Logo
phone
Hotline: 02437327155
Thu hút vốn đầu tư theo hướng xanh hóa sản xuất
  14/04/2015
icon-zalo

 

Trong năm 2015, mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của tỉnh chỉ từ 0,9 - 1 tỷ USD. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là tỉnh sẽ tập trung thu hút vốn FDI trong các lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường (hay còn gọi là “xanh hóa” sản xuất). 

 

Đẩy mạnh đầu tư đúng hướng


Theo Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Bồ Ngọc Thu, năm 2014, thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đạt trên 1,6 tỷ USD, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra (từ 0,7 - 0,9 tỷ USD). Trong đó, có 75 dự án cấp mới với tổng vốn trên 500 triệu USD (chiếm trên 31% tổng vốn) và 84 dự án tăng vốn với tổng số vốn gần 1,1 tỷ USD (chiếm gần 69% tổng vốn). Hầu hết, các dự án cấp mới và tăng vốn đều nằm trong khu công nghiệp và theo đúng mục tiêu, định hướng thu hút của tỉnh.


“Năm 2014, đa số các dự án thu hút mới trên địa bàn tỉnh đều đúng định hướng. Các dự án công nghiệp kỹ thuật cao và dự án công nghiệp hỗ trợ đã chiếm 50% tổng vốn đầu tư cấp mới”, Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Bồ Ngọc Thu cho biết.


Tính đến nay, Đồng Nai có tổng số dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư là 1.457 dự án với tổng vốn đầu tư gần 26 tỷ USD. Trong đó, có 1.131 dự án còn hiệu lực với tổng vốn gần 21,5 tỷ USD.  



                             

Sản xuất tại Công ty CP Chính xác Việt Nam


Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Phúc, thời gian qua, môi trường đầu tư ở Đồng Nai được cải thiện tốt nên công tác đầu tư nước ngoài đạt kết quả tích cực. Thu hút đầu tư đúng định hướng với việc tăng dự án thuộc ngành dịch vụ, hạ tầng, lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ hỗ trợ…; giảm dần các dự án gia công, sử dụng nhiều lao động. Kết quả đã tập trung thu hút các dự án công nghiệp kỹ thuật cao, có vốn đăng ký chiếm khoảng 10% tổng vốn thu hút. Đối với dự án công nghiệp hỗ trợ, vốn đăng ký chiếm khoảng 50% tổng vốn thu hút. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh Đồng Nai theo đúng mục tiêu, định hướng. Bên cạnh đó, Đồng Nai luôn quan tâm công tác hỗ trợ doanh nghiệp, thực hiện “đồng hành cùng doanh nghiệp” và xem hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp là thước đo công tác điều hành phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Thường xuyên tổ chức đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền về cơ chế, chính sách phù hợp tạo thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt là quan tâm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính. Đến nay, hầu hết các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đều thực hiện giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đảm bảo công khai minh bạch quy trình xử lý hồ sơ và giải quyết hồ sơ trong thời gian quy định.


Thực hiện mục tiêu “xanh hóa sản xuất”


Theo bà Bồ Ngọc Thu, tuy năm 2014, Đồng Nai thu hút đầu tư nước ngoài đạt cao nhưng chủ trương của tỉnh là ưu tiên thu hút các dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ nên quy mô dự án không lớn và có vốn đầu tư thấp. Do đó, trong năm 2015, mục tiêu thu hút FDI chỉ từ 0,9 - 1 tỷ USD.


Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Phúc cho biết, từ nay đến năm 2020, Đồng Nai thực hiện mục tiêu “xanh hóa sản xuất”. Điều đó có nghĩa là, việc thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng ưu tiên thu hút dự án công nghệ cao, các dự án đầu tư chiều sâu, nâng cấp thiết bị công nghệ, nhất là với các công nghệ thân thiện với môi trường. “Phát triển công nghiệp phải mang tính bền vững. Vấn đề quan trọng không đơn thuần chỉ là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nhanh những ngành hiện đại mà phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường”, ông Phúc nói.


Theo đó, Đồng Nai tiếp tục quan tâm đến nhu cầu của doanh nghiệp, giải quyết nhanh và kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Vận dụng đúng đắn các chính sách của nhà nước để giúp các nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào Đồng Nai. 


Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện nay, các chính sách đã có áp dụng cho Đồng Nai thì dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ không được hưởng ưu đãi do tỉnh không thuộc địa bàn khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn. Nếu không có chính sách ưu đãi cho các dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ thì việc thu hút đầu tư bị hạn chế, khó đạt được mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm trong nước và khó thoát khỏi tình trạng gia công như hiện nay. Do đó, Đồng Nai cũng kiến nghị Trung ương xem xét ban hành bổ sung chính sách ưu đãi đầu tư đối với các lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ để tạo điều kiện thu hút đầu tư dự án sản xuất chi tiết, phụ tùng máy móc thiết bị làm đầu vào cho các nhà máy lắp ráp. Qua đó, tăng tỷ lệ nội địa hóa, góp phần giảm nhập siêu và ổn định sản xuất trong nước.

 

Nguồn Laodongdongnai

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt