Logo
phone
Hotline: 02437327155
Quyết tâm chính trị mạnh mẽ, hợp tác hiệu quả nhằm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Thỏa thuận Paris
  15/12/2015
icon-zalo

 

 

195 quốc gia vui mừng trước sự thành công của Thỏa thuận Paris- Thỏa thuận lịch sử toàn cầu về biến đổi khí hậu (Ảnh: Liberation)

 

Lần đầu tiên, toàn thế giới đã cùng cam kết cứu Trái đất - kết quả của hơn 20 năm thương lượng, kết thúc bằng 12 ngày đàm phán tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) ở Paris (Pháp). 195 quốc gia đã cam kết hạn chế mức tăng nhiệt độ của Trái đất ở mức dưới 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp và cố gắng giới hạn ở mức 1,5°C, nhằm ngăn chặn tình trạng ấm lên của Trái đất. Thỏa thuận Paris là một văn bản đúng đắn, bền vững, năng động, cân đối và mang tính ràng buộc về pháp lý đáp ứng sự mong đợi và hy vọng của hàng tỷ người nhiều năm qua.

 

Thỏa thuận Paris - Thỏa thuận lịch sử toàn cầu chống biến đổi khí hậu

 

Thỏa thuận Paris gồm 31 trang, 29 điều khoản và tập trung vào nhiều vấn đề lớn. Mục tiêu quan trọng của Thỏa thuận này giữ nhiệt độ của trái đất đến năm 2100 là không quá 2°C (đây là ngưỡng mà các nhà khoa học khuyến cáo nếu vượt qua thì sẽ gây biến đổi khí hậu và tác động rất lớn đối với con người và hệ sinh thái) so với thời điểm tiền công nghiệp (trước năm 1750) và khuyến nghị “quyết tâm đạt được mức 1,5°C”. Và đây cũng là lần đầu tiên, thế giới thống nhất là đặt mục tiêu đạt sự cân bằng giữa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và hấp thụ từ rừng hay biển vào giữa thế kỷ này. Để đạt được mục tiêu này, các chính phủ cam kết ngăn chặn sự gia tăng của lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính một cách “sớm nhất có thể”. Theo thỏa thuận, đến sau năm 2050, lượng khí thải do con người tạo ra phải được giảm xuống mức mà các khu rừng và đại dương có thể hấp thụ hoàn toàn.

 

Một bước đột phá tại Hội nghị COP 21 là sự công nhận khái niệm “công lý khí hậu”, có nghĩa là các nước giàu phải đóng góp tài chính nhiều hơn và giảm thải nhiều hơn các nước nghèo. 100 tỷ USD mỗi năm là mức mà các nước phát triển hỗ trợ cho các nước đang phát triển ở thời điểm năm 2020. Các quốc gia thành viên sẽ thường xuyên tham gia những cam kết mới và chặt chẽ hơn liên quan đến vấn đề chống biến đổi khí hậu. Theo đó, đến năm 2020, các nước thành viên sẽ cố gắng đạt được một thỏa thuận dài hạn liên quan đến vấn đề khí thải. Không những thế, tất cả các quốc gia thành viên còn phải thường xuyên báo cáo tình trạng khí thải tại nước mình. Và, các quốc gia phải cùng tham gia một kế hoạch và cộng đồng cùng hành động thích ứng, đối phó với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

 

Một điểm đáng chú ý của Thỏa thuận là cho phép các quốc gia tự do “trao đổi/nhượng lại” những thành quả ứng phó biến đổi khí hậu. Nói một cách đơn giản, đây là hình thức “giao dịch lượng khí thải”.

 

Ngoài ra, Thỏa thuận Paris còn đề ra cơ chế để mỗi nước tự nguyện rà soát, theo đó, từ năm 2023, cứ 5 năm/lần Liên hợp quốc sẽ tổ chức đánh giá hiệu quả tổng hợp về các nỗ lực chống biến đổi khí hậu của các nước. Việc đánh giá này sẽ giúp các nước có thêm thông tin để cập nhật và tăng cường các cam kết của họ.

 

Đây là kết quả của nỗ lực đàm phán kéo dài 2 thập kỷ của thế giới.

 

Thỏa thuận Paris này sẽ bắt đầu được ký vào ngày 22-4-2016 (Ngày Trái đất) và có hiệu lực khi nhận được chữ ký của 55 quốc gia chiếm ít nhất 55% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.

 

 Việt Nam chủ động hội nhập và tận dụng tốt các cơ hội hợp tác với các đối tác cùng thực hiện Thoả thuận Paris

 

Trả lời phỏng vấn báo chí, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Trưởng Ban công tác đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu cho biết: Thỏa thuận Paris sẽ có nhiều tác động tới các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Nguồn lực đó tập trung vào các vấn đề thích ứng, liên quan tới các lĩnh vực như trồng rừng, phát triển rừng. Nhiều cơ chế, quỹ khác để hỗ trợ về thiên tai, rủi ro thiên tai cũng được hình thành. Đây là việc Việt Nam cần chủ động để xác định các lộ trình, kế hoạch dự án cụ thể để phối hợp với các đối tác thực hiện.

 

Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, điều cần thiết để thực hiện Thỏa thuận này là thay đổi cơ bản về nhận thức, hành vi, đạo đức và lối sống phù hợp với yêu cầu về kỷ nguyên xã hội các bon thấp trong khi nguồn lực và khoa học công nghệ còn rất nhiều hạn chế, thể chế chính sách.

 

Việt Nam đã đặt ra mục tiêu bằng năng lực của chúng ta sẽ cắt giảm 8% tổng lượng hiệu ứng nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường đến năm 2030, đồng thời nếu có hỗ trợ quốc tế thì có thể cắt giảm tới 25%. Chúng ta cũng đưa ra kế hoạch cụ thể, nhu cầu về tài chính để thực hiện các hành động về thích ứng, phòng chống, giảm nhẹ hậu quả từ biến đổi khí hậu.

 

“Việt Nam cần khẩn trương để thực hiện các trình tự, thủ tục trong nước để phê duyệt cùng các nước Thoả thuận, đưa Thỏa thuận này có hiệu lực. Việt Nam cũng phải chủ động xây dựng lộ trình, kế hoạch và các giải pháp một cách bài bản, tổng thể để đạt được các mục tiêu đã cam kết. Đồng thời chủ động hội nhập và tận dụng tốt các cơ hội hợp tác với các đối tác thực hiện Thoả thuận lịch sử này và tạo ra một xã hội các bon thấp tốt nhất trong điều kiện của Việt Nam”- Thứ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

 

***

 

Trước việc ngày 12/12, Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đối khí hậu (COP 21) đã nhất trí thông qua Thoả thuận Paris, ngày 13/12, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh: "Việt Nam vui mừng và hoan nghênh việc Hội nghị lần thứ 21 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP21) đã nhất trí thông qua Thỏa thuận Paris vào tối 12/12 (giờ Pháp). Đây là bước mở đầu cho giai đoạn mới về ứng phó với biến đổi khí hậu, là bước tiến quan trọng trong nỗ lực chung nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất trong thế kỷ XXI.

 

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, từ nhiều năm qua, Việt Nam đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, chủ động đưa ra các cam kết trong lĩnh vực này; đồng thời tham gia tích cực và thực chất vào tiến trình đàm phán Thỏa thuận Paris, cùng với các nước nỗ lực vì mục tiêu chung đồng thời bảo vệ các lợi ích chính đáng của Việt Nam.

 

Việt Nam cho rằng cộng đồng quốc tế cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ, hợp tác hiệu quả nhằm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Thỏa thuận Paris, trong đó các nước phát triển cần đi đầu trong thực hiện cam kết về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, hỗ trợ và tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển để cùng nhau thực hiện thành công Thỏa thuận này".

 

Theo monre

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt