Logo
phone
Hotline: 02437327155
Tăng trưởng xanh ở Việt Nam: Chính sách tài chính và định hướng giải pháp
  05/10/2015
icon-zalo

 

Ở Việt Nam, tăng trưởng xanh được xác định là một chiến lược nhằm hướng đến phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh đa dạng sinh học bị suy giảm và môi trường tiếp tục bị xuống cấp trong khi các thảm họa do thiên tai và biến đổi khí hậu đang trở thành một thách thức lớn đối với các quốc gia trên toàn cầu.

 

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra 3 nhiệm vụ chiến lược gồm: (i) Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; (ii) Xanh hóa sản xuất, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh; (iii) Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

 

Để thực hiện các nhiệm vụ của Chiến lược tăng trưởng xanh, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020. Liên quan đến lĩnh vực tài chính - NSNN, Bộ Tài chính được giao chủ trì triển khai 2/66 hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020, bao gồm: (i) Hình thành khung chính sách tài chính tăng trưởng xanh (Hành động số 3); (ii) Chi tiêu công theo tiêu chuẩn xanh (Hành động số 64).

 

Chính sách tài chính hỗ trợ tăng trưởng xanh ở Việt Nam

 

Các chính sách thuế, phí từng bước được hoàn thiện theo hướng chú trọng khuyến khích đầu tư, sản xuất theo công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và hỗ trợ cho việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia

 

Chính sách thuế, phí bảo vệ môi trường đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội và tạo nguồn thu để giải quyết vấn đề môi trường. 

 

Luật Thuế bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012. Đối tượng chịu thuế gồm: (1) Xăng, dầu, mỡ nhờn; (2) Than đá; (3) Dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC); (4) Túi ni lông; (5) Thuốc diệt cỏ; (6) Thuốc trừ mối; (7) Thuốc bảo quản lâm sản; (8) Thuốc khử trùng kho. Áp dụng mức thuế từ 300 đồng - 3.000 đồng/lít đối với dầu các loại và xăng; 10.000 đồng/tấn đối với than đá, than nâu, than mỡ; 40.000 đồng/kg đối với túi ni lông.

 

Chính sách thuế tài nguyên đã trở thành công cụ quan trọng để cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác quản lý, giám sát quá trình hoạt động khai thác tài nguyên theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên; góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tài nguyên đối với phát triển kinh tế bền vững. Chính sách thuế tài nguyên được áp dụng theo Luật Thuế tài nguyên số 45/2009/QH12 ngày 25/11/2009 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2010). Nhìn chung, quy định về mức thuế suất đã đảm bảo nguyên tắc “tài nguyên không có khả năng tái tạo” thì áp dụng mức thuế suất cao, “tài nguyên có khả năng tái tạo” thì áp dụng mức thuế suất thấp.

 

Các chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng từng bước được hoàn thiện theo hướng chú trọng khuyến khích đầu tư, sản xuất theo công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng và hỗ trợ cho việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia.

 

Theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, từ ngày 01/01/2014, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông là 22% (20% từ ngày 01/01/2016).  Ngoài ra, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp có sự hỗ trợ đối với tăng trưởng xanh: (i) Áp dụng thuế suất 10% đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường; thu nhập của doanh nghiệp từ trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; (ii) Áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới; sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; phát triển công nghệ sinh học; bảo vệ môi trường. Đồng thời, doanh nghiệp được miễn thuế tối đa 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp tối đa 9 năm tiếp theo; (iii) Áp dụng thuế suất 20% trong 10 năm (kể từ 01/01/2015 chuyển sang áp dụng thuế suất 17%), miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 12 năm, giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng.

 

Chính sách chi NSNN được chú trọng theo hướng ưu tiên các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) liên quan đến bảo vệ môi trường

 

Chính sách chi NSNN chủ yếu tập trung vào: (i) Chi NSNN cho sự nghiệp môi trường, bao gồm chi ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; (ii) Chi NSNN cho các chương trình MTQG liên quan đến bảo vệ môi trường.

 

Đối với chi NSNN cho sự nghiệp môi trường: Hàng năm, NSNN bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường không thấp hơn 1% tổng chi cân đối của NSNN trong dự toán ngân sách. Trong đó, chủ yếu tập trung vào: Hỗ trợ các nhiệm vụ bảo vệ môi trường theo dự án; thực hiện phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường quốc gia; xây dựng và ban hành tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường; xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ môi trường...

 

Chính sách tín dụng xanh được đẩy mạnh thông qua các kênh cho vay hỗ trợ lãi suất đối với hoạt động dự án bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch (tín dụng đầu tư nhà nước, tín dụng xanh, các chương trình cho vay ưu đãi)

 

Tín dụng ưu đãi qua Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam: Thời hạn cho vay và mức lãi suất tối đa không quá 10 năm 50% mức lãi suất cho vay thương mại (năm 2015, mức lãi suất cho vay là 3,6%/năm).

 

Chính sách ưu đãi tín dụng, hỗ trợ về vốn, đất đai đối với các tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ môi trường theo Quyết định số 249/QĐ-TTg ngày 10/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển dịch vụ môi trường đến năm 2020.

 

Chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước thực hiện cho vay ưu đãi đối với các dự án năng lượng sạch, có khả năng tái tạo theo Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ và chính sách ưu đãi đối với các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả theo Nghị định số 54/2015/NĐ-CP ngày 08/6/2015 của Chính phủ.

 

Các hoạt động tín dụng xanh hướng vào các dự án tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch thông qua Quỹ ủy thác tín dụng xanh (GCTF) và tín dụng của các ngân hàng thương mại.

 

Nhìn chung, chính sách tài chính hỗ trợ tăng trưởng xanh ở Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trong quá trình thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia. Các chính sách thuế đã góp phần quan trọng trong việc định hướng, khuyến khích tổ chức, cá nhân cân nhắc trong việc lựa chọn phương án đầu tư, công nghệ, thiết bị thân thiện với môi trường, đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường.

 

 

Định hướng giải pháp

 

 Một là, tăng cường triển khai các chính sách, đặc biệt về thuế và tín dụng để tái cơ cấu nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng khuyến khích đổi mới, cải tiến, nâng cấp công nghệ, đa dạng hóa ngành nghề, phát triển các ngành có giá trị gia tăng cao và tiêu hao năng lượng thấp.

 

Hai là, phát huy hiệu quả Luật Thuế bảo vệ môi trường, hướng đến việc bảo đảm nguyên tắc bảo vệ môi trường để phát triển bền vững  đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

Ba là, ngoài các chính sách tài chính, cần có cơ chế khuyến khích hỗ trợ các ngành sản xuất kinh - doanh sử dụng công nghệ và năng lượng sạch thông qua các kênh khác như văn bản pháp lý, thủ tục, cơ chế đầu tư thuận lợi.

 

 Bốn là, đa dạng hóa nguồn lực, tăng cường hợp tác công tư nhằm hỗ trợ tốt hơn cho tăng trưởng xanh.

 

Năm là, nâng cao nhận thức, thực hiện các biện pháp hành chính, các công cụ kinh tế thúc đẩy lối sống, sinh hoạt và tiêu dùng thân thiện với môi trường.

 

Theo MOF

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt