Logo
phone
Hotline: 02437327155
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ MÀNG BỌC THỰC PHẨM (CLING FILM, PLASTIC FOOD WRAP)
  17/08/2023
icon-zalo

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ MÀNG BỌC THỰC PHẨM (CLING FILM, PLASTIC FOOD WRAP)

Phạm Thị Thúy Hà (15/08/2023)

Mọi người mua màng bọc thực phẩm ở siêu thị có thể đã không để ý xem màng bọc thực phẩm được làm từ loại chất dẻo (plastic) nào. Được biết, hiện nay màng bọc thực phẩm có hai loại phổ biến là màng PVC từ nhựa Polyvinyl Chloride và màng PE từ nhựa Polyethylene (không tính các loại màng khác hoặc không phổ dụng hoặc không có ở VN). Cả hai loại đều đáp ứng các tiêu chuẩn quy định về an toàn thực phẩm, tuy nhiên, nên sử dụng màng loại nào khi nào và tại sao.

Màng bọc thực phẩm (Nguồn internet)

MÀNG PVC

Đó là loại màng phổ dụng được sử dụng từ khi bắt đầu có màng bọc thực phẩm đến nay. Sở dĩ loại màng này tồn tại ổn định qua năm tháng là do sự tiện dụng và các đặc tính ưu việt của chúng khi dùng để lưu trữ bảo quản thực phẩm. Không phải ai cũng biết là tất cả các loại màng polyme như màng bọc thực phẩm không ít thì nhiều đều không kín khí hoàn toàn dù được gắn kín. Không khí, hơi nước, mùi thơm hay hôi đều có thể ra vào qua các màng đó ở một mức độ nhất định. Đặc tính này gọi là tính thấm (permeatbility) của các màng polyme. Màng PVC là loại màng có ưu điểm là có tính thấm vào loại thấp gần như là nhất so với màng PE và các màng loại khác. Ngoài ra, chúng còn có đặc tính cơ học đủ dai và có khả năng bám dính vô cùng tốt trên các bề mặt khác nhau và trên chính bề mặt của chúng. Do vậy, chúng bảo quản thực phẩm khá là hiệu quả. Và cũng chính vì thế màng PVC còn gọi là Cling Film (màng dính) do bản chất tự có của chúng.

Khả năng chịu nhiệt của màng PVC cũng thuộc loại cao gần như nhất trong các màng bọc thực phẩm: chúng chịu được đến nhiệt độ 130oC tuỳ theo hàm lượng chất hoá dẻo có trong chính nó (càng ít chất hoá dẻo thì màng càng chịu nhiệt).

Ưu điểm khác nữa của màng PVC là có giá thành sản xuất rẻ. Vậy nên người ta rất khó để loại bỏ màng PVC ra khỏi cuộc sống hàng ngày xét trên cả phương diện sử dụng và phương diện thương mại!

Màng PVC có hai nhược điểm chính, đó là chúng luôn chứa chất hoá dẻo và chúng hầu như không phân huỷ sinh học, tức chúng hiện nay đã ít lợi thế hơn do vấn đề an toàn sức khoẻ và môi trường. Chất hoá dẻo là thứ không thể thiếu được trong màng PVC và có hàm lượng khá là đáng kể: từ 10- 28%, phải vậy thì nhựa PVC mới có thể tạo màng đủ mỏng, đủ dai để sản xuất ra màng bọc thực phẩm. Từ năm 2006, chất hoá dẻo Phtalate được cho là độc hại trong màng PVC được thay thế bằng chất hoá dẻo an toàn hơn: đó là DEHA (di(2-ethylhexyl)adipate), loại này không chứa phtalate. DEHA là chất nằm trong danh mục cho phép sử dụng làm chất hoá dẻo cho các nhựa dùng bao gói thực phẩm của Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng DEHA cũng thôi nhiễm vào thực phẩm (thấm sang thực phẩm) khi bảo quản bằng màng PVC. Với các sản phẩm như phomai, thịt gà chín thì nghiên cứu cụ thể cho thấy lượng DEHA cũng tương đối cao (lượng thôi nhiễm DEHA vào thực phẩm trong các nghiên cứu đã biết cỡ 250 mcg/kg); một nghiên cứu cụ thể khác về thôi nhiễm DEHA vào phomai cho thấy sau 10 ngày lưu trữ trong tủ lạnh, lượng thôi nhiễm lớn nhất DEHA là 345.4 mg/kg (18.9 mg/dm2) khi dùng màng PVC bọc phomai Kefalotyri, các phomai khác thì có số liệu bị thôi nhiễm thấp hơn trong khoảng từ 130 – 220 mg/kg. Các số liệu này cho thấy lượng thôi nhiễm DEHA vào phomai và thức ăn chín khi bọc bằng màng PVC là cao hơn so với ngưỡng quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và EU nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với quy định của Cơ quan bảo vệ môi trường EPA (Mỹ), cụ thể là:

- WHO quy định ngưỡng DEHA trong nước uống là 80 mcg/L;

- EU quy định ngưỡng DEHA trong thực phẩm là 10 mg/dm2 hoặc 60 mg/kg;

- EPA quy định là 0,4mg/L nước uống tức 400mcg/L.

Về tính phân huỷ sinh học của màng PVC thì người ta có thể cải thiện bằng cách cho phụ gia giúp giảm độ bền nhiệt để dễ phân huỷ hơn chả hạn. Tuy nhiên, tính khó phân huỷ sinh học vẫn là điểm yếu nhất của màng PVC và thường không cải thiện được nhiều!

Màng PVC chỉ nên dùng để bao gói các loại thực phẩm không chứa dầu mỡ, rau quả tươi, tất cả các loại mà trước khi chế biến cần phải rửa! Chúng cũng có thể dùng để bọc thêm ra bên ngoài màng bọc khác cho kín hơn. Màng PVC vẫn được cho phép sử dụng rộng rãi trên thế giới. Ở Mỹ kể từ năm 1958 đến nay chưa có luật nào cấm sử dụng màng PVC để bao gói thực phẩm. Cho đến nay, trên thế giới chỉ có vài nước đã cấm sử dụng màng PVC, đó là Canada, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, và Cộng hoà Séc!

MÀNG PE

Màng PE có tính an toàn cao hơn màng PVC vì chúng không chứa chất hoá dẻo. Màng PE cũng có các tính chất tốt của màng PVC như tính chịu nhiệt cao, tính thấm thấp… Các tính chất này của màng PE ở mức gần bằng màng PVC và đủ đạt yêu cầu để bảo quản thực phẩm. VD: Tính chịu nhiệt của màng PE thấp hơn màng PVC một chút, đạt 100oC so với 130oC của PVC và đủ để sử dụng được trong lò vi sóng.

Về tính bám dính thì màng PVC vẫn là nhất còn màng PE thì kém hơn. Người ta thường cho them chất phụ gia để tăng cường bám dính cho màng PE. Các chất phụ gia này hiện nay thường có nguồn gốc sinh học để đảm bảo an toàn sức khoẻ và môi trường, VD: các hạt nano tạo màng sinh học làm từ mía hoặc các chất biến tính từ axit oleic (axit Omega 9)! Về mức an toàn sức khoẻ và môi trường thì màng PE hơn hẳn màng PVC. Màng PE có thể dùng bao gói mọi loại thực phẩm và rau quả, bao gồm cả các sản phẩm có chứa dầu mỡ (thịt bằm, pho mai, thực phẩm chín đã chế biến…)!

Màng PE cũng có thể gây thôi nhiễm hoá chất sang thực phẩm chẳng hạn như thôi nhiễm chất chống oxy hoá. Tuy nhiên, các chất chống oxy hoá sử dụng trong màng PE cũng là loại được phép sử dụng trong thực phẩm.

PHÉP THỬ ĐƠN GIẢN MÀNG BỌC THỰC PHẨM ĐỂ PHÂN BIỆT VẬT LIỆU MÀNG BỌC LÀ PE HAY PVC

Cách thử để xem màng bọc thực phẩm có chứa nhựa PVC hay không: lấy 1 sợi dây đồng cạo sạch hơ nóng. Sau đó lấy miếng màng cần thử quấn xung quanh đoạn đã cạo sạch và hơ qua lửa cho cháy hết. Nếu thấy dây đồng có ánh xanh là màng đó có chứa Clo tức có chứa nhựa PVC.

CÁCH SỬ DỤNG MÀNG BỌC THỰC PHẨM AN TOÀN

Khi bọc thực phẩm tươi sống, rau, củ quả tươi để lưu giữ bảo quản, có thể sử dụng màng PV nhưng phải rửa sạch thực phẩm trước khi sử dụng;

Đối với thực phẩm chín tốt nhất là sử dụng màng PE, màng PET… (màng PET ở VN không phổ dụng!)

Không dùng màng bọc thực phẩm chứa chất hoá dẻo như màng PVC để bọc trực tiếp các thực phẩm chứa chất béo như thịt mỡ, thịt bằm có chứa mỡ, pho mai, đồ ăn đã chế biến có chứa dầu mỡ… Với các thực phẩm loại này, có thể sử dụng màng bọc an toàn không chứa chất hoá dẻo như màng PE, PET… Hoặc tốt nhất là bọc chúng bằng giấy nhôm sau đó có thể dùng màng bọc thực phẩm để bọc ra bên ngoài. Khi đã bọc thực phẩm bằng màng bọc thực phẩm, đặc biệt là khi dùng màng có chất hoá dẻo như màng PVC, thì tuyệt đối không nên thay màng mới giữa chừng quá trình bảo quản vì như vậy sẽ làm tăng lượng chất hoá dẻo thôi nhiễm vào thực phẩm.

Khi sử dụng màng bọc thực phẩm trong lò vi sóng thì cần tuân thủ 3 nguyên tắc:

1) Sử dụng loại màng bọc thực phẩm chịu nhiệt;

2) Không được để thức ăn tiếp xúc trực tiếp với màng bọc thực phẩm, màng bọc phải cách bề mặt thực phẩm từ 1cm trở lên;

3) Cần để thức ăn được thông khí với bên ngoài để cho hơi nước bay ra bằng cách để hở 1 góc màng bọc thực phẩm trên bát đĩa đựng thức ăn hoặc chọc 1 lỗ trên bề mặt màng bọc thực phẩm.

Tóm lại, trong lò vi sóng, thì chỉ nên dùng màng bọc thực phẩm như 1 chiếc vung hay nắp đậy có thông khí mà thôi!

Ngoài ra thì trong lò vi sóng có thể thay màng bọc thực phẩm bằng nắp đậy chuyên dụng có thông khí hoặc dùng khăn vải bông trắng để đậy. Tất cả các vật dụng đậy này đều cần phải đậy cách thức ăn một khoảng không ít nhất là 1 cm!

KẾT LUẬN

Như vậy, có thể dùng cả hai loại màng bọc thực phẩm PVC và PE cho các mục đích khác nhau mà vẫn đảm bảo an toàn sức khỏe:

-  Màng PVC bọc ra ngoài vật liệu bọc khác để làm tăng độ kín giúp bảo quản tốt hơn. VD bọc thức ăn nhiều dầu mỡ (pho mai,thịt bằm, thịt mỡ, thức ăn chín) bằng màng nhôm, màng PE rồi bọc thêm màng PVC. Màng PVC cũng có thể bọc các rau quả tươi, đồ sống ít mỡ với điều kiện phải rửa sạch trước khi dùng. Ngoài ra, màng PVC có thể dùng để bịt kín thực phẩm chin thay cho vung đậy ở điều kiện thường với điều kiện màng phải cách thực phẩm 1 khoảng không.

- Màng PE để bọc trực tiếp mọi loại thực phẩm. Khi cần cũng có thể dùng màng bọc thay cho vung trong lò vi sóng và ở điều kiện thường, lưu ý cần đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuấtđảm bảo rằng màng bọc dùng an toàn trong lò vi sóng!

 - Lưu ý rằng chỉ mua các loại màng bọc thực phẩm chính hãng, có thương hiệu ổn định, có chứng nhận ISO trong sản xuất và có Website giới thiệu sản phẩm minh bạch!

Tài liệu tham khảo:

  1. Xem về các nghiên cứu, các quy định, tính chất an toàn sức khoẻ và môi trường của chất hoá dẻo DEHA (di(2-ethylhexyl)adipate) tại link:

 https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK390864/

  1. Cách thử nhựa PVC tại Link: https://www.quora.com/Is-cling-film-made-from-polyethylene-safe-to-be-steamed-with-food-for-15mins-It-says-the-material-is-non-toxic-contains-no-plasticisers-or-PVC-on-the-cling-film-packaging-I-m-9-months-pregnant-freaking-out-as-I-ate
  2. Hướng dẫn sử dụng màng bọc thực phẩm một cách an toàn:

 https://www.nibusinessinfo.co.uk/content/cling-film-Foodpackaging#:~:text=It%20is%20safe%20to%20use,help%20consumers%20use%20them%20properly.

  1. Nghiên cứu về thôi nhiễm chất hoá dẻo DEHA vào phomai và quy định của EU về ngưỡng DEHA trong thực nphẩm:

 https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0022030200750405

  1. Nghiên cứu liên quan đến hoá chất thôi nhiễm vào thực phẩm từ PE trong các vật liệu bao gói:

 https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0304389423007057#bib41

  1. Thôi nhiễm vào thực phẩm của phụ gia chống oxy hoá từ màng bọc thực phẩm PE: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/3583158/

VEIA

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt