Điện mặt trời áp mái sẽ giúp làm giảm áp lực cho hệ thống điện lưới, giúp người dân giảm tiền điện.
Hệ thống điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà ông Nguyễn Đăng Trường Giang, KP.4, thị trấn Hòa Thành, huyện Hòa Thành. Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN
Ông Nguyễn Tấn Hùng, Giám đốc Điện lực tỉnh Tây Ninh cho biết, trong năm 2019, Điện lực Tây Ninh sẽ vận động thêm khoảng 1.000 khách hàng lắp đặt thêm hệ thống điện mặt trời áp mái để nâng tổng công suất điện theo mô hình này lên 5.000 kWp.
Điều này vừa tiết kiệm tiền sử dụng điện cho người dân, bảo vệ môi trường, vừa giảm áp lực cung cấp điện cho ngành điện, nhất là những tháng cao điểm mùa khô.
Theo ông Hùng, dù mới triển khai nhưng đến nay đã có 30 khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng công suất 245 kWp. Riêng hệ thống năng lượng mặt trời áp mái nhà áp mái nhà làm việc điện lực Gò Dầu đã được đầu tư với công suất 30,24 kWp (sản lượng cung cấp khoảng 40% lượng điện). Hiện đơn vị này đã lắp đặt hệ thống công tơ hạ áp 2 chiều để bán phần điện kết dư, hòa vào điện lưới quốc gia.
Ông Hoàng Xuân Tuyên, Phó phòng Kiểm tra giám sát mua bán điện, Công ty Điện lực tỉnh Tây Ninh cho biết, Tây Ninh có lợi thế rất lớn vì có số giờ nắng nhiều (từ 2.220 – 2.500 giờ nắng), lượng bức xạ mặt trời cao hơn 20% so với các nơi khác; cường độ bức xạ trung bình ngày trong năm đạt mức khá cao (5,3kWp/m2). Đây là điều kiện tốt nhất để địa phương phát triển hệ thống điện mặt trời theo mô hình công nghiệp và hộ gia đình.
Mặt khác, điện mặt trời áp mái sẽ giúp làm giảm áp lực cho hệ thống điện lưới, giúp người dân giảm tiền điện do giảm điện năng tiêu thụ từ lưới điện, số điện năng sử dụng thừa có thể bán lại cho điện lực. Hơn nữa, việc lắp đặt tấm pin lên mái nhà giúp mái nhà cách nhiệt, giảm điện năng tiêu thụ cho máy điều hòa trong nhà.
Hệ thống điện mặt trời áp mái được lắp đặt tại Trung tâm Thương mại Thành Thành Công Tây Ninh. Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN
Theo ông Tuyên, rào cản lớn nhất khi lắp đặt hệ thống này là chi phí không nhỏ, trung bình 23 triệu đồng/1kWp. Mỗi gia đình trung bình phải lắp đặt từ 2 - 3kWp, tương đương 46 - 69 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu nhìn lợi ích lâu dài về kinh tế, thì sau khoảng 5 - 6 năm người lắp đặt sẽ lấy lại được vốn, trong khi thiết bị được bảo hành lên đến 20 năm.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn áp dụng những chính sách ưu đãi đối với người dân có nhu cầu, để khuyến khích mô hình này lan rộng ra nữa", ông Tuyên nói.
Anh Nguyễn Đăng Trường Giang ngụ khu phố 4, thị trấn Hòa Thành, huyện Hòa Thành, Tây Ninh cho biết, sau hơn 2 tháng lắp đặt hệ thống gồm 9 tấm pin điện mặt trời trên mái nhà với công suất 3 kWp, có thể tiết kiệm 400.000 đồng/tháng, tương đương khoảng 200 kWp, đó là chưa kể gia đình anh giảm tải được số điện vượt quá hạn mức sử dụng.
“Tôi đã tìm hiểu hệ thống này từ năm 2016 - 2017 nhưng thời điểm đó chi phí lắp đặt quá lớn. Nếu lắp 9 tấm pin thời điểm trên thì chi phí lên đến 150 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện tại giá thành chỉ còn 23 triệu/1 kWp/3 tấm pin. Theo tôi đánh giá tùy theo vị trí nếu nhà có hướng nắng tốt thì có thể cỡ 5 năm có thể khấu hao được rồi”, anh Giang cho biết.
Tính đến thời điểm hiện nay một trong những nơi lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với quy mô và công suất lớn nhất là Trung tâm thương mại Thành Thành Công Tây Ninh.
Ông Trần Huy Hào, Giám đốc Điều hành Trung tâm thương mại Thành Thành Công Tây Ninh cho biết, sau 2 năm lắp đặt và vận hành hệ thống điện mặt trời áp mái với chi phí 7 tỷ đồng, hệ thống này đã sản xuất được 283kWp điện, đảm bảo cung cấp được 20% điện vận hành của toàn bộ tòa nhà.
Do Tây Ninh có số lượng giờ nắng trong ngày rất đảm bảo nên công suất của hệ thống lúc nào cũng đạt trên 95%, trung bình mỗi tháng Trung tâm có thể tiết kiệm được 115 triệu đồng.
Nguồn: Vietnam+