Công tác quản lý, xử lý chất thải rắn (CTR) thời gian qua chưa được áp dụng theo phương thức quản lý tổng hợp, chưa chú trọng các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải. Vì thế, việc xử lý, thu gom chất thải mới chỉ dừng lại ở phương pháp đốt, tái chế một phần và chôn lấp nên nhiều khi không đạt hiệu quả.
Kỳ 2: Ô nhiễm nhiều, xử lý chưa hiệu quả
Vẫn xử lý thủ công
Giai đoạn từ năm 2007-2017, bình quân mỗi ngày trên địa bàn TP Hồ Chí Minh phát sinh 8.700 tấn CTR, rác thải sinh hoạt (RTSH), 1.500 tấn rác thải công nghiệp và 374 tấn rác thải nguy hại (RTNH). Riêng CTR y tế, trung bình năm 2017 khoảng 22 tấn/ngày. Thế nhưng, hiện tổng công suất của 12 cơ sở được cấp phép xử lý RTNH và 30 đại lý vận chuyển mới chỉ có thể tiếp nhận xử lý được 251 tấn/ngày, chỉ đạt hơn 60% công suất xử lý RTNH.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, bình quân mỗi năm RTSH ở thành phố tăng khoảng 5%. Về CTR công nghiệp và CTR nguy hại, theo tính toán mỗi năm thành phố tăng 6% đến 8%. Cũng theo dự báo này, năm 2020, CTR sinh hoạt là 10.082 tấn/ngày, CTNH là 549 tấn/ngày và chất thải y tế 30 tấn/ngày. Đến năm 2025, CTR là 12.864 tấn/ngày, CTNH là 807 tấn/ngày và CTR y tế là 50,5 tấn/ ngày.
Theo PGS, TS Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm công nghệ môi trường (Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam), hiện lượng CTR nói chung và CTR nguy hại phát sinh ngày càng nhiều về lượng và đa dạng về loại tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện phương pháp chủ yếu để xử lý CTR vẫn là chôn lấp, không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất lẫn rác, mà còn gây ảnh hưởng xấu đến môi trường nước mặt, nước ngầm, đất và không khí ở khu vực bãi rác. Chưa kể, RTSH ở Việt Nam có độ ẩm cao, nhiều nước rác nên việc tìm kiếm công nghệ xử lý triệt để, phù hợp rất khó khăn. Mặt khác, việc phân loại rác tại nguồn nếu triển khai đại trà và để đạt thành công cũng là điều rất khó khăn. Trên thế giới, công nghệ đốt chất thải phát điện đã và đang ngày càng được áp dụng rộng rãi do có một số ưu điểm nổi bật so các công nghệ khác. Nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc.. đã chuyển dần từ chôn lấp sang đốt phát điện.
Thiếu khu xử lý tập trung
Hiện nay, ở tất cả các thành phố, thị xã đã thành lập các công ty môi trường đô thị có chức năng thu gom và quản lý rác thải. Thế nhưng hiệu quả của công việc thu gom, quản lý rác thải còn kém, chỉ đạt từ 30 - 70% do khối lượng rác phát sinh hằng ngày rất lớn. Tại Hà Nội, ngoài Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị (URENCO), còn nhiều đơn vị khác cùng tham gia thu gom rác như: Công ty CP Thăng Long, Công ty CP Tây Đô, Công ty CP Xanh, Hợp tác xã Thành Công... nhưng hầu như vẫn không thể thu gom hết vì lượng RTSH tăng nhanh. Chính vì vậy, tỷ lệ thu gom RTSH ở các quận nội thành chỉ đạt khoảng 95%, còn các tuyến ngoại thành mới khoảng 60%. Trừ lượng rác thải đã quản lý, số còn lại được đổ bừa bãi xuống các sông, hồ, ngòi, khu đất trống gây ô nhiễm môi trường nước và không khí.
Tại nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội, những hồ, đầm, ao chưa được xây dựng kè chắn, đường bao là địa điểm “lý tưởng” để các đối tượng đổ trộm rác, phế thải xây dựng. Trên địa bàn các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, nạn đổ trộm phế thải diễn ra đáng báo động. Trong chín tháng năm 2016, lực lượng chức năng quận Hà Đông đã phát hiện, xử phạt gần 200 vụ vi phạm với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng...
Nguyên nhân của tình trạng trên một phần là do hầu hết các đô thị đều chưa có quy hoạch khu tập trung CTR cũng như chưa có quy hoạch bãi chôn lấp (BCL) chất thải. Việc thiết kế và xử lý chất thải hiện tại ở các đô thị đã có BCL thì lại chưa phù hợp, đúng tiêu chuẩn mà thực chất chỉ là những nơi đổ rác không được chèn lót kỹ, không được che đậy. Do vậy, những nơi này đã và đang tạo ra sự ô nhiễm nặng nề tới môi trường đất, nước, không khí... ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.
“Nặng gánh” ngân sách
Theo Chiến lược Quốc gia về Quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, 100% các đô thị phải có công trình tái chế CTR; 100% lượng CTR sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý bảo đảm môi trường, trong đó 90% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ; 100% tổng lượng CTR công nghiệp, 90% lượng CTR các điểm dân cư nông thôn và 100% tại các làng nghề được thu gom và xử lý bảo đảm môi trường sống. Tuy nhiên, hiện nay lượng CTR sinh hoạt phát sinh ở khu vực đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày với mức tăng trung bình 15% mỗi năm. Việc thu gom, xử lý CTR đang là gánh nặng kinh tế cho ngân sách và chủ yếu vẫn do Nhà nước bao cấp.
Tại một số nơi, việc thu phí vệ sinh chưa hiệu quả, mức thu về ngân sách đã thấp lại càng thấp hơn. Trong khi để xây dựng được một bãi chôn lấp, xử lý chất thải hợp vệ sinh, đầy đủ các bước từ san lấp, khử trùng, xử lý nước rỉ rác và các biện pháp kỹ thuật khác đạt tiêu chuẩn yêu cầu vốn đầu tư lớn. Do đó nguồn ngân sách của các địa phương khó đáp ứng nổi. Trung bình, mức chi phí xử lý cho công nghệ xử lý CTR bằng biện pháp chôn lấp hợp vệ sinh là 115.000 đồng - 286.000 đồng/tấn.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam cần khoảng 500 triệu USD để xây dựng các hệ thống xử lý chất thải y tế và cần hàng trăm tỷ đồng mỗi năm chi phí cho hoạt động xử lý chất thải y tế. Do đó, dù đã có nhiều nỗ lực song việc thu gom, xử lý rác thải của Thủ đô đang bộc lộ nhiều bất cập. Hiện vẫn còn khoảng 20% CTR sinh hoạt ở khu vực ngoại thành Hà Nội chưa được thu gom, xử lý hiệu quả mà chủ yếu thực hiện theo hai phương pháp: chôn lấp và đốt nên không thật sự triệt để.
PGS, TS Vũ Sỹ Cường (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, CTR đô thị tăng nhanh qua các năm, song tỷ lệ thu gom còn thấp, phương thức xử lý CTR của Việt Nam còn lạc hậu, không bảo đảm vệ sinh (70% là xử lý bằng bãi rác hở). Ngoài ra, chính sách về hợp đồng thu gom, vận chuyển CTR đô thị hiện vẫn còn nhiều bất cập.
Còn nhiều hạn chế
Hiện nay, các dây chuyền thiết bị công nghệ xử lý rác tại Việt Nam do một số cá nhân, công ty nhỏ tự nghiên cứu, triển khai và chuyển giao cho đối tác. Hạn chế này khiến tính đồng bộ trong các dây chuyền thiết bị công nghệ không rõ nét, phát sinh nhiều bất cập trong quá trình khai thác sử dụng. Trong khi các hội đồng khoa học thường mang tính hình thức, tư vấn trên cơ sở kinh nghiệm của các chuyên gia, các ý kiến góp ý hầu như không được kiểm soát khi đưa vào triển khai dự án. Vì lý do này, việc tập hợp các nhà khoa học, doanh nghiệp hoạt động thực tiễn nghiên cứu và ban hành các phương pháp xử lý rác nhằm phân loại, tái chế, đốt, chôn lấp hoặc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn thường gặp nhiều khó khăn.
Việc đánh giá các lĩnh vực công nghệ phụ trợ trong công tác phân loại rác, tái chế, tái sử dụng, xử lý nước thải, chính sách khuyến khích khách hàng sử dụng sản phẩm đầu ra từ rác chưa hấp dẫn; hành lang cơ sở pháp lý trong công tác quản lý, cấp phép công nghệ sử dụng các nguồn lực này chưa đầy đủ, chưa giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trong cuộc sống. Ngoài ra do hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa tương thích kịp thời với sự phát triển của nền kinh tế thị trường.
TS Nghiêm Xuân Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, cho rằng: Hệ thống văn bản pháp lý về đấu thầu dịch vụ công ích còn thiếu, chưa đi vào thực tế; tổ chức đấu thầu trong một số dự án còn thiếu công khai minh bạch và bảo đảm sự công bằng. Mức phí quá thấp đang làm giảm hiệu quả trong quản lý CTR đô thị. Các đơn vị thu gom phải lấy hoạt động khác bù lỗ như lấy lợi nhuận từ hoạt động vận chuyển để bù lỗ cho phân đoạn thu gom hoặc giảm chi phí nhân công...
Các quy định về thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, CTR mặc dù đã được Chính phủ ban hành song còn mang tính hình thức, số kinh phí thu được mới chỉ bằng 1/10 so tổng kinh phí Nhà nước phải chi cho các dịch vụ thu gom và xử lý chất thải. Các chế tài xử phạt vi phạm hành chính còn quá thấp, chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng còn lúng túng trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường... Do đó công tác quản lý rác thải còn khá lỏng lẻo.
Bài & ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN THỜI NAY
Theo báo Nhân dân điện tử