Từ nông thôn đến các vùng biển trên cả nước, tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải của người dân và doanh nghiệp ngày càng đáng báo động...
Theo báo cáo mới nhất của Sở Tài Nguyên và Môi trưởng tỉnh Thanh Hóa, hiện địa phương này mới thu gom được khoảng 60% lượng rác thải sinh hoạt.
Chiều chiều ra biển…
Do không có nhà máy xử lý, phân loại rác nên hầu hết các huyện, thị xã tại Thanh Hóa đều sử dụng phương pháp xử lý thủ công là chôn lấp. Thậm chí, người dân còn vứt rác tràn lan ra kêch rạch, sông suối, bờ biển khiến môi trường ngày càng ô nhiễm.
Rác thải tràn ngập cảng Lạch Bạng, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa Ảnh: THANH TUẤN
Cảng cá Lạch Bạng (thuộc địa bàn 2 xã Hải Thanh và Hải Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) được biết đến là cảng cá lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ, nơi trung chuyển các loại thủy sản của ngư dân và thương lái trong vùng. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, cảng cá này bị “bức tử” bởi tình trạng ô nhiễm môi trường do chính rác thải sinh hoạt của người dân địa phương và một số nhà máy chế biển thủy sản gây ra.
Khu bãi rác tạm cho 5 xã cù lao của huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp đã quá tải
Ảnh: THỐT NỐT
Có mặt tại cảng cá trong những ngày nắng nóng, chúng tôi ghi nhận mùi hôi thối bốc lên nồng nặc từ những đống rác được đổ tràn lan xuống chân đê, gồm: rác thải sinh hoạt, xác hải sản, túi ni-lông… Chỉ cần đi dọc tuyến đê trong khu vực cảng cá địa phận xã Hải Thanh, có thể dễ dàng bắt gặp những đống rác lớn đã bốc mùi nồng nặc, tạo một bầu không khí ngột ngạt trong khu vực mà bao nhiêu năm qua, người dân đành phải sống chung với nó.
Bà Vũ Minh Tốt - ngụ thôn Thanh Xuyên, xã Hải Thanh - cho biết tình trạng ô nhiễm môi trường ở cảng cá đã xảy ra gần chục năm qua, do một số nhà máy chế biến cá xung quanh ngày đêm xả thải ra môi trường và người dân vô tư đem rác vứt xuống biển. “Đã có nhiều đoàn chức năng về kiểm tra, chúng tôi cũng phản ánh với chính quyền địa phương nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không có gì cải thiện” - bà than thở.
Tháng 1-2015, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra mức độ ô nhiễm môi trường tại cảng cá Lạch Bạng và kết luận trong khu vực cảng và phía đê sông Bạng còn tồn đọng lượng rác thải tương đối lớn chưa được xử lý triệt để. Theo ông Đinh Tiến Hưng, Giám đốc cảng cá Lạch Bạng, nơi đây có đội vệ sinh chuyên thu gom, xử lý rác thải nhưng do là đơn vị sự nghiệp nên nếu chưa bảo đảm thì phải từ từ khắc phục.
Ngoài cảng cá Lạch Bạng, một số huyện của tỉnh Thanh Hóa như Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương…, rác thải cũng được người dân vô tư vứt tràn lan ra bờ biển. Đơn cử như xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc; xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương… Tại xã Ngư Lộc, người dân cứ chiều chiều mang rác ra biển khiến nơi đây hình thành những “núi” rác.
“Tấn công” nông thôn
Mặc dù đã được công nhận là xã nông thôn mới (NTM) nhưng xã Tân Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp vẫn chưa có nơi chứa rác đạt yêu cầu về vệ sinh môi trường.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện 5 xã cù lao của huyện Thanh Bình chỉ có một nơi tập kết rác tạm tại khu đất của người dân ở xã Tân Huề. Tuy nhiên, do không chịu nỗi mùi hôi của các loại rác thải nên thời gian gần đây, chủ đất đã ra ngăn cản, không cho đổ nữa. Trước tình trạng này, hàng ngàn hộ dân phải đưa rác vào bao rồi mang ra đặt trước nhà hoặc ném xuống sông. Những người làm nhiệm vụ thu gom rác của các xã bị vạ lây vì không đi thu gom thì bị dân chửi, còn thu về rồi cũng chẳng biết đổ ở đâu!
Điều đáng nói là xã Tân Bình vừa được UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận là xã NTM. Cách nay không lâu, UBND xã này tận dụng hố sâu cặp mé sông Tiền để làm nơi chứa rác. Chỉ vài ngày sau, mùi hôi từ hố rác này bốc lên nồng nặc nên thu hút lượng ruồi, muỗi kéo về đây mỗi lúc một thêm đông đúc, người dân phải giăng mùng mới có thể ăn cơm.
Bà Nguyễn Thị Thoại, một người dân sống gần khu vực này, cho biết từ khi có hố rác, hàng chục hộ dân gần như muốn chết ngạt bởi mùi hôi thối. Nhiều người không chịu nổi nên kéo đến UBND xã để phản đối, cũng có người gửi đơn đến các ngành chức năng ở huyện Thanh Bình nhờ can thiệp. “Sau đó, có nhiều cán bộ ở huyện đến kiểm tra rồi ra về chứ không nghe ai nói gì hết. Do chịu hết nổi nên tôi dùng tấm màn lớn che kín cả căn nhà lại nhưng ruồi, muỗi vẫn chui vào được. Ruồi, muỗi thì mình có thể tránh, còn mùi hôi thì chịu chứ biết làm sao”- bà Thoại nói.
Theo ông Nguyễn Văn Huấn, chủ nhân của bãi rác tạm ở xã Tân Huề, vào năm 2009, UBND xã có đến vận động gia đình ông để mượn tạm mảnh đất này làm chỗ tập kết rác cho các xã cù lao. Lãnh đạo xã hứa sẽ xử lý mùi hôi cũng như thực hiện chôn lấp theo đúng quy trình. Thế nhưng, từ đó đến nay, rác thì cứ đổ và mùi hôi thối mỗi ngày một nặng hơn mà chẳng thấy ai đến xử lý gì cả. “Với cái đà này, chắc tôi phải bán nhà đi nơi khác chứ ở đây thì làm sao mà chịu nổi. Mình không cho người ta đổ rác cũng thấy áy náy, còn nếu đồng ý thì không chỉ gia đình mà những người xung quanh đây làm sao sống được”- ông Huấn bức xúc.
Cùng nhau… xả thải
Khu Công nghiệp Tịnh Phong và Khu Kinh tế Dung Quất của tỉnh Quảng Ngãi đang rơi vào tình trạng báo động về rác thải, chất thải. Trên khắp các khu công nghiệp, khu kinh tế này, đi đâu cũng có rác thải, chất thải xả trực tiếp ra môi trường xung quanh… Tại các khu dân cư ở nông thôn, nhiều cơ sở sản xuất như các lò gạch, cơ sở chế biến nhựa, bao bì ni-lông nằm rãi rác… cũng là những nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cộng đồng.