Sáng 07/9, tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường đã diễn ra Hội thảo Việt Nam – Hàn Quốc về xử lý dioxin phục vụ phát triển bền vững.
Tham dự hội thảo có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Mai Thanh Dung, lãnh đạo Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cùng các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam, Hàn Quốc và đại diện của một số tổ chức, doanh nghiệp Hàn Quốc.
Tại hội thảo, các chuyên gia Hàn Quốc đã được giới thiệu về hiện trạng mức độ phơi nhiễm cũng như quá trình xử lý dioxin tại Việt Nam. Theo đó, qua kết quả nghiên cứu tại một số vùng được coi là bị ảnh hưởng nặng nề cho thấy, sau hơn hơn 40 năm, nhìn chung, tồn lưu dioxin trên lớp đất bề mặt từ 0-10 cm, từ 0-20 cm, hay từ 0-30 cm đều dưới 27ppt.
Hiện trạng tồn lưu dioxin trong môi trường tại vùng phun rải của Cam Lộ, Gio Linh (Quảng Trị); A Lưới, Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế); Sa Thầy ( Kon Tum); Tân Biên, Trảng Bàng (Tây Ninh); Phước Long (Bình Phước); Tân Uyên (Bình Dương); Biên Hoà… đa số đều dưới mức 27 ppt, cơ bản đã về ngưỡng an toàn theo TCVN 8183:2009.
Việt Nam hiện có 3 điểm nóng về mức độ ô nhiễm dioxin là sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), sân bay Phù Cát (Bình Định) và sân bay Đà Nẵng đều đã được xử lý và đã đạt được những thành công nhất định. Trong các nước ASEAN, Việt Nam là nước có số lượng các công trình nghiên cứu, ứng dụng trong xử lý dioxin nhiều nhất. Bên cạnh đó, việc xử lý ô nhiễm dioxin cũng đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam và tới nay đã có một số cơ sở nghiên cứu khoa học được hình thành …
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Mai Thanh Dung cho biết Việt Nam đang nỗ lực giải quyết, khắc phục hậu quả do dioxin và rất cần sự hỗ trợ của các nước, sự tham gia của các chuyên gia, tổ chức, doanh nghiệp Hàn Quốc trong vấn đề này.
Trao đổi tại hội thảo, các chuyên gia Việt Nam cũng cho rằng việc xử lý dioxin của Việt Nam và Hàn Quốc cũng có sự khác biệt nhất định, do đó, phía Hàn Quốc cần lưu ý và lựa chọn những công nghệ tối ưu, phù hợp với điều kiện Việt Nam để đạt hiệu quả cao nhất trong xử lý ô nhiễm; các chính sách được đưa ra phải mang tính lâu dài, không chỉ nghiên cứu ảnh hưởng tới môi trường của dioxin mà còn cần phải đưa ra những phương án phục hồi, cải tạo đất và cuộc sống con người tại các vùng bị ô nhiễm.
Theo VEA