Với tốc độ đô thị hóa nhanh, ô nhiễm rác thải đang trở thành vấn đề nhức nhối đối với những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng... Ngoài khó khăn xử lý khối lượng rác thải khổng lồ mỗi ngày, những tác hại từ rác thải ra môi trường cũng ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân. Bảo vệ môi trường và quản lý rác thải sinh hoạt là vấn đề cấp thiết cần được quan tâm giải quyết trước tình trạng môi trường bị xâm hại nặng nề.
Kỳ 1: Sống chung với rác
Tình trạng rác ùn tắc trong khu dân cư, tràn ra đường phố, thậm chí đổ xuống sông, hồ... nhưng chưa được thu gom, xử lý xảy ra phổ biến ở nhiều khu dân cư. Điều này không chỉ gây mất mỹ quan thành phố, mà còn khiến môi trường sống của người dân trở nên khó chịu, ngột ngạt.
Sông, hồ “ngạt thở”
Mấy tháng nay, người dân quanh khu vực hồ Đầm Hồng (nằm trên địa bàn hai phường Khương Đình và Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) phản ánh tình trạng rác thải vứt bừa bãi đang trở nên báo động. Dọc theo bờ hồ đã được kè đá hoàn thiện, có phần đất trống cỏ mọc um tùm, đây là nơi tập trung một lượng lớn rác thải đổ tràn lan ngay trên bờ đầm khiến nhiều người qua lại rất khó chịu, đặc biệt là khu đất vốn dành để quy hoạch Bệnh viện Đa khoa Thanh Xuân nhưng bị bỏ hoang nhiều năm qua. Sau hơn 5 năm chuyển giao (Công ty cổ phần Bệnh viện Thanh Xuân thay thế Liên danh Công ty cổ phần Y khoa Đức Việt, Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam, Công ty TNHH Trí Đức) khu vực này vẫn quây tôn để trống, trở thành nơi tập kết rác sinh hoạt và rác thải vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt của đại bộ phận dân cư nơi đây.
Tuy vậy, hồ Đầm Hồng ở thời điểm hiện tại vẫn “may mắn” vì mức độ ô nhiễm chưa nặng nề như một số hồ khác ở Hà Nội. Trong số này, hồ Linh Quang (phường Văn Chương, quận Đống Đa) là một trong những hồ ô nhiễm nhất ở Hà Nội. Hiện nước hồ này đã chuyển sang mầu đen ngòm, bốc mùi xú uế nồng nặc khiến cuộc sống của người dân quanh đây bị đảo lộn, có những người vì không chịu được cảnh ô nhiễm này đã phải chuyển đi nơi khác sinh sống.
Theo quan sát, trên mặt hồ tràn ngập bèo tây, tảo, cỏ dại phủ kín và các loại rác thải sinh hoạt, túi nylon, hộp xốp, củi khô, xác động vật chết bị vứt xuống hồ... ứ đọng tràn ngập. Chung quanh hồ là những đống phế thải xây dựng của các hộ gia đình đổ ra hồ để lấn chiếm, mở rộng diện tích nuôi gia súc, gia cầm. Điều này khiến hồ Linh Quang ngày càng bị thu hẹp và ô nhiễm trầm trọng.
Trước đây hồ rộng khoảng hai ha, nay chỉ như chiếc ao tù nước đọng. Hồ bị lấn đến đâu là các dãy nhà tạm bợ, chợ cóc và bãi trông giữ ô-tô “mọc” lên đến đấy. Không chỉ vậy, đây còn là khu vực sinh sống của hàng chục hộ dân lao động ngụ cư từ khắp nơi đổ về Hà Nội mưu sinh. Cụm dân cư không số nhà nằm trong ngách 59, ngõ Linh Quang với hơn chục mái nhà lợp tạm bợ ngăn cách với khu vực hồ bằng những ụ rác cao ngày ngày bốc mùi xú uế. Trước những bức xúc của người dân, mãi gần đây dự án cải tạo hồ Linh Quang đã được khởi động lại sau 10 năm ngừng trệ.
Ông Lê Quang Trung, Tổ trưởng dân phố 34 (phường Văn Chương) cho hay: Nhiều năm qua, người dân trong khu vực đã quá khổ trước thực trạng ô nhiễm môi trường, rác thải bừa bãi ở hồ này. Trong đợt sốt xuất huyết vừa qua trên địa bàn Hà Nội, có hơn chục người trong tổ dân phố bị nhiễm bệnh, nguyên nhân cũng do nước trong hồ quá ô nhiễm, tạo điều kiện cho muỗi sinh sống. Chúng tôi mong thành phố mau chóng cải tạo hồ Linh Quang càng nhanh càng tốt để người dân khỏi phải sống trong cảnh ô nhiễm.
Loay hoay ứng phó
Đầu tháng 7-2017, người dân sống chung quanh bãi chứa rác thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã phải đối phó với đại dịch ruồi bùng phát gây đảo lộn đời sống. Ruồi xuất hiện nhiều đến nỗi tràn ngập cả thôn xóm, chợ, nhà dân. Các gia đình phải đóng cửa kín mít cả ngày lẫn đêm, thậm chí ăn cơm cũng phải quây màn. Hoang mang nhất là nước thải rò rỉ ở nơi chứa rác ngấm vào đất dẫn đến những lo ngại về ô nhiễm nguồn nước sạch sinh hoạt khiến người dân nơi đây không khỏi bất an.
Quá bức xúc về tình trạng trên, một số người dân thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn đã ra đường lập chốt, chặn không cho xe chở rác từ nội thành vào bãi đổ. Vụ việc trên đã khiến nhiều khu vực rác bị dồn ứ và những bãi chứa tạm bị quá tải. Sinh hoạt của người dân ở không ít khu vực cả nội thành và ngoại ô Hà Nội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sự việc chỉ dừng lại và tạm lắng xuống khi các cấp thẩm quyền có đối thoại cam kết xử lý ô nhiễm với người dân nơi đây. Điều đáng nói, đây không phải lần đầu người dân hành xử như thế bởi những bức xúc liên quan rác thải.
Đó là tại khu vực ngoại thành, còn trong nội đô, chắc hẳn nhiều người chẳng còn xa lạ với sự xuất hiện bất chợt của những bãi chứa rác thải lộ thiên. Không biết do vô tình hay hữu ý mọc lên, song những điểm tập kết rác tạm thời này luôn là giải pháp tình thế hữu hiệu cho việc rác bị dồn đọng quá nhiều trong khu dân cư. Chẳng thế mà quanh khu vực hồ Đền Lừ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) hiện nay tồn tại hàng chục điểm đổ rác thải, phế thải xây dựng bừa bãi. Tại đây đang có nhiều bãi đất thuộc các dự án được quây tôn kín mít và việc quản lý vệ sinh môi trường phía bên ngoài dường như bị bỏ ngỏ, điều này vô tình tạo điều kiện cho những người thiếu ý thức thoải mái vứt rác, đổ trộm phế thải xây dựng.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Anh (Tân Mai, Hoàng Mai) cho biết: Ở đây, vài ngày có nhân viên Công ty Môi trường đô thị đến dọn nhưng được mấy hôm thì lại xuất hiện một bãi thải như cũ. Hằng ngày chúng tôi đi lại qua đây phải chịu thứ mùi hôi thối bốc lên nồng nặc và luôn phải cảnh giác cao độ “vừa đi, vừa né” để khỏi bị tai nạn. Không ít người đi qua đây vì tránh những bãi rác ngổn ngang này mà bị ngã xe, va quyệt…, chị nói.
Phế thải xây dựng vứt bừa bãi ảnh hưởng môi trường, cảnh quan.
Đối mặt quá tải
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày thành phố Hà Nội thải ra hơn 6.300 tấn rác thải sinh hoạt, và khoảng tám tấn rác thải khác bị xả bừa bãi ra đường phố, kênh rạch mỗi ngày, gây áp lực lớn cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác, xử lý mùi hôi... của các đơn vị vệ sinh môi trường đô thị. Nhiều trường hợp rác ngập ngụa tràn đường, các con kênh, mương bị nguồn nước thải xâm lấn đặc quánh, bốc mùi ô nhiễm tại nhiều thôn, xóm, khu dân cư nhưng các cấp chính quyền sở tại dường như chưa tìm ra cách giải quyết triệt để.
Rác thải nhiều, nhưng hầu hết các khu xử lý rác thải đều không đáp ứng được nhu cầu. Điển hình như Khu Liên hiệp xử lý rác thải (chất thải) Nam Sơn, dù được coi là bãi rác lớn nhất Hà Nội nhưng mỗi ngày chỉ có thể thu nhận khoảng 4.000 tấn rác, cao điểm lên tới 6.000 tấn. Còn tại bãi rác Xuân Sơn, công suất tiếp nhận xử lý rác thải cũng chỉ xấp xỉ 1.000 tấn/ngày. Với khối lượng khổng lồ như vậy, tất cả các bãi chứa rác của Hà Nội đều trong tình trạng quá tải dù thực tế việc thu gom, xử lý rác thải mới chỉ được khoảng 70%. Nói vậy để thấy vẫn còn một lượng lớn rác thải còn bị tồn đọng ở những bãi rác tạm trong khu dân cư mà chưa được xử lý.
Ông Cao Xuân Thìn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội chi nhánh Nam Sơn (URENCO 8) cho biết, kể từ năm 2016 đến nay, khu xử lý đã được thành phố quan tâm và đầu tư rất nhiều. Với những ô chôn lấp đã đóng, theo chỉ đạo của thành phố, chúng tôi đã phủ bạt HDPE nhập khẩu để ngăn nước mưa, nhằm giảm lượng nước rỉ rác cần xử lý và mùi, ruồi muỗi phát sinh. Cùng với đó, việc nạo vét, làm sạch đường thoát nước sau xử lý của khu liên hiệp đang được tích cực triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu xử lý rác của thành phố...
Với số lượng dân số lên tới gần 10 triệu người, lượng rác thải sinh hoạt tương ứng ngày càng trở thành vấn đề nan giải. Cùng với đó, tình trạng xả rác bừa bãi chưa giảm không chỉ khiến Hà Nội phải tập trung mất nhiều nguồn lực, chi phí để thu gom, xử lý rác, mà còn tạo áp lực lên công tác bảo vệ môi trường.
Bài & ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN THỜI NAY
Theo Báo Nhân dân điện tử