Trong xu thế phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, ngành môi trường đã và đang thực hiện sứ mệnh quan trọng nhằm góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục ô nhiễm, bảo vệ môi trường sống trong lành cho người dân, đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.
Những quyết sách mạnh mẽ
Nhấn mạnh vai trò của công tác bảo vệ môi trường, Hội nghị Trung ương 7 khóa XI xác định: “Đến năm 2020, về cơ bản Việt Nam chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời, có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm đảm bảo chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường”.
Đại hội XII của Đảng đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm tới. Đó là “Phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu; phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh. Phát triển kinh tế phải gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Mục tiêu tổng quát cho phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường trong thời gian tới là “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Từ mục tiêu đó, Đảng đặc biệt nhấn mạnh đến phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường biển. Đẩy nhanh điều tra cơ bản về tài nguyên môi trường biển, đảo. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc khai thác hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên biển.
Trước thực trạng môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống nhân dân, để bảo vệ môi trường hiệu quả, Đại hội XII chỉ rõ “Ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, xanh, thân thiện với môi trường, nhất là các đô thị lớn. Nâng cao chất lượng và quản lý tốt quy hoạch đô thị, bảo đảm phát triển bền vững, có chính sách xây dựng khu đô thị mới ven các đô thị lớn, khai thác hiệu quả hạ tầng và tiết kiệm đất”.
Cùng với đó, tăng cường quản lý Nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm; đồng thời, tăng cường thông tin truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân.
Trong hoạt động bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, công tác dự báo, cảnh báo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Do đó, Đại hội XII chỉ rõ phải “Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu. Đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, các lực lượng vũ trang; phát huy vai trò của cộng đồng, của doanh nghiệp và tăng cường hợp tác quốc tế, thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Nâng cao khả năng chống chịu; huy động nguồn lực đầu tư các công trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; phòng, chống ngập úng đô thị. Kịp thời di dời đồng bào ra khỏi khu vực bị sạt lở…
Có thể thấy, quan điểm, chủ trương của Đại hội XII về vấn đề bảo vệ môi trường có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn. Đây là sự kế thừa và phát triển quan điểm bảo vệ môi trường của Đảng qua các thời kỳ. Đảng luôn xác định và đánh giá đúng về tác động của môi trường đối với sự phát triển đất nước.
Không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế
Đây là một trong những mục tiêu được đề ra tại nhiệm kỳ Chính phủ lần này. Điều này đã và đang được người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hiện thực hóa bằng một loạt hành động, trong đó, có Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (PTBV).
Thủ tướng Chính phủ đề ra mục tiêu tổng quát cho PTBV Việt Nam đến năm 2030 là duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm mọi người dân được phát huy mọi tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; xây dựng xã hội Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, bao trùm, dân chủ, công bằng, văn minh và bền vững.
Bên cạnh mục tiêu tổng quát, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra 17 mục tiêu và 115 mục tiêu cụ thể đến năm 2030. Trong đó, có đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước; ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai; bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để PTBV; bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất.
Giai đoạn 2017 - 2020, có 7 nhiệm vụ chủ yếu cần thực hiện như: Hoàn thiện hệ thống thể chế PTBV; muộn nhất trong năm 2018 hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch hành động của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức; xây dựng các chương trình, đề án, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030; xây dựng và ban hành chỉ tiêu và lộ trình thực hiện các mục tiêu PTBV đến năm 2030; xây dựng bộ cơ sơ dữ liệu về các mục tiêu PTBV; thực hiện các hoạt động truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về các mục tiêu PTBV;…
Trong giai đoạn 2021 - 2030, triển khai toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch hành động để thực hiện thành công các mục tiêu PTBV của Việt Nam đến năm 2030; tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện các mục tiêu PTBV, tập trung nguồn lực nhằm giải quyết những vướng mắc, các lĩnh vực gặp khó khăn trong quá trình thực hiện Kế hoạch hành động; hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu các mục tiêu PTBV, cơ chế thu thập thông tin dữ liệu phục vụ giám sát, đánh giá các mục tiêu PTBV; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ để thực hiện các mục tiêu PTBV; chú trọng phát triển công nghệ môi trường, công nghệ sạch, công nghệ năng lượng mới…
Tôn dày hệ thống quản lý Nhà nước về BVMT
Điều dễ nhận thấy, những năm qua, tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường đã được thiết lập đồng bộ cả ở Trung ương, địa phương và từng bước được kiện toàn.
Năm 2002, Bộ TN&MT được thành lập. Năm 2008, Tổng cục Môi trường được thành lập, thuộc Bộ TN&MT. Ở các Bộ, ngành đã có các đơn vị trực thuộc chuyên trách công tác bảo vệ môi trường. Lực lượng phòng chống tội phạm môi trường đã được thành lập, góp phần ngăn ngừa, hạn chế hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Tại các địa phương, đã có Sở TN&MT ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng TN&MT ở các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và có cán bộ kiêm nhiệm quản lý môi trường ở xã, phường, thị trấn. Nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ban quản lý khu công nghiệp, doanh nghiệp lớn đã có phòng, ban, bộ phận hoặc bố trí cán bộ chuyên trách về môi trường.
Nguồn chi ngân sách Nhà nước cho sự nghiệp môi trường được cân đối đạt mức 1% tổng chi ngân sách hằng năm, tăng nhiều lần so với trước đây. Năm 2017, ngân sách sự nghiệp môi trường của cả nước là 13.880 tỷ đồng.
Việt Nam đã tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế, tham gia hơn 20 điều ước quốc tế về môi trường; đã có gần 40 chương trình, dự án lớn về bảo vệ môi trường được thực hiện với các đối tác trên cơ sở song phương và đa phương. Việt Nam cũng tham gia tích cực vào các diễn đàn thế giới và khu vực về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các hoạt động hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường trong khu vực châu Á, ASEAN, các nước tiểu vùng sông Mê Công mở rộng.
Tạo sức mạnh tổng thể của ba trụ cột
Muốn giải quyết tốt các vấn đề về môi trường, chỉ sức mạnh của Nhà nước thôi là chưa đủ mà phải dựa vào sức mạnh tổng thể của cả xã hội, đặc biệt là ba trụ cột chính: Nhà nước, thị trường và các tổ chức xã hội.
Để phát huy được sức mạnh tổng hợp của ba trụ cột này, nhiều vấn đề về pháp luật và biện pháp thực thi cần tiếp tục hoàn thiện như: Thay đổi cơ chế để cộng đồng dân cư và các tổ chức xã hội có thể giám sát việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của doanh nghiệp tốt hơn, có thể tiến hành khởi kiện buộc doanh nghiệp vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường các thiệt hại đã gây ra…
Theo các chuyên gia, ngành TN&MT từ Trung ương đến địa phương và các đơn vị hữu quan cần xây dựng được cơ sở dữ liệu về tình hình chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, công bố công khai cơ sở dữ liệu đó và có sự kết nối trong toàn quốc để nhân dân dễ dàng cập nhật, theo dõi và đánh giá.
Về phía cơ quan Nhà nước, đã tới lúc tính đến việc thực thi Luật Bảo vệ môi trường bằng những chương trình cụ thể, đi từ cơ sở, thay cho chỉ tiếp cận theo chiều từ trên xuống. Nói cách khác, cơ chế thực thi pháp luật bảo vệ môi trường nên dựa nhiều hơn vào sự cam kết tự nguyện của doanh nghiệp, với điều kiện các cam kết đó phải được công bố công khai để cơ quan Nhà nước, cộng đồng và công luận cùng giám sát.
Vẫn còn nhiều khoảng trống trong lĩnh vực pháp luật bảo vệ môi trường cần hoàn thiện, trong đó, chỉ các sáng kiến từ phía Nhà nước thôi là không đủ mà cần sự nỗ lực, hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp và sự thức tỉnh trong ý thức công dân của nhân dân. Hướng tới mô hình quản trị môi trường tốt, trong đó, lợi ích của các bộ phận nhân dân trong các quyết định có liên quan tới môi trường cần được tôn trọng và bảo đảm có lẽ là hướng đi đúng.
Theo monre