ENTECH VIETNAM 2018: Những sản phẩm xanh tiếp tục ra mắt người tiêu dùng; Hơn 2.000 VĐV tham dự đường chạy bảo vệ môi trường; Viên nang graphene sẽ bón phân cho cây theo giờ; Dân Australia sắp phải sử dụng nước tái chế; Giáo sư Nhật Bản phát triển cao su có thể tạo và trữ điện; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong ngày.
ENTECH VIETNAM 2018: Những sản phẩm xanh tiếp tục ra mắt người tiêu dùng
Từ 09-11/5/2018, Triển lãm quốc tế về công nghệ môi trường và Năng lượng (ENTECH VIETNAM) diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn – SECC. Hàng nghìn sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ tiếp tục được các doanh nghiệp giới thiệu đến người tiêu dùng trong nước cũng như quốc tế tại Triển lãm ENTECH VIETNAM lần này. Các sản phẩm dịch vụ sẽ tham gia trưng bày tại triển lãm bao gồm: Xử lý chất thải, nước thải công nghiệp; Xử lý khí thải và bụi công nghiệp; Xử lý mùi và tiếng ồn trong các nhà máy, xí nghiệp; xử lý bùn thải; Đặc biệt là xử lý rác thải, nước thải y tế; Xử lý nước thải khu mỏ khai thác khoáng sản; Xử lý tro xỉ nhiệt điện.
Khai thác và bảo vệ nguồn nước ngầm trong sinh hoạt; Xử lý ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Các lĩnh vực khác: Quan trắc, phân tích môi trường; Tư vấn môi trường và chuyển giao công nghệ; Công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường; Các thiết bị cảnh báo nguy cơ ô nhiễm môi trường. Năng lượng tái tạo, năng lượng mới: Các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng điện gió, hệ thống phát điện bằng biomass, nhiên liệu sạch... Sản phẩm sinh thái (Eco-products): Sản phẩm được làm từ nguồn nguyên liệu sạch, nguyên liệu tái chế; dịch vụ có tính năng thân thiện với môi trường; v.v…
Hơn 2.000 VĐV tham dự đường chạy bảo vệ môi trường
Hơn 2.000 VĐV đã hào hứng tham dự Giải Siêu Marathon Quốc tế Dalat Ultra Trail lần thứ II năm 2018, diễn ra từ ngày 18 đến 19-3 tại TP hoa Đà Lạt - Lâm Đồng. Giải Siêu Marathon Quốc tế Dalat Ultra Trail lần thứ II năm 2018 là sự kiện du lịch thể thao quốc tế do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, Liên đoàn Xe đạp Mô tô thể thao Việt Nam phối hợp cùng Công ty sự kiện Vietnam MTB Series và Công ty 123Go triển khai tổ chức. Giải đua nhằm tăng cường tình đoàn kết và giới thiệu cảnh quan, cũng là điều kiện để các VĐV khám phá cung đường Đà Lạt, là sân chơi để các VĐV nâng cao tinh thần thể thao. Đồng thời giải cũng mang thông điệp kêu gọi ý thức bảo vệ thiên nhiên môi trường Đà Lạt.
Cụ thể lần này, cự ly 70km có 168 VĐV, cự ly 42km có 530 VĐV, cự ly 21km có 954 VĐV và cự ly 10km có 665 VĐV tham gia. Lộ trình thi đấu của giải đã đưa các VĐV đi qua những địa danh nổi bật tại Đà Lạt: quảng trường Lâm Viên, thung lũng Vàng, thung lũng Tình yêu, núi Langbian, Vườn quốc gia Bidoup... Giải nhất cự ly 70 km nam thuộc về Trần Duy Quang (29 tuổi, đến từ Đà Nẵng) với thành tích về đích trong 7h32’38". Anh Quang cho biết: "Tôi đã tập luyện bền bỉ với tinh thần thoải mái để chuẩn bị cho giải đấu. Đường chạy này nhiều thử thách vì địa hình đồi núi, sình lầy. Tôi rất vui vì đã vượt qua thử thách". Giải nhất cự ly 70 km nữ thuộc về Dekkers Marieke với thời gian chạy 10h01’03".
Viên nang graphene sẽ bón phân cho cây theo giờ
Theo ấn phẩm khoa học Applied Materials and Interfaces, các nhà khoa học Úc ở Đại học tổng hợp Adelaide đã phát triển một loại phân bón công nghệ cao với các viên nang bằng graphene. Loại phân bón công nghệ cao này sẽ cho phép các chất dinh dưỡng được giải phóng vào một thời điểm nhất định sau khi viên nang được vùi vào trong lòng đất. Thành tựu này của các nhà khoa học sẽ làm tăng lượng chất dinh dưỡng với cùng lượng phân bón và việc chăm sóc cho cây trồng sẽ mất ít thời gian hơn.
Trong những năm gần đây, graphene đang được ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực, từ phát triển vũ khí đến sản xuất bao cao su. Các nhà khoa học Úc, đã cố gắng chuyển nó thành phân bón và như kết quả kiểm tra cho thấy, họ đã thành công. Dự án rất hứa hẹn với việc The Mosaic Company đã bắt đầu quá trình đăng ký bản quyền. Công nghệ giải quyết các vấn đề chính của các nhà sản xuất phân bón hiện đại. Viên nang bằng graphene rất bền và có diện tích bề mặt rất lớn. Một cấu trúc phức tạp của các ống nano cho phép "cấy" nhiều phân tử của các chất hoạt tính vào cùng một thể tích. Do đó, viên nang có thể chứa được nhiều nguyên tố vi lượng thiết yếu hơn các hạt có cùng kích thước bằng các vật liệu khác và mang nguyên vẹn chúng đến rễ cây trồng.
Dân Australia sắp phải sử dụng nước tái chế
Chuyên gia Adam Lovell, Giám đốc điều hành Hiệp hội cung cấp nước của Australia, cho biết, một lượng cư dân tương đương thủ đô Canberra phải phụ thuộc vào nguồn nước tái chế trong thập kỷ tới. Theo các dự báo vừa được công bố, với tỷ lệ phát triển như hiện nay, dân số Australia sẽ vượt ngưỡng 40 triệu người trong vòng 40 năm tới, trong đó Melbourne sẽ vượt Sydney trở thành thành phố lớn nhất của Australia.
Đập Warragamba, nơi cung cấp nước cho thành phố Syney, hiện có khả năng dự trữ lượng nước cho thành phố này trong vòng 4 năm. Tuy nhiên, khi dân số tăng gấp đôi trong 50 năm tới, lượng nước chứa trong đập chỉ đủ cung cấp trong vòng 2 năm, thậm chí còn phụ thuộc vào lượng mưa cao mới có thể duy trì lượng nước trong đập. Theo ông Adam Lovell, các nhà máy khử muối ngày càng lỗi thời và không đủ để đáp ứng do một lượng lớn dân số gia tăng tại các thành phố duyên hải, việc vận chuyển nước tới những khu vực này quá đắt đỏ và không hiệu quả. Giải pháp sử dụng nước tái chế được xem là khả thi nhất.
Giáo sư Nhật Bản phát triển cao su có thể tạo và trữ điện
Kunio Shimada, giáo sư chuyên về cơ học thủy khí và kỹ thuật năng lượng của đại học Fukushima (Nhật Bản), đã phát triển được một loại cao su có thể tạo ra điện từ năng lượng mặt trời và động năng, rồi sau đó dự trữ chúng. Vị giáo sư 53 tuổi này khẳng định đây là loại cao su có tính năng như vậy đầu tiên trên thế giới. Ông đang cố gắng đăng ký bằng sáng chế với phát minh này tại Nhật Bản. Cao su tạo và trữ được điện này có thể được dùng làm da nhân tạo cho người máy, hoặc những tấm pin mặt trời chống sốc. Shimada đã có thời gian nghiên cứu lâu năm về chất liệu cao su dẫn điện (conductive rubber).
Năm 2001, ông đã phát triển Hợp chất chất lỏng có từ tính (Magnetic Compound Fluid), một chất lỏng có chứa nam châm nóng chảy. Và trong lần này, ông pha với cao su tự nhiên để biến hợp chất này từ dạng lỏng thành cao su đặc, phương pháp thông thường là làm nóng nó bằng cách trộn lưu huỳnh vào, nhưng Shimada lại quyết định tiến hành truyền điện. Như vậy, Shimada đã tạo ra được loại vật liệu cao su có khả năng dẫn điện cực cao. Không những vậy, trong khi pin năng lượng mặt trời hiện tại rất cứng và dễ vỡ khi có lực tác động, cao su dẫn điện khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, những cú sốc hay rung lắc có thể giãn nở, co lại và tạo ra điện từ những tác động này.
Theo moitruong