Logo
phone
Hotline: 02437327155
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV
  01/10/2015
icon-zalo

 

 

 

Sáng 30/9, Phiên toàn thể Hội nghị Môi trường Toàn quốc lần thứ IV đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tới tham dự và chỉ đạo.

 

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao việc Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị quan trọng này. 

 

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Ngày nay, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước,… đã trở thành những vấn đề toàn cầu, mà không một quốc gia nào có thể tự giải quyết được.

 

Nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của bảo vệ môi trường, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn đối với vấn đề quan trọng này. Hội nghị Trung ương 7, Khóa XI đã ban hành Nghị quyết về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

 

Thủ tướng cũng vui mừng về những kết quả tích cực trong thực hiện công tác bảo vệ môi trường Việt Nam đã được trong 5 năm vừa qua như: hệ thống cơ chế chính sách, pháp luật đã được rà soát, bổ sung, không ngừng hoàn thiện; tổ chức bộ máy quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương tiếp tục được kiện toàn, năng lực quản lý được cải thiện đáng kể; đầu tư từ ngân sách cho bảo vệ môi trường đã được quan tâm hơn, tăng dần qua từng năm, tổng chi sự nghiệp môi trường năm 2015 là 11.400 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2010.

 

Các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường được áp dụng và bước đầu phát huy hiệu quả; công tác thanh tra, kiểm tra bảo vệ môi trường tiếp tục được đẩy mạnh, kiên quyết xử lý những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đạt chỉ tiêu hàng năm do Quốc hội đề ra; một số dự án xử lý chất thải, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường được đầu tư; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom tăng qua các năm; công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được chú trọng; hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, tăng thêm công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, nguồn lực quan trọng để bảo vệ môi trường.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cũng cần thẳng thắn thấy rõ những hạn chế, yếu kém trong công tác bảo vệ môi trường như ô nhiễm, suy thoái môi trường vẫn tăng ở một số khu vực, gây ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội; tài nguyên thiên nhiên vẫn còn bị khai thác quá mức, thiếu bền vững; nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường còn chồng chéo, trùng lắp, tính khả thi chưa cao, thực thi pháp luật chưa nghiêm; đội ngũ cán bộ quản lý môi trường còn thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ; chưa phát huy tốt vai trò của cộng đồng, của các tổ chức quần chúng trong việc giám sát thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường; vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng tinh vi, nghiêm trọng.

 

Dự thảo Báo cáo tổng kết của Hội nghị có nêu cảnh báo của các chuyên gia môi trường quốc tế, trong 10 năm tới GDP của Việt Nam có thể tăng gấp đôi, nhưng nếu không quan tâm đúng mức, thì ô nhiễm môi trường sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện naythậm chí đến năm 2025 có thể gấp 4 đến 5 lần; tính trung bình GDP cứ tăng 1% thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi 3% GDPĐây là cảnh báo rất cần quan tâm khi trên thực tế vẫn còn tình trạng coi trọng các lợi ích kinh tế trước mắt hơn nhiệm vụ bảo vệ môi trường bền vững lâu dài.

 

 

 

Để làm tốt công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới và để bảo vệ môi trường trở thành một nội dung quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ sức khỏe và thể chất của giống nòi, Thủ tướng chỉ đạo ngành tài nguyên và môi trường cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ quan trọng sau đây:

 

Một là, triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng XII sắp tới, các Nghị quyết Trung ương, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2014; sửa đổi Luật Đa dạng sinh học và các luật có liên quan nhằm thực hiện tốt hơn công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

 

Hai là, đẩy mạnh truyền thông về ý thức trách nhiệm tuân thủ pháp luật, tham gia bảo vệ môi trường trong cộng đồng, người dân và doanh nghiệp; xây dựng và phát triển xã hội văn minh, người dân có lối sống, cách ứng xử thân thiện với môi trường.

 

Ba là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là ở các địa phương, cấp huyện, xã, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

 

Bốn là, tăng cường đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường; u tưên vốn đầu tư phát triển, vốn vay, ODA để giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc, tồn tại kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân; huy động hiệu quả nguồn lực trong xã hội; khuyến khích xã hội hóa, đầu tư theo hình thức hợp tác công tư, nhất là về thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt tập trung; sớm thành lập các quỹ bảo vệ môi trường để có thể chủ động nguồn vốn giải quyết các vấn đề môi trường.

 

Năm là, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; thúc đẩy đổi mới công nghệ sản xuất tiết kiệm năng lượng, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, phát triển công nghiệp “các-bon thấp”; chú trọng nâng cao thành tố môi trường trong cơ cấu giá trị của hàng hóa, dịch vụ, hình thành các sản phẩm “xanh”, dịch vụ “xanh” thân thiện với môi trường; hạn chế đầu tư vào các ngành, lĩnh vực sản xuất gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường; thận trọng trước nguy cơ nước ta trở thành bãi thải công nghệ lạc hậu của các nước phát triển.

 

Sáu là, phát huy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công cụ đánh giá môi trường chiến lược, cơ sở dữ liệu môi trường để dự báo, phòng ngừa các nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường; đẩy mạnh công tác thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, quy chuẩn về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; kiểm soát chặt nguồn phát sinh, việc lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại không để tái gây ô nhiễm môi trường.

 

Bảy là, chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế tranh thủ nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường; coi trọng việc thực hiện các cam kết quốc tế, nỗ lực thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc phù hợp với điều kiện của nước ta. Việt Nam là thành viên, đối tác có trách nhiệm trong nỗ lực chung giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh bảo vệ môi trường là vấn đề toàn cầu, đòi hỏi sự chung tay của mỗi quốc gia, tổ chức và mỗi người dân chúng ta. Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả hơn nữa của các Cơ quan Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới, các quốc gia, các tổ chức và bạn bè quốc tế trong thời gian tới đối với vấn đề hết sức quan trọng này. Việt Nam cũng sẵn sàng hợp tác, đóng góp tích cực cùng cộng đồng quốc tế để giữ gìn môi trường mãi xanh của thế giới chúng ta.

 

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang trân trọng cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của Thủ tướng và Chính phủ đối với công tác bảo vệ môi trường trong sự nghiệp phát triển bền vững đất nước.

 

Các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng đã chỉ rõ những mục tiêu, tầm nhìn chiến lược, những định hướng và những giải pháp, biện pháp có tính đột phá trong công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới. Ngành tài nguyên và môi trường thấy rõ hơn vai trò, trách nhiệm to lớn của mình và xin nghiêm túc tiếp thu, lĩnh hội đầy đủ, toàn diện các nội dung, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và cụ thể hóa vào các chương trình, kế hoạch công tác và từng hoạt động cụ thể khác có liên quan trong 5 năm tới; đồng thời, sẽ chú trọng khắc phục những tồn tại, hạn chế; không ngừng tăng cường sức mạnh đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, ra sức thi đua, sáng tạo, đổi mới trong mọi hoạt động để vươn tới những thành tích cao hơn, đóng góp xứng đáng hơn nữa vào sự phát triển chung của đất nước.

 

Qua phát biểu của Thủ tướng, các đại biểu dự Hội nghị nhận thức đầy đủ hơn những thời cơ, thuận lợi ở phía trước. Trước tiên, đó là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, sâu sát, thường xuyên, kịp thời của các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, đặc biệt là của cá nhân Thủ tướng. Bên cạnh đó là sự phối hợp, hỗ trợ tích cực, nhiệt tình, hiệu quả của lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quốc tế và cộng đồng dân cư. Đây là nguồn động viên to lớn, cổ vũ tinh thần, tiếp thêm sức mạnh giúp cho các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác trong lĩnh vực quản lý môi trường vững tin trên những chặng đường phía trước.

 

 

 

Theo VEA

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt