Môi trường sống của nước ta bị nhiều chấn thương nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân: cơ chế pháp lý còn lỏng lẻo nên mới có lâm tặc, sa tặc, thạch tặc; dân đông nên diện tích đất nông nghiệp càng ngày càng giảm.
Các nguồn ô nhiễm dất bao gồm phân hoá học, thuốc trừ sâu, chất thải công, nông nghiệp. Trong nông nhiệp, có thể kể sản phẩm thải bỏ các nhà máy thực phẩm đóng hộp, lò sát sanh, sản phẩm bài tiết của các trại chăn nuôi lớn. Trong công nghiệp, ngoài những rác thải thông thường như bao nilông, cao su, thủy tinh, ve chai, đồ kim loại, còn phải kể các rác thải nguy hiểm (hazardous wastes) như các chất dễ cháy, phóng xạ, chất nổ.
Do khói bụi các nhà máy công nghiệp sắt thép, than đá, ximăng v.v., do hàng vạn xe gắn máy chạy bằng xăng có pha chì, ô nhiễm không khí càng ngày càng trầm trọng khiến trẻ em suy nhược cơ thể.
Các nhà máy không có thiết bị lọc bụi. Kèm theo bụi là khí SO2 gây tác động xấu đến sức khỏe con người, gây các bệnh viêm kết mạc, co thắt phế quản, viêm mũi, viêm họng ..Dân cư sống ở những khu vực ô nhiễm nặng đều mắc các bệnh về đường hô hấp.
Muốn bảo vệ môi trường không khí thì phải trồng nhiều cây xanh ven đường, sân chơi, phải có nhiều công viên trong thành phố, quanh các khu kỷ nghệ, giảm bớt hút thuốc lá trong nhà hay tại các khu công cộng; sử dụng phương tiện công cọng chuyên chở.
Các biện pháp vật lý như sử dụng các thiết bị lọc và làm sạch khí thải từ các nhà máy (thiết bị lọc bụi, thu khí xoáy, lắng tĩnh điện..). Các năng lượng mới như năng lượng sức nước, sức gió, Mặt Trời cũng là các năng lượng ít ô nhiễm.
Ô nhiễm nước do nước thải sinh hoạt con người tại các khu dân cư và nước thải từ các cơ sở công nghiệp chưa dược xử lý thường được đổ thẳng vào kinh rạch, sông ngòi. Do đó, sự đa dạng sinh học giảm đi nhiều, nhiều loài thủy sinh vật đã không thể sống được. Nguồn nước bị ô nhiễm là nguồn gốc nhiều bệnh như thương hàn, dịch tả, lị.
Những vấn đề cấp bách về môi trường cần phải đối phó hàng ngày như ô nhiễm, ô nhiễm tiếng động, ô nhiễm không khí, trong một khung cảnh đất hẹp, người đông đã tạo nên sức ép trên tài nguyên thiên nhiên. Khung cảnh sống thay đổi ..
Những danh từ mới về khoa học môi trường đua nhau xuất hiện như sinh khối (biomass), kiểu sinh học (biotype), sinh cảnh (biotope), quần xã sinh vật (biome), hệ sinh thái (ecosystem), ổ sinh thái (ecological niche), đa dạng sinh học (biodiversity), bền vững (sustainability), lỗ hổng ozon (ozone hole), sự sưởi ấm toàn cầu (global warming), tái chế biến(recycling).
Các vấn nạn môi trường có tính cách chung cho toàn thế giới: các nưóc giàu có thì tiếng động, mưa acit, khí nhà kiếng; các nước nghèo, chậm phát triển thì phá rừng, nhân mãn; tóm lại với hành tinh càng ngày càng nhỏ bé và không còn hành tinh nào khác ngoài Trái Đất có điều kiện sinh sống nữa, con người nhận ra là bảo vệ môi trường là việc chung của nhân loại. Vào năm 1992, tại Rio, nhiều xứ họp lại để ký bản thoả ước về bảo vệ tài nguyên trên trái đất, sau đó tại Kyoto lại họp bàn về giới hạn các sự phát thải các khí độc trên bầu trời..
Các tổ chức bảo vệ môi trường ra đời, đặc biệt nhất là tổ chức phi chính phủ Green Peace. Rồi ngày Earth Day xuất hiện, trong đó nhiều công dân đứng ra tổ chức vận động các chính phủ khuyến cáo các nhà lãnh đạo về năng lượng sạch (mặt trời, gió ..), tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững.
Phát triển bền vững trong môi sinh là một vấn đề liên ngành vì nó liên quan đến nhiều thông số của trái đất: giáo dục, kinh tế, dân số, an toàn lương thực, bảo vệ môi sinh; do đó tiếp cận nhiều chiều kích nhằm tìm toàn bộ các khía cạnh văn hoá, môi sinh, kiến thức bản địa, kinh tế .. để cứu xét vấn đề, ngày nay đã trở nên thông thường.
Xem chi tiết Nghiên cứu tại đây:
Theo MTX