Sáng ngày 29/9, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, PGS. TS. Nguyễn Hoài Châu, Nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường và Phó Cục trường Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường Hồ Kiên Trung đồng chủ trì Hội thảo chuyên đề ứng dụng tiến bộ khoa học và phát triển công nghệ trong cải tạo, phục hồi và xử lý ô nhiễm môi trường.
Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ Hội thảo Khoa học và Công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, là một trong chuỗi các sự kiện của Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV.
Tham dự hội thảo có hơn 100 đại biểu là các nhà khoa học, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và các Bộ ngành liên quan; đại diện các Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Công thương và các Sở khác liên quan; các Viện nghiên cứu, trường Đại học; các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế có hoạt động liên quan đến công nghệ môi trường.
Mục tiêu của hội thảo nhằm đánh giá thực trạng áp dụng và triển khai các tiến bộ khoa học và ứng dụng công nghệ trong công tác BVMT và bảo tồn đa dạng sinh học, giai đoạn 2010 - 2015. Đồng thời, đề xuất và định hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ BVMT và bảo tồn đa dạng sinh học trong giai đoạn 2016 - 2020.
Tại hội thảo, 09 báo cáo tham luận trình bày đã đưa ra bức tranh tổng quan về công nghệ môi trường đang được áp dụng tại Việt Nam, bao gồm các công nghệ xử lý chất thải rắn bao gồm chất thải sinh hoạt, chất thải rắn nguy hại, nước thải, khí thải, xử lý cải tạo và phục hồi đất bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu,...
Trong thời gian qua, các ứng dụng khoa học, công nghệ trong xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải tạo môi trường đã tạo cơ sở vững chắc trong việc xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật, hoàn thiện cơ chế chính sách, góp phần tạo thị trường công nghệ trong xử lý ô nhiễm, cải tạo và phục hồi môi trường, giảm chi phí cho các doanh nghiệp trong áp dụng những công nghệ được sản xuất trong nước, giúp các nhà khoa học, các doanh nghiệp có thể tiếp cận các công nghệ tiên tiến trên thế giới trong xử lý ô nhiễm, cải tạo và phục hồi môi trường.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng về cơ chế chính sách còn hạn chế, chưa tạo hành lang pháp lý và môi trường để khuyến khích phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ môi trường và sản phẩm thân thiện với môi trường, chưa đầu tư cho tăng trưởng xanh, phát triển ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, chưa có đầy đủ hệ thống quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, định mức kinh tế, kỹ thuật để đánh giá công nghệ.
Nhiều loại hình và trình độ công nghệ chưa đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu quy định trong xử lý chất thải công nghiệp, hóa chất nguy hại, bao bì thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu, chất thải y tế, chất thải nguy hai, các công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường chưa tận dụng và thu hồi nguồn năng lượng từ quá trình xử lý ô nhiễm môi trường,...
Hội thảo đã nghe những trao đôi thẳng thắn, sôi nổi về những kiến nghị, giải pháp nhằm kế thừa và đẩy mạnh ngành công nghiệp môi trường, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nói chung và cải tạo, phục hồi và xử lý ô nhiễm môi trường.
Theo PGS.TS. Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng, Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường (IESE), Trường Đại học Xây dựng, hiện nay đã có 30 hệ thống thoát nước và xử lý nước thải (XLNT) tập trung được đưa vào khai thác, đưa tỷ lệ lượng nước thải được xử lý tăng lên từ dưới 10% năm 2005 lên 22% năm 2015. Trên 30 dự án thoát nước và XLNT khác đang được triển khai ở các đô thị. Tổng kinh phí đầu tư cho thoát nước và XLNT đô thị trung bình 228 triệu USD/năm. Tuy nhiên, do quá trình phát triển đô thị hóa quá nhanh và điều kiện kinh tế khó khăn, năng lực của hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị nói chung và hệ thống cấp thoát nước đô thị nói chung còn nhiều bất cập.
Tại hội thảo, Ông Phạm Sinh Thành, ThS. Công nghệ môi trường cho biết năng lực ngành công nghiệp môi trường đến nay mới đáp ứng được 2-3% nhu cầu xử lý nước thải đô thị, 15% nhu cầu xử lý chất thải rắn, khoảng 14% nhu cầu xử lý chất thải nguy hại; nhiều lĩnh vực như tái chế dầu thải, nhựa phế liệu, chất thải điện, điện tử chưa phát triển.
Việt Nam cần có mã ngành kinh tế và danh mục mã sản phẩm của ngành công nghiệp môi trường Việt Nam để nhận dạng sản phẩm, thiết bị, làm căn cứ để quy định các chính sách thuế xuất nhập khẩu đối với hàng hóa là sản phẩm và thiết bị của ngành này. Đây cũng là cơ sở để các Bộ, ngành xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng đối với các thiết bị, sản phẩm của ngành công nghiệp môi trường, làm chuẩn mực cho các đánh giá, so sánh trong các hoạt động thẩm định, lựa chọn cũng như định giá thiết bị, sản phẩm của các dự án đầu tư phát triển công nghiệp môi trường, theo ThS Thành.
Để thúc đẩy nghiên cứu khoa học công nghệ nói chung và phát triển công nghệ môi trường nói riêng, các đại biều đều thống nhất cẩn chú trọng các giải pháp như đảm bảo nguồn lực hiệu quả trong hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học về các công nghệ để xử lý, tái chế từ chất thải đặc thù, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, tăng cường áp dụng các công nghệ trong tái chế, tái sử dụng nước thải và bùn cặn trong nông nghiệp, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách, hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở khoa học cho công nghệ xử lý chất thải, xây dựng cơ chế xác định giá dịch vụ phù hợp để tạo cơ hội cho các hợp đồng nhượng quyện vận hành, khai thác công trình xử lý trở nên hấp dẫn hơn qua đó thúc đẩy xã hội hóa các hoạt động dịch vụ xử lý ô nhiễm môi trường,...
Theo VEA