Logo
phone
Hotline: 02437327155
Nan giải xử lý rác thải đô thị
  20/12/2017
icon-zalo

 

Nhiều bãi rác thải tự phát trên đường phố tiềm ẩn nguy cơ gây dịch bệnh. Các bãi rác công cộng luôn là một trong những nguồn lớn gây ra ô nhiễm. Rác thải không được thu gom, tồn đọng trong không khí không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mà còn tiềm ẩn nhiều dịch bệnh nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.

 

Kỳ 3: Sự đe dọa của rác

 

Nguồn phát sinh bệnh tật

 

Một trong những dạng chất thải nguy hại được xem là ảnh hưởng sức khỏe con người và môi trường là các chất hữu cơ bền. Những hợp chất này vô cùng bền vững, tồn tại lâu trong môi trường, có khả năng tích lũy sinh học trong nông sản phẩm, thực phẩm, trong các nguồn nước, mô mỡ của động vật và gây ra hàng loạt các bệnh nguy hiểm đối với con người mà phổ biến nhất là ung thư. Đó là lý do vì sao những khu dân cư ở làng nghề, gần khu công nghiệp, bãi chôn lấp chất thải và vùng nông thôn ô nhiễm môi trường thường có tỷ lệ người mắc bệnh ưng thư cao so nơi khác.

 

Nằm trên đường Tố Hữu, phường Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội), bãi thu gom, tập kết rác thải của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội đang ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống người dân quanh khu vực. Bãi rác này nằm ngay giữa khu đô thị Văn Khê, khu đô thị Dương Nội và nhiều hộ dân chung quanh. Mặc dù có xây tường rào bao quanh và các hoạt động gom, đổ rác diễn ra bên trong, tuy nhiên mỗi lần xe gom rác trở về là bầu không khí nơi đây lại trở nên ngột ngạt. Những ngày mưa, từ khu vực bãi tập kết, nước rác chảy tràn ra đường mà không có bất kỳ biện pháp xử lý, khắc phục nào, trong khi các xe chở rác thường mang về đây lượng rác thải rất lớn. “Từ sáng tới tối, thậm chí ngày thứ bảy, chủ nhật, khi bãi rác tạm nghỉ thì mùi hôi vẫn nồng nặc. Vào những ngày trời gió to, mùi xú uế cứ theo đó phát tán vào không khí, ảnh hưởng sinh hoạt và sức khỏe người dân”, một người dân sống gần đó cho hay.

 

Hiện nay, trong khu vực nội đô Hà Nội cũng có nhiều bãi rác thải tự phát chất cao thành đống, bốc mùi hôi thối, tạo điều kiện để ruồi, muỗi sinh sôi, nảy nở, dẫn đến nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm. Điều đáng nói, việc xử lý những bãi rác này chỉ được thực hiện bằng phương pháp thủ công là… đốt, nên ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng.

 

Bà Lê Thị Hoa (KĐT Nam An Khánh, Hoài Đức) bức xúc: Không khí ở đây nhiều khi bị ô nhiễm nặng, chỉ một đoạn đường ngắn mà có đến mấy điểm tập kết rác thải tự phát. Người ta đem rác ra đổ trộm vào ban đêm, cứ sáng ra chúng tôi đi tập thể dục qua đây là lại thấy đống rác cao hơn, mùi hôi thối nồng nặc, không thể nào chịu được. Nhất là khi những đống rác thải này bị đốt để tiêu hủy, khói bay nghi ngút, tro bụi bị những cơn gió lớn thổi bay lung tung, gây ảnh hưởng nghiêm trọng những hộ dân sống chung quanh. Chỉ mong sao chính quyền địa phương có biện pháp xử lý dứt điểm để trả lại môi trường sống trong lành cho người dân và giữ gìn cảnh quan đô thị.

 

Ảnh hưởng sức khỏe

 

Trong thành phần rác thải sinh hoạt, thông thường hàm lượng hữu cơ chiếm tỷ lệ lớn. Các loại rác hữu cơ dễ phân hủy gây hôi thối, phát triển vi khuẩn làm ô nhiễm không khí, nước, đất, làm mất vệ sinh môi trường và ảnh hưởng tới đời sống người dân. Khu tập trung rác hữu cơ là nơi thu hút, phát sinh các loài chuột, ruồi, muỗi, gián và các loại vi trùng gây nhiều chứng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do khả năng lây lan lớn... Đối với những người tiếp xúc thường xuyên với rác như công nhân vệ sinh môi trường, người làm công việc thu nhặt phế liệu từ bãi rác thì rất dễ mắc các bệnh như viêm phổi, sốt rét, các bệnh về mắt, tai, mũi họng, ngoài da, phụ khoa... Nhiều tài liệu trong nước và quốc tế phân tích, những xác động vật bị thối rữa phát tán hơi thối trong không khí có chất amin và các chất dẫn xuất hydro sulfua hình thành từ sự phân hủy rác thải kích thích sự hô hấp, kích thích nhịp tim đập nhanh gây ảnh hưởng xấu đối với những người mắc bệnh tim mạch.

 

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các loại chất thải ô nhiễm có thể là nguyên nhân gây bệnh hen suyễn, dị ứng, bệnh đường hô hấp, tim mạch và đặc biệt là ung thư. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 115.000 người chết vì ung thư, tương ứng 315 người/ngày. Các kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: Trong các bãi rác, vi khuẩn thương hàn có thể tồn tại trong 15 ngày, vi khuẩn lỵ là 40 ngày, trứng giun đũa là 300 ngày... Không ít loại vi trùng gây bệnh chỉ thật sự phát huy tác dụng khi có các vật chủ trung gian gây bệnh tồn tại trong các bãi rác như những ổ chứa chuột, ruồi, muỗi..., cùng nhiều loại ký sinh trùng gây bệnh cho người và gia súc.

 

TS Đỗ Mạnh Cường, Phó Trưởng phòng Sức khỏe và Môi trường cộng đồng, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho rằng: Nguy cơ ô nhiễm môi trường, lây nhiễm nguồn bệnh từ các thành phần của rác thải nguy hại là rất lớn! Bởi trong đó chứa các vi sinh vật, chất phóng xạ, hóa chất, kim loại nặng và các chất độc gây đột biến tế bào, ảnh hưởng lâu dài đến hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng.

 

Rác thải đang gây ra nhiều nguy cơ lây lan bệnh truyền nhiễm, gây dịch nguy hiểm do môi trường vốn đang bị ô nhiễm cả đất, nước và không khí. Nhiều chứng bệnh như đau mắt, bệnh đường hô hấp, bệnh ngoài da, tiêu chảy, dịch tả, thương hàn..., thường do loại chất thải rắn (CTR) gây ra.

 

Đe dọa chất lượng sống

 

Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), hiện nay, tổng lượng CTR sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc là 61.500 tấn/ngày (thành thị là 31.000 tấn/ngày, nông thôn 30.500 tấn/ngày). Nhưng có tới 85% số đô thị từ thị xã trở lên sử dụng phương pháp chôn lấp chất thải không hợp vệ sinh. Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, khối lượng CTR trên địa bàn tăng trung bình 15%/năm. Lượng CTR đô thị phát sinh đã tới hơn 6.500 tấn/ngày. Cùng với đó, vấn đề ô nhiễm môi trường tại các tuyến kênh rạch, hồ trong nội thành, nội thị đang có diễn biến phức tạp. Nhiều con sông ở nội thành trở thành các kênh dẫn nước thải, chất lượng nước suy giảm nặng nề. Thực trạng này đang gây nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống và sức khỏe của người dân.

 

Rác thải sinh hoạt phát sinh ở mọi nơi, mọi lúc từ các khu dân cư, từ các hộ gia đình, chợ và các tụ điểm buôn bán, nhà hàng, khách sạn, công viên, khu vui chơi giải trí, trường học... Đối với các loại rác thải phát sinh trong đời sống hằng ngày, người dân thường có thói quen loại bỏ bằng cách đốt thủ công hoặc đổ rác bừa bãi ngoài lề đường, ao, hồ, biển..., đặc biệt là vùng nông thôn. Tuy nhiên, việc đốt tất cả rác thải kể cả các loại chất dẻo như: chai nhựa, cao-su, túi nylon... có thể gây ra những hệ lụy khó lường bởi trong quá trình đốt, các vật liệu này cháy không triệt để sẽ sinh ra các khí độc như: Oxit cacbon, Hydrocacbon dễ bay hơi, kể cả benzen, dioxin, furin là những chất rất độc hại. Chính từ việc đốt rác theo phương pháp thủ công không có sự phân loại trong khu dân cư, các chất độc hại phát sinh sẽ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người, gây khó thở, viêm đường hô hấp...

 

Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: Ô nhiễm môi trường gây ra những thiệt hại về kinh tế - xã hội và tác động trực tiếp đến cuộc sống người dân. Tỷ lệ người mắc các bệnh có liên quan ô nhiễm môi trường ở nông thôn có xu hướng tăng qua các năm, đặc biệt ở các khu vực sản xuất đang bị ô nhiễm hoặc gần các nguồn gây ô nhiễm. Những năm gần đây, nông thôn xuất hiện một số “làng ung thư” tại những khu vực nằm gần các cơ sở sản xuất có hoạt động xả thải hóa chất độc hại...

 

(Còn nữa)

 

Theo Báo cáo của Bộ Y tế, số trường hợp mắc mới ung thư tăng nhanh từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010 và dự kiến sẽ vượt qua 190.000 ca vào năm 2020. Trong đó, tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư do yếu tố di truyền chỉ chiếm từ 10 - 20%, còn lại 80% có nguyên nhân bị nhiễm độc từ môi trường không khí, thức ăn, nguồn nước bị ô nhiễm mà rác thải là một trong những thủ phạm gây nên tình trạng trên.

 

Bài & ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN THỜI NAY

 

Theo báo Nhân dân điện tử

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt