua điện sạch là 10,05cent/kWh thì hoàn toàn có thể thực hiện được.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà cho rằng, mục tiêu của TPHCM đặt ra đến cuối năm 2015 phải giảm lượng rác thải chôn lấp xuống còn 40%. Do vậy, việc tăng cường thêm giải pháp nhằm tái chế rác thải thành sản phẩm thân thiện môi trường, trong đó có điện sạch là rất cần thiết và cấp bách. Hiện chủ trương, chính sách đã có, công nghệ đã sẵn sàng.
Vấn đề còn lại là làm thế nào để phân bổ lại nguồn rác hợp lý để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia vào hoạt động xử lý rác đốt phát điện. Mặt khác, cần phải xây dựng lộ trình hướng tới cấm chôn lấp rác thải. Có như vậy mới giải quyết được triệt để bài toán ô nhiễm môi trường phát sinh từ rác thải đô thị.
Nguồn sggp