Tính từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2005 ra đời, công tác quản lý chất thải nguy hại (CTNH) nói chung và chất thải điện tử (CTĐT) nói riêng đã đạt được các thành tựu rất đáng ghi nhận. Hầu hết CTNH, CTĐT phát sinh từ các cơ sở sản xuất lớn đã được quản lý chặt chẽ từ khi phát sinh đến khi được xử lý cuối cùng; các chất thải này hầu hết được thu gom, xử lý bởi các cơ sở có chức năng và số lượng thu gom, xử lý được đều gia tăng hàng năm.
Công tác quản lý chất thải nguy hại đạt được các thành tựu rất đáng ghi nhận
Cụ thể, số lượng sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH được cấp trên toàn quốc lên tới gần 15 nghìn sổ và số cơ sở vận chuyển, xử lý CTNH được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép là 77 cơ sở và khoảng 130 cơ sở (chủ yếu là cơ sở vận chuyển CTNH) do các địa phương cấp phép. Các cơ sở này góp phần quan trọng trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý CTNH đạt các quy chuẩn về môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Một trong những nền tảng chính để đạt được thành tựu nêu trên là việc từng bước hoàn thiện hệ thống pháp lý về quản lý CTNH, trong đó có việc ban hành Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT ngày 14 tháng 4 năm 2011 quy định về quản lý CTNH và các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến xử lý CTNH. Ngoài ra, trong năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg ngày 09 tháng 8 năm 2013 quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ, qua đó bước đầu góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc thu hồi các sản phẩm thải bỏ.
Bên cạnh đó, công tác quản lý CTNH dần đi vào nề nếp, các vụ vi phạm về quản lý CTNH trong thời gian qua giảm cả về số lượng và quy mô do sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tổng cục Môi trường) và Bộ Công an (Tổng cục V, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường). Nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và của người dân về CTNH cũng ngày một tăng lên. Các cơ sở được cấp phép xử lý CTĐT có đủ năng lực để thu gom và xử lý đảm bảo các quy định về môi trường đối với nhiều loại CTĐT thông dụng.
Bên cạnh những kết quả đạt được còn các tồn tại, khó khăn
Việc quản lý hoạt động thu gom, xử lý CTĐT nói riêng và CTNH nói chung phát sinh từ các hộ gia đình hiện còn gặp khó khăn; CTNH chưa được phân loại riêng với chất thải sinh hoạt. Thời điểm thu hồi các sản phẩm thải bỏ theo Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg chỉ bắt đầu từ năm 2015 nên CTĐT và CTNH phát sinh trong thời gian qua từ nguồn thải sinh hoạt chưa được thu gom và xử lý hiệu quả. Vướng mắc, khó khăn của các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn hoạt động phá dỡ, tái chế CTĐT tại các cơ sở tái chế bất hợp pháp, trong đó có các làng nghề tái chế CTĐT. Nhận thức về công tác bảo vệ môi trường nói chung và quản lý CTNH nói riêng của một số đơn vị còn chưa phù hợp với yêu cầu hiện nay. Kinh phí và nguồn nhân lực có chuyên môn về quản lý CTNH hiện còn hạn chế và chỉ tập trung tại các tỉnh, thành phô lớn dân đến nhiều khó khăn trong vấn đề thực thi các quy định tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Việc thu gom, xử lý CTNH tại các khu vực vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn do việc đầu tư, xây dựng các cơ sở xử lý CTNH tại các khu vực này chưa có cơ chế ưu đãi phù hợp.
Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý CTNH và CTĐT
Để đẩy mạnh công tác quản lý CTNH và CTĐT, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thực hiện một số giải pháp như hoàn thiện văn bản pháp luật về quản lý CTNH (triển khai xây dựng các văn bản thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014); đào tạo tập huấn nâng cao nhận thức của các cán bộ quản lý môi trường và doanh nghiệp về quản lý CTNH; tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có hành vi vi phạm về quản lý chất thải và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất Phó Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép thành lập Văn phòng điều phối thực hiện Công ước Basel tại Việt Nam để tăng cường hoạt động kiểm soát việc vận chuyển xuyên biên giới CTNH (trong đó có việc nhập lậu CTĐT vào nội địa Việt Nam), đáp ứng yêu cầu thực thi hiệu quả Công ước Basel và quản lý chất thải.
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất Chính phủ giao cho Bộ thành lập Trung tâm vận hành hệ thống thông tin về quản lý CTNH do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) giúp đỡ xây dựng trong khuôn khổ dự án “Thiết lập hệ thống kê khai điện tử quản lý tổng hợp CTNH tại Việt Nam” để phục vụ công tác quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đăng ký cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH, lập báo cáo và kê khai chứng từ CTNH điện tử, góp phần nâng cao hoạt động kiểm soát chất thải từ khâu phát sinh cho đến tiêu hủy cuối cùng.
Ngoài ra, Bộ đề xuất giao các Bộ, ngành liên quan có chính sách khuyến khích các cơ sở tái chế chất thải tại các làng nghề chuyển đổi mô hình sản xuất (áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường) hoặc hỗ trợ vốn lắp đặt các thiết bị/hệ thống xử lý để đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.
Như vậy, trong thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, công tác quản lý CTNH tại Việt Nam đã được triển khai tương đối rộng rãi, đồng bộ và đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận. Những kết quả này rất đáng khích lệ và cũng là động lực để tiếp tục xây dựng và quản lý CTNH một cách hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Nguồn VEA