Trong khuôn khổ Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV, sáng ngày 29/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã diễn ra Hội thảo Quản lý nhà nước với chuyên đề “Phòng ngừa và giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường”.
Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đông đảo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường và các lĩnh vực khác có liên quan đến từ các Bộ, ban, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức chính trị/xã hội, doanh nghiệp, cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các báo cáo của các chuyên gia bao gồm: “Áp lực môi trường và phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do các hoạt động phát triển công nghiệp, khai thác khoáng sản ở Việt Nam” do PGS.TS Lê Trình, Viện Khoa học Môi trường và Phát triển trình bày; “Dự báo, phòng ngừa và giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm do hoạt động phát triển kinh tế tại khu vực nông thôn” do GS.TS.NGND Đặng Kim Chi trình bày; “Ô nhiễm do quá trình đô thị hóa và phát triển giao thông vận tải trong giai đoạn phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa” do Ông Đỗ Trần Hải, Viện nghiên cứu Khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động trình bày.
Theo các báo cáo, thời gian qua việc phát triển các KCN, CCN ở nước ta diễn ra khá nhanh, song lại chưa đi đôi với đầu tư cơ sở hạ tầng về môi trường. Nhiều KCN, CCN vừa thu hút đầu tư, vừa xây dựng cơ sở hạ tầng, không tuân thủ thiết kế ban đầu và không xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. Bên cạnh đó, các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản phát triển khá nhanh và có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của đất nước, song cũng bộc lộ không ít hạn chế, hiệu quả kinh tế không cao. Biểu hiện rõ nét nhất là công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản còn lạc hậu, vừa ít tạo ra giá trị gia tăng, vừa gây tổn thất tài nguyên và tác động đến cảnh quan, hình thái môi trường; tích tụ hoặc phát tán chất thải; làm ảnh hưởng đến sử dụng nước, ô nhiễm nước,... Hoạt động khai thác khoáng sản ở nhiều địa phương thiếu sự quản lý chặt chẽ làm gia tăng các điểm nóng về ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư. Cũng giống như vậy, các hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện đã qua sử dụng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với môi trường.
Tiếp đó, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận, đóng góp ý kiến nhằm thống nhất nhận thức về những vấn đề môi trường lớn đặt ra đối với Việt Nam trong phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường như: ý kiến của Ông Ngô Xuân Hợp về vấn đề xử lý khói bụi nhờ hơi nước; ý kiến của Ông Lương Văn Ngự, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng về vấn đề rác thải, ô nhiễm môi trường ở nông thôn, và những khó khăn của ngành tài nguyên môi trường ở địa phương; tiếp theo là ý kiến về vấn đề xử lý rác thải, chất thải nguy hại như bao bì thuốc trừ sâu ở nông thôn của Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai.
Bên cạnh đó các đại biểu cũng đồng ý hướng giải quyết như: tăng cường công tác BVMT tại các KCN, CCN; Tập trung khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường nông thôn, làng nghề; tập trung khắc phục và cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường tại các đô thị, thành phố lớn, kiểm soát có hiệu quả nguồn thải của các phương tiện giao thông vận tải; kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu phế liệu, máy móc, trang thiết bị, hàng hóa,...; triển khai đầy đủ các nội dung của công ước Basel về kiểm soát chất thải xuyên biên giới và việc tiêu hủy chúng; đẩy mạnh hoạt động đưa nội dung BVMT vào hệ thống giáo dục quốc dân; rà soát, bổ sung danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao, danh mục công nghệ cấm chuyển giao nhằm ngăn chặn việc chuyển giao các công nghệ, phương tiện, thiết bị cũ gây ô nhiễm môi trường vào nước ta.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác BVMT trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm, chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, qua đó đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Hệ thống chính sách pháp luật về BVMT cơ bản được hoàn thiện; hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về môi trường đã được tăng cường từ Trung ương đến địa phương; nhận thức, trách nhiệm BVMT trong các tầng lớp xã hội được nâng cao và nhiều vụ việc, vấn đề môi trường bức xúc cơ bản được giải quyết,…
Thông qua các ý kiến đóng góp của đại biểu, có thể nói rằng Hội thảo đã tạo lập thành công diễn đàn để các nhà quản lý các cấp, các chuyên gia tra đổi, thảo luận, đánh giá về các vấn đề môi trường, các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường tại Việt Nam.
Theo VEA