Chiều ngày 29/7, tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang và Thứ trưởng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp cấp cao về khung chính sách năm 2016 thuộc Chương trình SP-RCC với các đối tác phát triển hỗ trợ Chương trình SP-RCC. Tham dự có đại diện các Bộ, ngành có liên quan và đại diện lãnh đạo các đối tác phát triển hỗ trợ Chương trình SP-RCC.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết: Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) là một sáng kiến của Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) nhằm tạo nên một diễn đàn trao đổi chính sách giữa các cơ quan chính phủ và các đối tác phát triển quốc tế về các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Chương trình bắt đầu Từ năm 2009 và đã trải qua hai giai đoạn: Giai đoạn 1 kéo dài từ năm 2009 đến năm 2012 và Giai đoạn 2 từ năm 2013 đến năm 2015. Hiện nay, giai đoạn 3 của Chương trình từ năm 2016 đến năm 2020 đang được xây dựng, gồm 3 hợp phần: chính sách, đầu tư và tăng cường năng lực. Chương trình SP-RCC đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua, đặc biệt trong việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội và tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý Nhà nước trong hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. Các thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, cấp địa phương đã được xây dựng, rà soát, điều chỉnh có tính đến các kịch bản của biến đổi khí hậu. Nhiều cơ chế, chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu đã được triển khai rộng khắp trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc hình thành một diễn đàn chính sách quy tụ các Bộ, ngành liên quan và các đối tác phát triển khác; sáng kiến hòa chung nguồn tài trợ vào ngân sách Nhà nước để hỗ trợ công tác ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo tính chủ động trong quản lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ trong phân bổ nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu đã làm cho Chương trình SP-RCC trở thành một hình mẫu trong quan hệ hợp tác giữa các nước phát triển với các nước đang phát triển, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan và các đối tác phát triển đã tập trung thảo luận 16 nội dung thuộc hợp phần chính sách của chương trình SP-RCC giai đoạn 3, 3 nội dung chính sách do Bộ Công Thương đề xuất và chủ trì do chưa hoàn thành nên sẽ để lại xem xét sau.
Các nội dung chính sách được thảo luận như: xây dựng lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh thành phố; xây dựng năng lực và hỗ trợ xây dựng Kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực sản xuất xi măng ở Việt Nam; an toàn hồ chưa; ứng phó với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Xây dựng Quy định về xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; xây dựng kịch bản phát thải thông thường của Việt Nam…
Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã thống nhất với các đối tác phát triển trong 16 nội dung đã trao đổi sẽ đưa 6 nội dung chính sách vào khung chính sách Chương trình SP-RCC năm 2016 còn 10 nội dung sẽ triển khai vào sau năm 2016 (giai đoạn 2016-2020). Ngoài ra, Bộ trưởng đề nghị Bộ Công Thương sớm hoàn thành 3 nội dung đơn vị chủ trì; Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu hoàn thành tờ trình về 6 nội dung thuộc khung chính sách Chương trình SP-RCC năm 2016 đã thông qua để trình Chính Phủ; Đối với 10 nội dung đưa vào khung chính sách Chương trình SP-RCC năm 2016-2020 đề nghị các đối tác phát triển và các Bộ tiếp tục rà soát, trao đổi làm rõ hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới các Bộ, ngành và các đối tác phát triển đã tích cực phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai Chương trình SP-RCC trong suốt 5 năm qua và tiếp tục đóng góp công sức xây dựng SP- RCC trong giai đoạn tới đây;đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng thuận ủng hộ của các cộng đồng, tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển để thực hiện tốt Chương trình SP-RCC vì mục tiêu chung trong hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Nguồn monre