Nhiều đề tài khoa học được đưa vào sản xuất
25/12/2014
Công Thương Là đơn vị có nhiều nghiên cứu và đưa ra thị trường những sản phẩm “hệ thống thiết bị, công nghệ đồng bộ” tiêu biểu phục vụ cho công tác chế biến, bảo quản sau thu hoạch, năm 2014, Viện nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp (RIAM) tiếp tục có nhiều kết quả nghiên cứu từ các đề tài, dự án đưa vào ứng dụng trong sản xuất.
Thiết bị sấy bã mía, bã sắn, bã bia, mùn cưa do RIAM sản xuất
Tiêu biểu là các sản phẩm như: máy sấy cà phê kiểu thùng quay; máy sấy cà phê hồi lưu; máy sấy vỉ ngang, sấy hồi lưu ngô hạt và dây chuyền thiết bị sấy chế biến hạt giống. Ở lĩnh vực chế biến nhiều dây chuyền thiết bị như chế biến quả đóng hộp (vải, nhãn, dứa…); sản xuất rượu, bia từ mơ, mận, táo mèo..; chế biến rau, củ, quả chiên giòn trong chân không và dây chuyền thiết bị chế biến thịt hun khói đã được chế tạo và chuyển giao; dây chuyền thiết bị chế biến thức ăn chăn nuôi tự động và bán tự động; dây chuyền chế biến tinh bột sắn xuất khẩu năng xuất 60-240 tấn sản phẩm/ngày. Hiện hơn 10 dây chuyền này đã được lắp đặt tại các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Nghệ An, Yên Bái…
Gần đây, do nhu cầu thực tế của thị trường và xu thế phát triển khoa học công nghệ về ứng dụng năng lượng mới (năng lượng sinh khối) thay thế dần năng lượng hoá thạch, viện đã và đang tiếp tục đầu tư nghiên cứu, phát triển để đưa vào ứng dụng trong sản xuất các hệ thống thiết bị chuyển đổi năng lượng từ phụ phế phẩm nông – lâm nghiệp dùng cho sấy và bảo quản nông sản như sấy ngô quy mô công nghiệp ở Sơn La, sấy tinh bột sắn ở Bắc Kạn, sấy bã mía, mùn cưa ở Tây Ninh, Thanh Hóa… Phát triển công nghệ chế tạo thiết bị khí hóa tạo nguồn năng lượng sạch từ các phụ phế phẩm nông nghiệp (vỏ trấu, lõi ngô) phục vụ nhu cầu công nghiệp trong nước và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Hàng loạt những sản phẩm khoa học và công nghệ được RIAM chế tạo trong nước có thể thay thế nhập khẩu với giá thành chỉ bằng 50 - 60% so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại có chất lượng tương đương.
Năm 2014, RIAM đã triển khai 1 đề tài cấp nhà nước đã chuyển giao ứng dụng ở Sơn La, Bình Dương. 5 đề tài cấp bộ và 1 dự án sản xuất thử nghiệm đều thuộc lĩnh vực: phân bón, chế biến nông sản, lâm sản, thủy - hải sản, công nghệ sau thu hoạch và ứng dụng nguồn năng lượng tái tạo trong nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp đã được chuyển giao ứng dụng vào sản xuất tại Tuyên Quang, Bình Dương...
Mặt khác, các kết quả nghiên cứu từ đề tài cấp nhà nước, các đề tài cấp bộ ngoài việc chuyển giao vào sản xuất còn được công nhận về hàm lượng khoa học cao và có tính mới lạ thông qua 8 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín; 1 bằng độc quyền sáng chế; 1 bằng độc quyền giải pháp hữu ích; 2 bằng độc quyền về kiểu dáng công nghiệp.
Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Một số đề tài tiêu biểu thuộc các lĩnh vực trọng yếu đã và đang được đưa ra sản xuất.
Baocongthuong.com.vn