Logo
phone
Hotline: 02437327155
Sản xuất sạch hơn tại Hà Nội: Hiện thực hóa chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh
  04/10/2016
icon-zalo

 

Trước khi “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2050” được Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt ngày 25/9/2012, Việt Nam đã tiếp cận và có các hoạt động thúc đẩy tăng trưởng xanh khá sớm thông qua các chương trình, kế hoạch khác, như: Chiến lược sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp đến năm 2020”; “Chương trình mục tiêu Quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, với định hướng chính là nhằm phát thải các bon thấp; sản xuất xanh; tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu và năng lượng,... 

 

Dưới các mục tiêu đề ra tại cấp Trung ương, các tỉnh/thành phố trên cả nước đã ban hành và triển khai nhiều kế hoạch (KH) nhằm khuyến khích doanh nghiệp (DN) nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, tăng cường đầu tư và sử dụng những thiết bị sản xuất ít hao tốn năng lượng, nhiên liệu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, nâng cao tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả, kiểm soát chất thải và tiến tới giảm phát thải khí nhà kính trong hoạt động sản xuất công nghiệp.

 

Chuyển đổi nung gốm thủ công chuyển sang hệ thống lò nung gas hiện đại. Ảnh: MH

 

Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong triển khai các kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược SXSH. UBND thành phố đã ban hành và triển khai các KH hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn thành phố như: KH hành động sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, KH Hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Công thương; KH thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố Hà Nội … Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng Hà Nội (EEC) là đơn vị triển khai nhiều KH trên đã tổng hợp và đánh giá KH hành động sản xuất sạch hơn trên địa bàn thành phố từ năm 2009 đến nay, đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực góp phần hoàn thành mục tiêu “100% cơ sở sản xuất kinh doanh mới áp dụng công nghệ thân thiện môi trường hoặc trang bị các thiết bị xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; trên 80% cơ sở sản xuất, kinh doanh hiện có đạt tiêu chuẩn môi trường; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất và các cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng” được đề ra trong KH triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của thành phố Hà Nội.

 

Từ hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn đánh giá và tìm kiếm các cơ hội SXSH, EEC đã đề xuất các giải pháp sát với thực tế của doanh nghiệp nhằm tiết kiệm được 5 - 8% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên nhiên liệu trên mỗi đơn vị sản phẩm góp phần giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, đồng thời giảm chất thải và khí thải CO2 ra môi trường. Các giải pháp được tư vấn chủ yếu đi sâu vào đổi với công nghệ, thiết bị sản xuất hay kiểm soát tốt quá trình sản xuất. Song song với đó, EEC hỗ trợ kinh phí xây dựng các mô hình điển hình. Cụ thể, từ năm 2012 đến nay, Hà Nội đã hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn đánh giá và tìm kiếm các cơ hội SXSH cho hơn 46 cơ sở sản xuất tại thuộc Khu công nghiệp Quang Minh, Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Từ Liêm, các làng nghề truyền thống… đã có trên 230 giải pháp quản lý và kỹ thuật được đề xuất. Điển hình dưới sự hỗ trợ kinh phí và tư vấn kỹ thuật SXSH, cơ sở sản xuất Đào Việt Bình tại làng nghề gốm Kim Lan đã thay đổi công ghệ nung gốm từ lò thủ công truyền thống sang hệ thống lò lung gas hiện đại. Giải pháp này đã mang lại hiệu quả cao giảm tỷ lệ sản phẩm hỏng xuống còn 2 - 5% trong khi trước kia, với lò thủ công, con số này khá cao khoảng 20%, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, môi trường làm việc của công nhân đã được cải thiện do giảm lượng khí CO2 phát thải ra môi trường.

 

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền đã giúp nhiều doanh nghiệp tại Hà Nội chủ động tìm hiểu áp dụng các giải pháp SXSH, từng bước đổi mới phương thức quản lý đầu tư cải tiến công nghệ, sử dụng nguyên liệu thay thế hiệu quả, phát sinh ít chất thải, giảm tiêu hao năng lượng. Qua đó, nâng cao hiệu quả sản xuất và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ví dụ như Công ty CP Dệt CN Hà Nội chi gần 8 tỷ tiền điện và 5 tỷ đồng than cho việc chạy lò hơi để phục vụ sản xuất tại xí nghiệp vải màn và xí nghiệp vải không dệt. Nhận thấy lượng tiêu thụ năng lượng rất lớn, chiếm đến 5% giá thành sản xuất, ban lãnh đạo công ty bắt đầu chú trọng tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả. Công ty đã phối hợp với các chuyên gia kiểm toán thực hiện các giải pháp khai thác tối đa tiềm năng tiết kiệm năng lượng như: Bố trí lại lao động, làm việc theo ca, tránh sử dụng nhiều điện giờ cao điểm... Việc bảo dưỡng thiết bị được quản lý theo tiêu chuẩn ISO 50001:2005, xây dựng cơ chế quản lý năng lượng dựa trên định mức tiêu thụ.

 

Từ đó, tổng giá trị tiết kiệm ước đạt hơn 33 triệu đồng/năm. Sau 2 tháng chạy thử nghiệm các giải pháp quản lý nội vi nhận thấy, đạt hiệu quả, Ban lãnh đạo Công ty cho biết, sẽ nghiên cứu đầu tư các giải pháp tốn chi phí như lắp biến tần cho 3 động cơ quạt cấp nhiệt còn lại, lắp biến tần cho các bơm có công suất lớn, thay dần đèn T8 thành T5 để đảm bảo tối ưu hóa hiệu suất hoạt động của thiết bị và hiệu quả sử dụng năng lượng.

 

Kế hoạch hành động SXSH trong công nghiệp đã đem lại hiệu quả thiết thực cho mục tiêu Tăng trưởng xanh của thành phố, giúp doanh nghiệp tiếp cận với xu hướng tăng trưởng xanh. Tuy vậy, để tạo ra động lực tăng trưởng mới thông qua nghiên cứu, phát triển công nghệ xanh, tạo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, còn nhiều việc phải làm.

 

Nguyên Hương

Theo BáoTN&MT

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt