Lực lượng vũ trang và khách du lịch dọn vệ sinh tại khu vực bãi biển Dinh Cậu. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)
Nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ, thiên nhiên trong lành, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đang phấn đấu trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao của khu vực và quốc tế.
Thế nhưng, cùng với sự phát triển của ngành du lịch, đảo ngọc Phú Quốc đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường.
Toàn huyện đảo có hơn 100.000 người dân sinh sống; trên 1.600 công ty và doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có hơn 60 cơ sở sản xuất nước mắm và nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, ăn uống… mà phần lớn trong số đó không có hệ thống xử lý nước thải đáp ứng tiêu chuẩn, nước thải chưa qua xử lý chảy thẳng ra môi trường tự nhiên.
Bên cạnh đó, theo thống kê sơ bộ, hiện mỗi ngày trên huyện đảo Phú Quốc có khoảng 180 tấn rác được thải ra, trong khi đó năng lực thu gom của các đơn vị chỉ đạt trên 50%.
Do trên địa bàn huyện chưa được đầu tư nhà máy xử lý rác thải nên đa phần rác thải thu gom được xử lý bằng cách đốt hoặc đưa về tập trung tạm ở hai bãi rác thuộc thị trấn An Thới và xã Cửa Cạn. Rác được đưa về chất đống ngày càng nhiều, các bãi rác trở nên quá tải đã bốc mùi nồng nặc, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của những khu dân cư gần bãi rác. Số rác thải chưa được thu gom và nước thải chưa qua xử lý trôi dạt trong tự nhiên, theo các cống, kênh rạch, sông ngòi trôi thẳng ra biển gây ô nhiễm môi trường sinh thái biển của Phú Quốc.
Tại những bãi tắm công cộng như Dinh Cậu hay các cửa sông ngòi gần khu dân cư ở Phú Quốc, rất dễ nhận thấy cảnh tượng rác thải tràn lan…
Trên các miệng cống nước gần bãi biển, trong những ngày mưa lớn cũng rất dễ bắt gặp hình ảnh những dòng nước bẩn chưa qua xử lý chảy thẳng ra biển, tạo nên những vùng nước đen kịt. Thậm chí, những bãi tắm được cho là sạch nhất của Phú Quốc, trong mùa gió Tây Nam, rác theo sóng nước cũng tấp thẳng vào bờ.
Thực trạng ô nhiễm môi trường không chỉ khiến cho du khách thất vọng mà còn khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại. Ông Phùng Xuân Mai, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Phú Quốc, một trong những nhà đầu tư đầu tiên ở Phú Quốc, cho biết mặc dù đã nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về môi trường, nhưng doanh nghiệp của ông lại phải chịu ảnh hưởng trực tiếp việc ô nhiễm. Những ngày nắng đẹp thì không sao, còn trong những ngày mưa lớn, rác, nước thải từ các hộ dân, các cơ sở dịch vụ phía trên đường cứ theo đường cống nước chảy thẳng ra biển gây ô nhiễm khu vực bãi biển trước khách sạn của doanh nghiệp này.
Đề cập về thực trạng ô nhiễm môi trường, ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc, thừa nhận cùng với sự phát triển nhanh và mạnh, môi trường ở Phú Quốc hiện nay có lúc, có nơi chưa được đảm bảo. Huyện đã cố gắng để thu gom, vận chuyển và xử lý nguồn rác thải ở khu dân cư, khu trung tâm và các bãi biển công cộng… Tuy nhiên nhiều lúc, công tác thu gom chưa triệt để.
Lãnh đạo huyện luôn xác định, đối với việc phát triển dịch vụ du lịch sinh thái chất lượng cao ở Phú Quốc, môi trường là vấn đề rất cần được quan tâm. Tuy nhiên để có nguồn lực đầu tư cho môi trường, bao gồm nhà máy xử lý nước và rác thải đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Huyện đã kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương và tỉnh sớm chọn nhà đầu tư để tổ chức thu gom, xử lý rác thải, trước mắt đảm bảo yêu cầu theo quy định.
Huyện cũng sớm triển khai hệ thống xử lý nước thải để đảm bảo nước thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn; thường xuyên kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các khu resort, khu du lịch không đảm bảo vệ sinh môi trường. Đối với các dự án, trước khi triển khai, nhà đầu tư phải có báo cáo tác động môi trường và phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang, sau nhiều lần khảo sát, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chấp thuận về chủ trương chọn Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Toàn Cầu làm nhà đầu tư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại huyện Phú Quốc. Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu nhà đầu tư này cam kết thực hiện hoàn thiện dây chuyền công nghệ xử lý rác thải phải đảm bảo theo Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia; cam kết hoàn thành và đưa nhà máy vào hoạt động trong vòng sáu tháng kể từ ngày được chấp thuận chủ trương.
Với chủ trương này, hy vọng vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ sớm được giải quyết để Phú Quốc xứng danh là đảo ngọc hấp dẫn du khách, để huyện đảo sớm trở thành đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao của khu vực và thế giới./.
Theo Vietnam+