Ô nhiễm có nơi gấp hơn 3.000 lần quy chuẩn cho phép
Theo số liệu điều tra, kiểm tra môi trường làng nghề của Bộ Tài nguyên và Môi trường một năm gần đây đã xác định được 104 làng nghề ô nhiễm nhất trên phạm vi cả nước cần phải có kế hoạch xử lý triệt để cho đến năm 2020. Trong đó, có những địa phương, mức độ ô nhiễm kim loại nặng độc hại (Cr6+) cao gấp hơn 3.000 lần quy chuẩn cho phép, đây thực sự là con số đáng báo động. Tỷ lệ bệnh tật tại các khu vực ô nhiễm do làng nghề ngày một gia tăng. Hầu hết các cơ sở tại làng nghề không có biện pháp xử lý nước thải, các loại khí thải, nước thải, chất thải rắn đều xả trực tiếp ra môi trường. Đặc biệt, chất thải của các làng nghề tái chế chất thải như giấy, kim loại, nhựa, dệt nhuộm sử dụng hóa chất công nghiệp đang là vấn đề hết sức bức xúc gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân.
Ông Nguyễn Công Thành, Bí thư Đảng ủy xã Đại Bái, huyện Gia Bình, Bắc Ninh cho biết, làng nghề đúc đồng Đại Bái có từ rất lâu đời. Đây là một làng nghề truyền thống với các nghề chính như đúc đồng, đúc nhôm và đồ mỹ nghệ… Cùng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, làng nghề đã đưa phần lớn máy móc vào sản xuất, đã giảm thiểu thời gian và sức lao động của người dân làng nghề. Do đó kinh tế của người dân trong làng nghề này được nâng cao. Theo kết quả thống kê của UBND xã Đại Bái, năm 2014, tổng thu nhập tiểu thủ công nghiệp của làng nghề ước đạt 140 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người trong làng nghề khoảng 20-25 triệu đồng/năm.
Nước thải của làng nghề tái chế giấy và bao bì thải ra làm cho nước sông đen ngòm (ảnh: KT)
Tuy nhiên, ông Thành cũng thừa nhận, môi trường làng nghề ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu là việc rác thải của các hộ làm nghề đúc đồng, bã nhôm đổ bừa bãi ra môi trường, nước thải của các hộ làm nghề có hóa chất như axit, sút… không được quy hoạch vào khu tập trung để xử lý mà đổ trực tiếp ra các lòng sông, ao hồ, mương máng. Các hộ đúc, cô phế liệu chưa xây dựng được các ống khói đạt tiêu chuẩn đã làm ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của người dân trong làng.
“Nhận thức của người dân còn thấp, chưa có ý thức chung trong việc bảo vệ môi trường đã dẫn đến tình trạng làng nghề ô nhiễm nặng. Người dân Đại Bái thường hít phải không khí nặng, có mùi khét do các hộ đúc đồng, nhôm gây ra nên thường xuyên mắc các bệnh hô hấp, bệnh về mắt. Qua kết quả theo dõi của trạm y tế xã, tính riêng xóm Trại từ năm 2001-2014 đã có 23 người chết do các bệnh ung thư”- ông Thành cho biết.
Làng nghề gốm Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội hiện nay cũng đang bị ô nhiễm nặng bởi khói bụi và khí CO2. Càng đi sâu vào trong làng, ô nhiễm càng nặng, khắp nơi bao phủ một lớp đất nung, bụi gốm. Đường vào làng cũng bụi mù mịt, nhất là khi ô tô, xe máy chạy qua.
Ông Hà Văn Lâm, Trưởng Ban đại diện Làng nghề gốm Bát Tràng cho biết, không chỉ thải bụi, trung bình mỗi lò nung gốm bằng than ở Bát Tràng thải ra khoảng 2,5 tấn chất thải rắn cho mỗi mẻ nung. Cùng với đó, phế phẩm, phế liệu đất nung, gốm, sứ vỡ, hỏng chất thành những đống bên đường, mỗi khi mưa xuống, đường lầy lội, bẩn thỉu.
“Mặc dù ô nhiễm môi trường ở mức đáng báo động, song người dân chỉ thực hiện các biện pháp đơn giản như phun nước để giảm bụi, đội mũ kín, đeo khẩu trang… Nếu không sớm áp dụng những phương pháp sản xuất sạch, nhằm giảm ô nhiễm môi trường, sự phát triển bền vững tại Bát Tràng sẽ bị đe dọa ngày càng cao”-ông Lâm trăn trở.
Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp Hội làng nghề Việt Nam cũng thừa nhận, tình trạng ô nhiễm tại làng nghề vẫn chưa được xử lý có hiệu quả, nhiều làng nghề vẫn phải sống chung với ô nhiễm, chịu nhiều bệnh tật, tuổi thọ giảm sút. Việc quy hoạch làng nghề triển khai chậm, nhiều cơ sở làng nghề ô nhiễm nặng chưa được di dời.
Đã tìm được “lỗ hổng” nhưng chưa có cách “bịt”?
Trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã có sự quan tâm đặc biệt tới công tác bảo vệ môi trường làng nghề. Điển hình là năm 2011, Quốc hội đã tổ chức giám sát tối cao về bảo vệ làng nghề và đã ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật tại các khu vực kinh tế, làng nghề. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó đã xác định ô nhiễm môi trường tại các làng nghề là vấn đề “nóng” trong giai đoạn hiện nay…
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết, với trách nhiệm được giao về quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường nới chung và bảo vệ môi trường làng nghề nói riêng, Bộ đã có nhiều nỗ lực trong việc tạo dựng hành lang pháp lý về bảo vệ môi trường làng nghề trong luật và các văn bản dưới luật; đồng thời tổ chức thường xuyên việc công tác bảo vệ môi trường làng nghề tại nhiều địa phương.
“Bộ đã xác định các “lỗ hổng” trong công tác bảo vệ môi trường làng nghề tại các cấp chính quyền địa phương để kiến nghị điều chỉnh. Tuy nhiên, việc xử lý ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp đã khó, việc xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề còn khó hơn nhiều lần”- Ông Bùi Cách Tuyến nói.
Ông Tuyến cho rằng, trước mắt, để thực hiện bảo vệ môi trường tại các làng nghề, cần triển khai từng bước cụ thể theo lộ trình đã được xác định tại đề án Bảo vệ môi trường làng nghề của Chính phủ. Cùng với đó, cần có kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề trở lại giá trị truyền thống của nó, phát huy vai trò cải thiện sinh kế cho người dân, không để hậu quả khôn lường cho môi trường và sức khỏe con người.
“Với các làng nghề được công nhận, ngoài việc bảo đảm các điều kiện về bảo vệ môi trường, cần có chính sách hỗ trợ để vừa duy trì hoạt động sản xuất, bảo tồn nét văn hóa, đầu tư bảo vệ môi trường, xử lý nước thải và sức khỏe cộng đồng. Với các địa phương có cơ sở sản xuất trên địa bàn dân cư nhưng không được coi là làng nghề, cần quản lý nghiêm khắc, chặt chẽ như đối với các cơ sở kinh doanh bình thường. Cần thiết phải di dời ra khỏi khu vực dân cư đối với các đối tượng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nếu không di dời thì phải chuyển đổi ngành nghề sản xuất… Đã đến lúc, chúng ta cần có các giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt với một nhóm đối tượng sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để bảo đảm sự công bằng, bình đẳng trong xã hội”- Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng, làng nghề có vị trí rất quan trọng, vừa góp phần phát triển kinh tế ở các địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, vừa đóng góp vào việc gìn giữ, phát huy văn hóa dân tộc.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, môi trường ở làng nghề hiện nay là vấn đề rất bức xúc. Để giải quyết vấn đề này, cần khoanh lại theo từng nghề như nghề kim loại, nghề gỗ, nghề thực phẩm, nghề mây tre thì phương pháp giải quyết môi trường cho từng ngành nghề là phương pháp gì, về kỹ thuật là gì, đầu tư như thế nào… Phải thí điểm từng cụm ngành nghề phải giải quyết được vấn đề môi trường theo từng ngành nghề, gắn với đó là cho vay để giải quyết môi trường.
Ô nhiễm môi trường làng nghề cũng như nhiều vấn đề trong phát triển làng nghề đang gây nhiều bức xúc, nói như ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp Hội làng nghề Việt Nam “những vấn đề làng nghề Việt Nam đang đối mặt nếu không có giải pháp đột phá từ phía Nhà nước, địa phương và bản thân những người làm nghề, thì chúng ta vẫn ở vòng luẩn quẩn như thời gian vừa qua”./.
Nguồn VOV