Theo UBND quận 12, TPHCM hiện nay tình hình ô nhiễm môi trường do cơ sở sản xuất xen cài trong khu dân cư trên địa bàn quận còn tồn tại chủ yếu ở khu phố 4, 5 phường Đông Hưng Thuận. Các cơ sở này chủ yếu sản xuất các ngành nghề dệt, nhuộm, giặt, chế biến thực phẩm, tái chế giấy…
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Chủ tịch UBND quận 12, cho biết, hầu hết các cơ sở được cấp phép thành lập từ năm 1997 - 2004. Đây là thời điểm UBND TP chưa ban hành Quyết định 200 về việc hạn chế cấp phép cho các ngành nghề nhạy cảm với môi trường được tồn tại trong khu dân cư. Đồng thời, giai đoạn này quận 12 mới thành lập, sản xuất công nghiệp chưa phát triển nên có chủ trương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế. Do quá trình đô thị hóa, các khu dân cư phát triển xung quanh các cơ sở sản xuất ngày càng nhiều. Tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân khu phố 4, 5 phường Đông Hưng Thuận.
Từ năm 2013 cho đến nay, quận đã phối hợp cùng thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên kiểm tra và xử lý những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Trước mắt, chỉ mới có 17/42 cơ sở sản xuất chuyển đổi ngành nghề. Số doanh nghiệp còn lại thì đã có 20 cơ sở trang bị hệ thống xử lý khí thải. Tuy nhiên, chất lượng không khí xung quanh vẫn chưa đảm bảo do trong khu vực diện tích nhỏ nhưng tập trung cùng lúc quá nhiều nguồn thải.
Xuất phát từ thực tế trên, UBND quận 12 đã có văn bản kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, Ban quản lý Khu chế xuất - khu công nghiệp và một số cụm công nghiệp hỗ trợ về việc tiếp nhận các cơ sở trên địa bàn có nhu cầu di dời. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có khu công nghiệp và cụm công nghiệp nào tiếp nhận cơ sở này. Tương tự, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, trên địa bàn thành phố đang hình thành những điểm nóng môi trường chưa có giải pháp xử lý triệt để. Cụ thể như 12 doanh nghiệp tại huyện Hóc Môn, 36 doanh nghiệp tại huyện Bình Chánh, 5 cơ sở sản xuất dệt nhuộm tại phường Bình Hưng Hòa A quận Bình Tân…
Gần đây, Sở Công thương đã đề nghị chuyển các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm quận 12 về khu công nghiệp Đông Bắc thành phố. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thực hiện được. Do vậy, các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ở những quận, huyện khác cũng chưa thể giải quyết được. Để có thể giải quyết dứt điểm tình trạng gây ô nhiễm môi trường, đại diện UBND các quận, huyện kiến nghị thành phố sớm có chính sách hỗ trợ công tác xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường và cơ sở không phù hợp với quy hoạch. Việc di dời các cơ sở ô nhiễm do Ban chỉ đạo xử lý ô nhiễm môi trường thành phố chủ trì, có cơ chế chính sách hỗ trợ và địa điểm phù hợp để di dời thì mới đẩy nhanh tiến độ xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất xen cài trong khu dân cư.
Nguồn sggp