Logo
phone
Hotline: 02437327155
Nguy cơ ô nhiễm và mất an toàn từ các bãi thải của ngành than
  18/08/2015
icon-zalo

 


Ngành than khẩn trương khắc phục sự cố vỡ đập 790, bãi thải Đông Cao Sơn, phường Mông Dương, TP Cẩm Phả.

 

Trận mưa, lũ lịch sử kéo dài cuối tháng 7, đầu tháng 8 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã làm thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Hiện ngành than đang phải đối mặt với với những khó khăn về sản xuất và tiêu thụ, hơn ba vạn công nhân phải nghỉ, chưa bố trí được việc làm, thiệt hại về vật chất lên đến hơn 1.200 tỷ đồng. Trong đó, phải kể đến mỏ Mông Dương, thiệt hại lên đến gần 500 tỷ đồng, phải mất nhiều thời gian mới có thể trở lại sản xuất bình thường.

 

Hiểm họa từ các bãi thải

 

Do chịu ảnh hưởng của trận mưa, lũ kéo dài, bãi thải Đông Cao Sơn (phường Mông Dương) bị tràn bùn thải xuống khu dân cư phía dưới, đe dọa an toàn tính mạng, tài sản của hàng trăm hộ dân ở phường Mông Dương. Thành phố Cẩm Phả đã thực hiện di dời nhân dân, trong đó, có 94 hộ dân ở khu 4, phường Mông Dương buộc phải di dời hẳn, do nằm trong khu vực quá nguy hiểm. Hiện thành phố Cẩm Phả đã cải tạo, sửa chữa một khu tập thể trên địa bàn để 94 hộ dân tạm cư và triển khai xây dựng khu tái định cư mới cho các hộ dân này, phấn đấu đến cuối năm 2015 sẽ hoàn thành.

 

Mỏ Mông Dương bị thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của mưa, lũ, làm sạt lở đất bùn tràn xuống đường lò, trôi lấp cửa lò +50 K8 CT, gây ngập từ 1,3 - 1,5 m khu vực mặt bằng công nghiệp của đơn vị. Công ty đã dừng sản xuất và tổ chức rút hết người ra khỏi hầm lò. Toàn bộ các đường lò khu trung tâm và bắc Mông Dương đã bị ngập hoàn toàn, làm tê liệt toàn bộ hoạt động của hệ thống hầm bơm, trạm điện. Theo tính toán của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV), phải mất nhiều thời gian mỏ mới đi vào hoạt động trở lại.

 

Theo số liệu thống kê trên toàn tỉnh Quảng Ninh, hiện có chín bãi thải than, trong đó, tập trung nhiều nhất ở hai khu vực TP Hạ Long và TP Cẩm Phả. Hàng trăm triệu mét khối đất, đá sau khai thác than đổ ra mỗi năm, tạo nên những quả núi nhân tạo với chiều cao ở nhiều khu vực lên đến hàng trăm mét. Đất, đá tại những bãi thải than này thường xốp và rất dễ gây ra sạt lở.

 

Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Công ty than Hà Tu Thế Minh cho biết: "Nếu có xảy ra hiểm họa, đó là do sạt lở từ các bãi thải và chưa có hiểm họa nào xảy ra từ các moong than nếu trường hợp có mưa lớn bất thường xảy ra trong khoảng thời gian cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua”.

 

Ông Minh cho biết thêm, đợt mưa vừa qua với lượng mưa quá lớn, vượt xa so với các tính toán nên khi đất đá ngấm nước nhiều sẽ sạt lở nhanh chóng. Các mỏ than và người dân phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng. Đến thời điểm hiện tại, các bãi thải của Công ty đều an toàn, không ảnh hưởng đến người dân, do Công ty đã làm tốt các biện pháp an toàn theo quy chuẩn.

 

Khi được hỏi về trường hợp nước vượt tràn qua moong than, ông Minh cho biết, đành chấp nhận để nước tràn. Ông Minh lý giải, nếu như không có moong than, nước từ trên đồi núi vẫn cứ chảy xuống. Sau năm đến bảy năm, khi các moong không còn khai thác than, có thể làm hồ điều hòa, chứa nước ngọt.

 

Hiện tại, vỉa 16 của Công ty than Hà Tu đang bị ngập 6,7 triệu m3 nước và bùn đất do ảnh hưởng của trận mưa, lũ vừa qua. Công ty đã huy động năm máy bơm với công suất 700 m3/giờ/máy. Công ty đang khẩn trương, nhanh chóng gia cố và xây dựng một số hạng mục công trình hệ thống thoát nước, kè chắn bị hỏng do mưa, lũ. Với phương châm khắc phục đến đâu sản xuất đến đấy.

 

 

 

Theo đánh giá của ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh: “Việc các bãi thải nằm sát các khu dân cư là rất nguy hiểm, ảnh hưởng tính mạng, tài sản của nhân dân. Ngoài ra, sau mỗi trận mưa, lũ kéo dài sẽ kéo theo lớp đất đá, bùn thải trôi ra, làm lấp các sông, suối và thậm chí là cửa biển, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường”.

 

Thực tế cho thấy, hầu hết các mỏ than lộ thiên của TKV sử dụng hệ thống bãi thải ngoài với công nghệ đổ thải cao. Khối lượng thải lớn nhất tập trung tại vùng Cẩm Phả, khoảng 60 đến 70 triệu m3/năm. Các bãi thải của các mỏ than khai thác lộ thiên thường có chiều cao khoảng từ 60 đến 150 m, có nơi lên tới 250 m.

 

Bên cạnh đó, nhiều bãi thải như Nam Đèo Nai, Nam Lộ Phong hiện đang nằm trong khu đô thị hoặc bị các khu dân cư hình thành sau bao bọc xung quanh hay nằm sát ngay chân bãi thải. Các bãi thải như Cao Sơn, Khe Rè lại có xu hướng mở rộng, tiến dần về khu dân cư, các bãi thải mới hình thành tại Mạo Khê, Đông Triều... Khi muốn cải tạo các bãi thải này, việc di dân ra khỏi khu vực chân bãi thải cũng là vấn đề nan giải. Thời gian qua, có không ít điểm mỏ quan trọng bị thiên nhiên tàn phá, vùi lấp, làm thiệt hại lớn cho các đơn vị thành viên.

 

Là người dân có nhiều năm sống ở khu vực gần chân các bãi thải than, ông Nguyễn Văn Hiền, ở phường Cẩm Phú, TP Cẩm Phả cho biết: “Nhớ lại năm 2007, một trận mưa, lũ lớn đã làm tràn đất thải tại Khe Rè của Công ty CP Than Cọc Sáu. Một lượng đất thải lớn bị tràn ra và theo suối chảy ra Cửa Ông, làm ô nhiễm và hư hỏng tài sản của người dân, phải mất một thời gian dài, tốn nhiều công sức mới khắc phục được hậu quả”.

 

Theo cách tính của ngành than, trong quá trình sản xuất, mỗi năm, các cơ sở sản xuất than thải ra môi trường hàng chục triệu mét khối nước không qua xử lý, hàng triệu mét khối đất đá thải tại khai trường, kéo theo hàng trăm héc-ta thảm thực vật bị phá hủy. Để sản xuất một tấn than cần bóc tách tám đến 10 m3 đất, thải ra từ một đến ba mét khối nước thải mỏ. Cứ theo cách tính này, TKV đã để lại vô số ngọn núi chất thải rắn, bể chứa chất thải lỏng sau khai thác than. Và đây cũng chính là mối nguy hiểm về ô nhiễm môi trường và nguy cơ sạt lở đất, đá xuống các khu dân cư sống ở khu vực chân các bãi thải.

 

Kiên quyết di dời dân cư

 

Trong buổi làm việc với Tập đoàn than, ngày 5-8, tại Quảng Ninh, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng yêu cầu ngành than phải rà soát, bổ sung phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; có phương án thiết kế, quy hoạch các bãi thải, về quy mô, đường sá và quy hoạch các khu dân cư, di dời dân đến nơi an toàn. Không để các hộ dân sống ở khu vực chân bãi thải, gần kênh thoát nước.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long khẳng định: “Qua sự cố mưa, lũ vừa qua, tỉnh sẽ trình Chính Phủ cho phép tỉnh và TKV xây dựng đề án di dân ở dưới các bãi thải than đến khu an toàn và Chính phủ cần có cơ chế đặc biệt để ngành than trích lại một phần lợi nhuận đóng góp của ngành than cho ngân sách để đầu tư cho sự phát triển của tỉnh, bảo đảm môi trường cho người dân Quảng Ninh. Đây không phải là trách nhiệm của riêng tỉnh mà cũng không phải của ngành than, mà phải có cơ chế chính sách của riêng của Chính phủ đối với đề án di dân ra khỏi các chân bãi thải của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới”.

 

Để làm được điều này, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu ngành than cần thống nhất sớm với tỉnh về đề án tái định cư tổng thể cho các khu vực chân bãi thải, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho nhân dân; khẩn trương hoàn chỉnh chính sách đền bù tái định cư và ưu tiên đất tái định cư cho nhân dân. Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh cam đoan sẽ quan tâm, rà soát lại các quy hoạch, trong đó, chú ý đến quy hoạch thoát nước ngành than; di dân nơi sông suối, nơi sạt lở.

 

Mới đây, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã ra Chỉ thị chỉ đạo đối với các đơn vị khai thác than lộ thiên, phải tiến hành kiểm tra kỹ các tầng công tác, bãi thải, đường vận chuyển nội bộ, đề phòng tránh nguy cơ trượt, lở và có biện pháp sản xuất an toàn, hiệu quả. Khảo sát lại toàn bộ tình trạng an toàn của các bãi thải, đặc biệt tại các bãi thải có nguy cơ ảnh hưởng đến các công trình mỏ hầm lò, các khu vực dân cư, đường giao thông… để có biện pháp điều chỉnh dòng chảy thu nước hợp lý, bảo đảm ngăn nước mặt chảy tràn xuống sườn bãi thải hoặc nước mặt ngấm xuống chân bãi thải gây sạt lở.

 

Trước mắt, khi chưa có được đề án di dân ra khỏi khu vực chân các bãi thải, ngành than cần có các giải pháp nhanh chóng gia cố, bằng cách xây kè tại chân các bãi thải. Đồng thời, trồng cây xanh tại các bãi thải đã kết thúc nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do sạt lở đất đá từ các bãi thải xuống khu dân cư.

 

Được biết, từ nay đến năm 2030, các mỏ khai thác than lộ thiên tại Quảng Ninh sẽ sớm chuyển sang khai thác hầm lò, theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt năm 2012. Sau khi ngừng khai thác, ngành than sẽ phải trồng cây để trả lại cảnh quan và xử lý triệt để các bãi thải nguy hại.

 

Nguồn Báo Nhân dân

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt