Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết bất thường như: Lốc xoáy, triều cường, mưa lớn, lũ, hạn hán, nước mặn xâm nhập gây thiệt hại cho lúa và hoa màu ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp.
Theo đại diện của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Bình, để chủ động ứng phó với BĐKH, Sở đã xây dựng kế hoạch, thực hiện công tác khuyến nông, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, thích nghi với từng vùng miền.
Trồng rừng ngập mặn ở vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn |
Trong các vụ sản xuất, Ninh Bình đã đưa nhiều bộ giống lúa mới, lúa chất lượng cao, đa dạng giống cây trồng vụ Đông vào thâm canh, giống mới được tuyển lựa, thích ứng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại các địa phương, các bộ giống mới cũng đem lại năng suất, chất lượng, hiệu quả thu nhập tăng thêm cho bà con nông dân từ 1,2 đến 1,3 lần.
Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng cải tạo môi trường tự nhiên, phát triển kinh tế theo mô hình VACR, tập trung sản xuất trang trại, gia trại, chăn nuôi tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật gây nuôi, nhân giống các con đặc sản, như nuôi Hươu, nuôi Nhím, nuôi ong, gà đồi, lợn cắp nách, nuôi thả thủy sản, thủy cầm… tại các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô, TP Tam Điệp.
Để phòng chống lũ lụt trong mùa mưa bão tỉnh đã chỉ đạo các cấp, nghành tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, đáp ứng nhu cầu nước tưới, tiêu, hạn chế xâm nhập mặn, tập trung cho khu vực thiếu nước, nhằm đảm bảo sản xuất và thích ứng với tình trạng nắng hạn, mưa úng do biến đổi khí hậu gây ra.
Đặc biệt, hàng năm, tỉnh chú trọng tới công tác phòng chống mặn xâm nhập như: Trồng rưng ngập mặn, các tuyến đê Biển Bình Minh 1, 2, 3 tại huyện Kim Sơn được xây dựng, khai thác vận hành, góp phần tạo vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững với diện tích lên đến hàng ngàn ha...
Theo Báo TN&MT