Logo
phone
Hotline: 02437327155
Một số vấn đề về kinh tế xanh tại Việt Nam
  08/01/2021
icon-zalo

Kinh tế xanh là xu hướng phát triển hiện nay của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Bài viết đánh giá thực trạng nền kinh tế xanh ở Việt Nam thời gian qua và đề xuất một số giải pháp phát triển nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh tại Việt Nam.

 

Từ năm 2011, Việt Nam đã thiết lập các mục tiêu hoạt động cụ thể đến năm 2020, trong đó tập trung vào 3 mục tiêu chủ yếu để đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế như: (i) Giảm GHG và tăng cường sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; (ii) Xanh hóa sản xuất; (iii) Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

 

Phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh tại Việt Nam

 

 Về chính sách

 

Ngày 12/4/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 432/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020, trong đó đã nêu rõ các nhiệm vụ: “Xây dựng và thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, đảm bảo phát triển nền kinh tế theo hướng carbon thấp. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Từng bước thị trường hóa giá năng lượng, nâng dần tỷ trọng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng ở Việt Nam. Xây dựng hệ thống hạch toán kinh tế môi trường và đưa thêm môi trường và các khía cạnh xã hội vào khuôn khổ hạch toán tài khoản quốc gia (SNA)”.

 

Tiếp đó, ngày 5/9/2012, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1216/QĐ-TTg về “Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030” với mục tiêu đến 2020 “Kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học; tiếp tục cải thiện chất lượng môi trường sống; nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước” và mục tiêu đến 2030 là “Ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học; cải thiện chất lượng môi trường sống; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, ít chất thải, carbon thấp vì sự thịnh vượng và phát triển bền vững đất nước”.

 

Định hướng và mục tiêu xanh hóa nền kinh tế được thể hiện chi tiết tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là chiến lược quốc gia đầu tiên, toàn diện về lĩnh vực phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam.

 

Ngoài các chính sách trên, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2015 (Quyết định số 1183/QĐTTg ngày 30/8/2012); Chính phủ ban hành Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26/8/2016 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020, trong đó có chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 2053/QĐTTg ngày 28/10/2016 về việc ban hành kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

 

Những quyết định trên đã thể hiện chủ trương phát triển kinh tế xanh của Chính phủ Việt Nam với nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, làm căn cứ để Việt Nam xây dựng kế hoạch thực hiện kinh tế xanh.

 

Đánh giá kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh tại Việt Nam qua một số chỉ tiêu

 

GDP của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2018 vẫn tăng trưởng tốt mặc dù năm 2019 tăng trưởng GDP có sụt giảm nhưng vẫn cao hơn chỉ tiêu của Quốc hội đề ra (trong khoảng 6,6%-6,8%). Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong những nước có nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam châu Á với tốc độ tăng trưởng trung bình 5,91% trong giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, tăng trưởng tại Việt Nam đã trở thành vấn đề khiến carbon tăng cao, trở thành áp lực đối với môi trường, tăng khí thải, ô nhiễm tiếng ồn và gặp vấn đề trong xử lý chất thải rắn và nước thải.

 

Vấn đề đặt ra là với tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam qua các năm thì liệu có ảnh hưởng đến nền kinh tế xanh, là một nền kinh tế tạo ra việc làm, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững và ngăn chặn ô nhiễm môi trường, nóng lên toàn cầu, cạn kiệt nguồn tài nguyên và suy thoái môi trường của Việt Nam hay không? Để tìm ra được lời giải đáp cho câu hỏi trên, tác giả đã kết hợp đánh giá tốc độ tăng trưởng GDP với các chỉ tiêu đánh giá kinh tế, có kết quả như sau:

 

Tăng trưởng CO2 tăng lên rất cao vì lượng phát thải CO2 tại Việt Nam phát sinh chủ yếu là từ các ngành: Năng lượng (từ đốt nhiên liệu, phát tán trong quá trình khai thác, vận chuyển nhiên liệu) tăng 3,56%, sản xuất công nghiệp tăng 46,54% (sản xuất xi măng, sản xuất vôi, sản xuất amoni và sản xuất thép) trong đó sản xuất xi măng là ngành có lượng phát thải cao nhất, ngành canh tác lúa và đất nông nghiệp tăng 2,05% và đốt chất thải tăng 15,64% được thải ra từ nhiều nguồn khác nhau Một trong những lý do làm gia tăng lượng phát thải khác là sự  đóng góp của các ngành này vào tăng trưởng của tổng sản phẩm trong nước

 

Về tốc độ tăng trưởng nước sạch, nước sạch ở nước ta thay đổi  qua các thời kỳ không có một xu hướng rõ ràng Tuy nhiên, Việt Nam có khoảng 3.450 sông, suối trải đều trên 108 lưu vực từ Bắc xuống Nam với hơn 2.900 hồ chứa thủy điện, hồ chứa nước mặt, thủy lợi với tổng dung tích khoảng 65 tỷ m3. Việt Nam được đánh giá là khá thuận lợi với tài nguyên nước phong phú dồi dào. Hơn 60% lượng nước ở Việt Nam bắt nguồn từ ngoài lãnh thổ, nhưng tổng lượng nước tái tạo nội bộ cho mỗi đầu người dự đoán sẽ tiếp tục giảm xuống còn 3.100 m3 vào năm 2025, dẫn đến sự phụ thuộc nhiều hơn vào mối quan hệ Việt Nam với các nước thượng nguồn có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm nước ngọt ngày một nghiêm trọng, đặc biệt là ở các đô thị trong đó có Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Việt Nam bị đưa vào nhóm các nước thiếu nước sinh hoạt mà nguyên nhân chính là do nguồn nước tự nhiên bị ô nhiễm và tỷ lệ thất thoát trong quá trình cung cấp nước sạch khá cao.

 

Về tốc độ tăng trưởng rừng, diện tích rừng che phủ giai đoạn 2011-2017 giảm sút nhiều là một trong những lý do giảm sút khả năng hấp thụ CO2, gia tăng lượng phát thải CO2 trong không khí. Nguyên nhân của sự sụt giảm diện tích rừng bao gồm: việc khai thác quá mức (50%); chuyển đổi rừng và đất rừng thành đất sản xuất nông nghiệp (20%); du mục và đói nghèo (20%) và cháy rừng, thiên tai và hiểm họa (10%). Tuy nhiên, những chuyển biến này cũng xảy ra đồng thời với thực tế sản xuất lâm nghiệp tăng gấp đôi từ 3,4% (năm 2011) lên 7,5% (năm 2015). Tại  các khu vực đô thị, mật độ cây xanh chưa đạt tiêu chuẩn về độ che phủ. Cụ thể, tại thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh diện tích này mới đạt <4m2/người, thấp hơn so với yêu cầu của tiêu chuẩn (10-15 m2/người) và không đáp ứng vai trò lá phổi xanh giảm thiểu ô nhiễm không khí.

 

Các luật thuế về môi trường bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2012, theo đó, việc đưa túi nylon và xăng dầu… vào đối tượng chịu thuế môi trường mặc dù có thể làm cho giá cả hàng hóa tăng lên nhưng lại góp phần giúp ý thức người tiêu dùng thay đổi, hạn chế việc sử dụng các sản phẩm có hại. Theo đánh giá của “Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô và tăng trưởng xanh” của Bộ Tài chính vào tháng 12/2014 cho thấy, thuế môi trường đã có tác động bất lợi tới kinh tế - xã hội (Bảng 1), điều này đã phản ánh qua một số chỉ tiêu như: GDP giảm nhẹ (0,2%), sản lượng khu vực (9,1% năm 2012 và 9,5% trong năm 2013) và xóa đói giảm nghèo có tốc độ chậm hơn (11,1% năm 2012 và 9,8% năm 2013). Tuy nhiên, chính sách thuế môi trường đã tác động tích cực đến môi trường thông qua việc giảm lượng khí thải carbon (giảm khoảng 1,7%), thu ngân sách nhà nước cũng đã tăng từ tiền thu thuế môi trường.

 

Về tăng trưởng nồng độ bụi mịn (PM2.5), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ ra 6 yếu tố chính gây phát sinh ô nhiễm bụi trong môi trường không khí, đó là:

 

Thứ nhất, khí thải từ số lượng lớn các phương tiện cơ giới tham gia giao thông trong đó có nhiều phương tiện cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải.

 

Thứ hai, phát sinh từ hoạt động xây dựng các công trình mới, cải tạo, sửa chữa đường giao thông do chưa nghiêm túc thực hiện việc che chắn bụi tại các công trường xây dựng và phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu, phế thải xây dựng, không rửa xe trước khi ra khỏi công trường.

 

Thứ ba, phát sinh từ hoạt động đốt rơm rạ ngoài trời, đốt rác, trong đó có cả chất thải nguy hại không đúng quy định tại một số địa phương.

 

Thứ tư, khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất công nghiệp có đốt nhiên liệu hóa thạch (nhiệt điện, xi măng).

 

Thứ năm, phát sinh từ việc sử dụng số lượng lớn bếp than tổ ong để đun nấu trong sinh hoạt hàng ngày cũng như để kinh doanh.

 

Thứ sáu, ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu trong thời điểm giao mùa, có hiện tượng nghịch nhiệt. Đây cũng là xu hướng chung của các nước trong khu vực (Thái Lan, Iran, Hàn Quốc…).

 

Ngoài ra, tốc độ tăng của bụi mịn qua các năm biến động bất thường và nếu theo dõi số liệu quan trắc giai đoạn từ năm 2012 đến nay cũng cho thấy, mức độ ô nhiễm bụi tại các đô thị vẫn ở ngưỡng cao. Theo số liệu thống kê về “hiện trạng chất lượng không khí” tại 3000 thành phố trên thế giới thì có 64% vượt quá mức khuyến cáo phơi nhiễm hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) (10µg/m3) đối với bụi mịn, còn được gọi là bụi PM2,5. Nếu xếp hạng theo khu vực, Đông Nam Á có 95% các thành phố bị ô nhiễm PM2.5, tương đương với 20 thành phố, trong đó Hà Nội xếp hạng thứ 2 và TP. Hồ Chí Minh xếp hạng thứ 15.

 

Kết hợp GDP và các chỉ số để theo dõi sự phát triển của nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh tại Việt Nam

 

Sau khi đánh giá ảnh hưởng của từng chỉ tiêu đến môi trường, tác giả kết hợp tốc độ tăng trưởng kinh tế với các chỉ tiêu thuộc nhóm tiêu chí: Năng suất của tài nguyên và môi trường; tài nguyên thiên nhiên, chất lượng môi trường sống, cơ hội kinh tế và lựa chọn chính sách để đánh giá mức độ tách rời giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế và các chỉ tiêu của nhóm tiêu chí này.

 

Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và các chỉ tiêu theo dõi sự phát triển nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh tại Việt Nam trong giai đoạn lấy dữ liệu, cụ thể:

 

- Tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng lượng phát thải CO2: Tăng trưởng kinh tế càng cao thì lượng phát thải CO2 càng lớn.

 

- Tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng diện tích rừng che phủ: Tăng trưởng kinh tế càng cao thì diện tích rừng che phủ càng bất ổn định; giảm nhiều do tình trạng khai thác, chặt phá rừng, mất cân bằng sinh thái.

 

- Tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng lượng nước sạch sử dụng: Tăng trưởng kinh tế cao, lượng nước sạch càng càng giảm; Cần chú ý đến việc khai thác và an ninh nguồn nước.

 

- Tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng nồng độ bụi PM 2.5: Tăng trưởng kinh tế tăng, nồng độ bụi tăng.

 

- Tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng thuế môi trường/tổng số thuế thu được: Tăng trưởng kinh tế cao, thuế môi trường cao.

 

Tóm lại, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam càng cao thì những hiểm họa về môi trường và nguy cơ khan hiếm tài nguyên ngày càng nhiều do các tiêu chí nghiên cứu có xu hướng không tách rời.

 

Giải pháp phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh tại Việt Nam

 

Mặc dù, Việt Nam đã xây dựng khuôn khổ pháp lý, thành lập các tổ chức, bộ máy liên quan đến bảo vệ môi trường và xanh hóa sản xuất từ Trung ương đến địa phương, tuy nhiên, để phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

 

- Tăng diện tích rừng che phủ, giảm việc khai thác rừng quá mức; Hạn chế việc chuyển đổi rừng và đất rừng thành đất sản xuất nông nghiệp; Quản lý tốt công tác kiểm lâm để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành động chặt, phá rừng, đốt rừng để làm rẫy vì có thể gây ra cháy rừng. Gia tăng mật độ cây xanh có độ che phủ tốt ở các đô thị.

 

- Giảm lượng phát thải CO2 bằng cách giảm việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch hoặc sử dụng các loại năng lượng sạch như: Gió, thủy điện, hạt nhân... Bên cạnh đó, cũng cần giảm lượng CO2 trong không khí xuống mức cho phép bằng cách nhờ cây xanh vì cây xanh và rừng có thể hấp thụ lượng CO2 thông qua quá trình quang hợp. Ngoài ra, cũng có thể vận dụng công nghệ CCUS là một loại công nghệ sạch, có thể loại bỏ phát thải CO2 từ các ngành công nghiệp như nhiệt điện, xi măng, luyện gang thép, sản xuất phân bón và hóa dầu.

 

- Giảm nồng độ bụi mịn:

 

Thứ nhất, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện cơ giới, có thể không sử dụng các phương tiện cũ không đảm bảo an toàn và tiêu chuẩn khí thải, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng xe diesel vượt quá mức phát thải cho phép; đồng thời, áp dụng nhiều biện pháp siết chặt quản lý đối với nhóm xe vận chuyển vật liệu xây dựng.

 

Thứ hai, bắt buộc các công trình xây dựng, sữa chữa, cải tạo đường xá, dân cư phải che chắn trong quá trình hoạt động.

 

Thứ ba, khuyến khích người dân không đốt rơm rạ, rác thải, giảm khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất công nghiệp có đốt nhiên liệu hóa thạch (nhiệt điện, xi măng). Khuyến khích và yêu cầu người dân cũng như các hộ kinh doanh đang sử dụng than tổ ong  chuyển sang sử dụng các loại nguyên liệu sạch hơn.

 

- Bảo vệ và tiết kiệm nguồn nước sạch: Nâng cao ý thức cộng đồng trong việc tiết kiệm nguồn nước và không làm ô nhiễm nguồn nước, giữ sạch nguồn nước như: Không vứt rác, bỏ chất phế thải, chất bẩn vào nguồn nước; Cần phải xử lý rác sinh hoạt và các chất thải khác đúng quy trình không được để các loại rác này bị xả vào môi trường nước gây ô nhiễm; Sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng cho phép nếu không lượng dư của các loại thuốc này sẽ ngấm vào đất và có thể ô nhiễm nguồn nước; Đối với nước thải sinh hoạt và công nghiệp, cần phải có hệ thống xử lý trước khi thải ra môi trường. Cần kiểm tra, bảo trì, thay mới… các đường ống nước, bể chứa nước tránh lãng phí nước, thất thoát nước. 

 

- Thuế môi trường: Nhà nước cần tiếp tục rà soát và nghiên cứu điều chỉnh mức thuế và đối tượng chịu thuế phù hợp nhằm vừa tạo nguồn thu cho ngân sách vừa hạn chế tiêu dùng các loại hàng hóa gây ô nhiễm.

 

- Giải pháp bổ sung: Khuyến khích các doanh nghiệp chủ động trong việc đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ nâng cao năng suất sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu; sản xuất các sản phẩm hữu cơ thân thiện với môi trường và bảo tồn bền vững tài nguyên, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học cũng như tạo việc làm cho khu vực nông thôn. Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nông trại, nông dân chuyển đổi hình thức sản xuất sang hữu cơ; có các gói hỗ trợ tài chính để nông dân duy trì canh tác hữu cơ, hỗ trợ tài chính cho hoạt động giáo dục về canh tác hữu cơ, triển khai các dịch vụ tư vấn về canh tác hữu cơ, hỗ trợ quá trình sản xuất, quảng bá và chế biến sản phẩm hữu cơ.

 

Bên cạnh các đề xuất trên, để có những giải pháp cụ thể và kịp thời, các số liệu của bộ chỉ số theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cần được công bố nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời để cho các nhà nghiên cứu cũng như những người quan tâm, những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh liên quan đến vấn đề tài nguyên, khí hậu, môi trường trong nước cũng như ngoài nước tiếp cận dễ dàng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần chủ động trong việc đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ nâng cao năng suất sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu. Đồng thời, triển khai các hoạt động sáng tạo và ứng dụng công nghệ xanh nhằm cải thiện môi trường đô thị như: công nghệ mái nhà xanh, mặt tiền xanh và vỉa hè xanh làm mát khu vực đô thị và dân cư...

 

Xem toàn văn bài viết tại đây:

 

Theo Tạp chí Tài chính

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt