Logo
phone
Hotline: 02437327155
Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề: Xu hướng gia tăng
  27/08/2015
icon-zalo

 

 Ô nhiễm môi trường ở các làng nghề vẫn diễn biến phức tạp. Đáng lo ngại, có những làng nghề mức độ ô nhiễm kim loại độc hại (Cr6+) cao gấp 3.000 lần quy chuẩn cho phép…” - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết.

 

 

Phần lớn môi trường nước, không khí, đất đai tại các làng nghề đều bị ô nhiễm

 

Sức khỏe bị xâm hại nặng nề

Theo số liệu điều tra, kiểm tra môi trường làng nghề của Bộ Tài nguyên và Môi trường, 104 làng nghề ô nhiễm nhất trên phạm vi cả nước cần phải có kế hoạch xử lý triệt để đến năm 2020.

 

Hệ quả của tình trạng này là tỷ lệ người mắc bệnh tại các làng nghề đang có xu hướng gia tăng, tập trung vào một số bệnh như: ngoài da, hô hấp, tiêu hóa, thần kinh, ung thư... Bởi vậy, tuổi thọ trung bình của người dân sống trong các làng nghề ngày càng giảm, thấp hơn 5 - 10 năm so với làng không làm nghề.

 

Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến cho rằng: “Hầu hết các cơ sở tại làng nghề không có biện pháp xử lý chất thải, các loại khí thải, nước thải, chất thải rắn đều xả trực tiếp ra môi trường. Đặc biệt là chất thải của các làng nghề tái chế chất thải (giấy, kim loại, nhựa), dệt nhuộm sử dụng hóa chất công nghiệp… đang là vấn đề hết sức bức xúc gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân”.

 

Theo ông Nguyễn Công Thành - Bí thư Đảng ủy xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh - việc làng nghề gò đúc đồng ngày càng phát triển thì môi trường làng nghề cũng ngày càng bị ô nhiễm. Nguyên nhân là rác thải của các hộ làm nghề đúc đồng, cô bã nhôm… đổ bừa bãi ra môi trường, nước thải của các hộ làm nghề (chủ yếu là các hộ làm hàng mỹ nghệ và hàng dân dụng) có hóa chất như axit, sút,… không được quy hoạch vào khu tập trung để xử lý mà đổ trực tiếp ra các lòng sông, ao hồ, mương máng. Các hộ đúc, cô phế liệu chưa xây dựng ống khói đạt tiêu chuẩn (xây dựng ống khói cao 12m trở lên), đã ảnh hưởng tới sức khỏe của nhân dân trong làng.

 

Cần nâng cao ý thức của người dân

Thời gian vừa qua, các bộ, ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có sự quan tâm đặc biệt tới công tác bảo vệ môi trường (BVMT) làng nghề. Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu “Đến năm 2020, di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất thuộc nhóm tái chế giấy, tái chế kim loại, tái chế nhựa, và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoạt động trong khu dân cư vào khu, cụm công nghiệp làng nghề”. Tuy nhiên, công tác BVMT tại các làng nghề không giảm là bao.

 

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do ý thức người dân. Nhiều người biết rõ mức độ nguy hiểm của việc gây ô nhiễm nhưng vẫn vi phạm. Do đó, giáo dục người dân làng nghề phải tự ý thức và có trách nhiệm trong việc BVMT là hết sức cần thiết. Khi họ nhận thức được, sẽ đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải, khí thải, thu gom phân loại chất thải rắn...

 

Bên cạnh giáo dục nâng cao ý thức cho người dân thì việc công nhận làng nghề đòi hỏi phải bám sát các điều kiện về BVMT. Với các địa phương có cơ sở sản xuất trên địa bàn dân cư nhưng không được coi là làng nghề, cần quản lý nghiêm khắc, chặt chẽ như với các cơ sở sản xuất - kinh doanh bình thường khác, cần thiết phải di dời ra khỏi khu vực dân cư đối với các đối tượng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nếu không thể di dời thì phải chuyển đổi ngành nghề sản xuất hoặc chấm dứt hoạt động trước ngày 1/1/2017.

 

Ông Bùi Cách Tuyến - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường:

“Đã đến lúc, chúng ta cần có những giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt với một nhóm đối tượng sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để bảo đảm sự công bằng, bình đẳng trong xã hội”.

Nguồn baocongthuong

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt