Bộ TN&MT đang trong quá trình soạn thảo nghị định triển khai Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi 2020, trong đó có các nội dung liên quan đến Điều 105, áp dụng kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT). Có 3 vấn đề lớn đang được xem xét là: (i) lựa chọn ngành/lĩnh vực và lộ trình áp dụng, (ii) trình tự thủ tục ra quyết định và tích hợp BAT và (iii) các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Để mở đường dư luận và tiếp thu ý kiến của các học giả, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp, bài viết này sẽ trình bày và phân tích lần lượt từng vấn đề, cách tiếp cận của của Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế, các vướng mắc cần thêm ý kiến để hoàn thiện.
PHẦN 1: LỰA CHỌN NGÀNH/LĨNH VỰC SẢN XUẤT VÀ LỘ TRÌNH ÁP DỤNG
Một trong những khó khăn đầu tiên là xác định/làm rõ đối tượng áp dụng BAT. Luật BVMT năm 2020, Điều 105, khoản 1 quy định “Chủ dự án đầu tư, cơ sở thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường có trách nhiệm nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất theo lộ trình do Chính phủ quy định”. Việt Nam có cách hiểu và phân loại “cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường” mang nhiều nét tương đồng với Nga. Luật BVMT năm 2020, Điều 28 tiêu chí môi trường để phân loại các dự án đầu tư chia dự án đầu tư thành 4 nhóm ký hiệu I, II, III, IV. Trong đó, nhóm I là dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao. Mặc dù vậy, trong Luật của Việt Nam không quy định nhóm nào trong bốn nhóm trên phải áp dụng BAT, không thấy rõ mối liên hệ giữa phân nhóm và đối tượng áp dụng BAT.
Việc xác định đối tượng phải áp dụng BAT ngay từ trong Luật là cần thiết, giúp người dân và doanh nghiệp xác định rõ trách nhiệm và không dẫn đến tranh cãi. Tham khảo việc áp dụng BAT của Mỹ, EU, Hàn Quốc đối với Việt Nam, các chuyên gia cho rằng “cơ sở thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường” như quy định tại điều 105, Luật BVMT năm 2020 hiện nay có thể hiểu là 17 loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, được quy định tại Phụ lục IIa, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ. Điều này cần phải được khẳng định trong nội dung của Nghị định tới đây.
Một trong những nội dung đặt ra trong Nghị định về BAT lần này là xác định lộ trình áp dụng BAT tại Việt Nam. Trong một nghiên cứu về BAT năm 2020, nhóm nghiên cứu đã đề xuất lộ trình các bước triển khai BAT của Việt Nam bao gồm: Xây dựng khung luật quy định BAT (đã thông qua tháng 11/2020); Các nghị định dưới Luật; Phân công đầu mối; Thành lập TWGs (nhóm làm việc kỹ thuật); Lựa chọn đối tượng; Điều tra thu thập thông tin công nghệ; Đánh giá và lựa chọn BAT; Xây dựng hồ sơ tham chiếu BAT; Phê chuẩn và thực thi. Điểm mấu chốt của lộ trình là thời điểm hoàn thành danh mục BAT cho các ngành thuộc nhóm I. Đây là bước đi đầu tiên và bắt buộc của lộ trình, Theo OECD, các nước mất trung bình 4 năm (39 tháng lựa chọn BAT và 12 tháng lấy ý kiến) cho việc thực hiện bước đầu tiên này. Điều này đồng nghĩa, đến 2025 Việt Nam mới có thể đưa BAT váo áp dụng nếu triển khai ngay từ bây giờ.
Một lộ trình rút gọn đang được đề xuất, theo đó đối với một số ngành có thể áp dụng ngay các quy định BAT của quốc tế, rút ngắn thời gian điều tra và đánh giá. Luật BVMT năm 2020 Điều 105, khoản 3 nêu “xem xét công nhận kỹ thuật hiện có tốt nhất đã được áp dụng tại Nhóm các nước công nghiệp phát triển được phép áp dụng tại Việt Nam”. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất mới cần được đánh giá, nhất là ảnh hướng và tác động đến doanh nghiệp.
Bước tiếp theo là trình Danh mục BAT lên chính phủ để thông qua. Theo quy định của Luật tại nhiều nước, 6 tháng sau khi chính phủ thông qua danh mục BAT, BAT chính thức có hiệu lực, đồng nghĩa với việc các ngành nhóm I phải áp dụng. Theo kinh nghiệm các nước, lộ trình cũng cần xác định các ưu tiên. Hàn Quốc chọn ưu tiên áp dụng tại 3 nhóm ngành: (i) Ngành lò đốt, (ii) khai thác mỏ và luyện kim và (iii) Hóa chất hữu cơ quy mô lớn. Việt Nam cũng cần phải xác định các nhóm doanh nghiệp ưu tiên trong lộ trình áp dụng BAT.
Trên thực tế, BAT đã được triển khai tại một số ngành công nghiệp tại Việt Nam do nhu cầu của các doanh nghiệp nhằm đổi mới công nghệ, nâng cao xuất khẩu và đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa hiểu về BAT. Do vậy, việc xây dựng hướng dẫn cụ thể những quy định về BAT trong luật BVMT sửa đổi 2020 hết sức cấp thiết. Trong đó, danh mục đối tượng BAT và lộ trình cùng các ưu tiên cần được xác định rõ.
Lê Minh Đức, chuyên gia tư vấn độc lập; Nguyễn Thị Hồng Lam, Nghiên cứu sinh Đại học Quốc Gia Đài Loan
Xem toàn bộ phần I nghiên cứu tại đây
VEIA